20 năm Truyền hình Vì trẻ em – Xứng đáng vai trò cầu nối

Văn Quân-Thứ sáu, ngày 20/06/2014 17:44 GMT+7

Sau cuộc làm việc giữa Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam lúc đó là bà Trần Thị Thanh Thanh cùng nhà báo Phạm Khắc Lãm – nguyên Tổng Giám đốc Đài THVN về xây dựng chương trình Truyền hình Vì trẻ em cuối năm 1993, tháng 2 năm 1994, Chương trình Vì trẻ em đã chính thức được lên sóng định kỳ sau thời gian thử nghiệm.

Đối với những người làm truyền hình, thời điểm đó, chương trình là một hành động cụ thể và kịp thời cho mục đích phản ánh việc thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em (1991 – 2000). Ngoài ra, sự ra đời của chương trình còn là cầu nối cung cấp kiến thức để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ cho các gia đình và toàn xã hội.

‘ Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu trả lời phỏng vấn chương trình Vì trẻ em

Hai mươi năm - một chặng đường

Khi mới được thành lập, chương trình Vì trẻ em được phát chính thức mỗi tháng 2 chương trình trên hệ thống 1 và 2 chương trình trên hệ thống 2 của Đài Truyền hình Việt Nam. Mỗi chương trình có thời lượng phát sóng từ 15 đến 20 phút. Vạn sự khởi đầu nan, trong trí nhớ của nhà báo Vũ Dũng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông, người thực hiện chương trình Vì trẻ em hiện nay, thời đó, các anh như những người thợ chính nhưng đồng thời, cũng như những người… học việc.

“Đó là một chương trình mới, có chủ đề nên việc tìm đề tài không khó, cái khó của chúng tôi lúc đó là trang thiết bị và con người”. Ông Dũng nhớ lại, lúc đó, ê kíp thực hiện chương trình chỉ có 3 người và trang thiết bị thì nhờ cả ở… Đài Truyền hình Việt Nam. Hàng ngày, khi lên được đề tài, anh em lại cùng nhau “cưỡi” xe máy vi vu mọi nẻo đường để tác nghiệp. Một tuần hai ngày dựng trong khi chưa có phòng nên mọi người đã nghĩ ra “sáng kiến”, cứ túc trực bên Đài, lúc nào phòng dựng trống thì lại “nhảy” vào tranh thủ. Vậy nên chuyện 11 giờ đêm cùng chia nhau chiếc bánh mì, tranh thủ thời gian và tờ mờ sáng hôm sau lại hẹn lên Đài hoàn thành công việc cho Hội đồng duyệt chương trình nghiệm thu diễn ra thường xuyên với các anh.

“Ngoài trách nhiệm ra thì có thể nói, thời đó chúng tôi làm với một lòng say nghề mà cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn kể cho nhau trong sự tự hào của những người làm báo vì trẻ em. Vậy nên mới có chuyện, trong sự khó khăn về phương tiện và công nghệ nhưng có những chuyến đi miền núi, chỉ trong bảy ngày mà anh em đã làm được tới 2-3 chương trình, mà chương trình nào cũng được Hội đồng đánh giá cao về chất lượng”, nhà báo Vũ Dũng chia sẻ.

‘ Nhà báo Vũ Dũng và Ê kip chương trình Vì trẻ em

Đổi mới để phát triển

Ngồi tâm sự, nhà báo Vũ Dũng, người chịu trách nhiệm thực hiện Chương trình Vì trẻ em bảo, làm truyền hình cho trẻ em, với anh nó như một cái duyên thú vị ở trong đời. Anh cũng là một trong những người đến với chương trình từ những ngày đầu, năm 1995, lúc đó tóc anh còn xanh và trái tim còn cuộn chảy một bàu máu nóng. Thời gian thấm thoắt, hai mươi năm gắn bó với truyền hình Vì trẻ em, anh Dũng bảo nếu không yêu trẻ, không yêu nghề thì khó lòng mà trụ được với lĩnh vực này.

Làm báo về trẻ việc đầu tiên là không được nghĩ tới lợi nhuận. Mà cũng không có cơ hội để… nghĩ tới lợi nhuận. Anh cũng đã từng nói điều này với các phóng viên trẻ khi họ tìm đến đây kiếm cơ hội việc làm. Rằng, ở đây chỉ có sự làm nghề, nếu nghĩ đến những quyền lợi thì chắc chắn các bạn phải tìm đến một địa chỉ khác, sòng phẳng và rõ ràng. Chính vì vậy mà bây giờ, anh cảm thấy tự hào và tin vào những phóng viên, biên tập viên mình đang có.

Làm truyền hình Vì trẻ em không dễ. Hai mươi năm gắn với nghề, anh Dũng bảo, nó đòi hỏi người làm phải có những kỹ năng riêng biệt. Người làm báo đôi khi vừa là khách thể lại phải vừa là chủ thể. Vừa phải thực hiện tốt công việc của một người làm chương trình nói về trẻ em nhưng lại dành cho người lớn xem. Nhưng đã làm về trẻ em thì đồng thời, với trẻ, mình cũng phải xuất phát từ tư cách của một người bạn. Để các em hiểu, các em hợp tác mà đôi khi, nếu người làm không khéo còn gây những hậu quả không tốt cho các em, thậm chí, bản thân người thực hiện còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy tắc làm việc với trẻ em.

Là một chương trình có tính chính luận nên trong mỗi chủ đề đưa ra, người thực hiện phải làm sao truyền tải được những câu chuyện của trẻ em đến các bậc cha mẹ, nhà trường và xã hội. Là cầu nối chuyển tải thông điệp giữa trẻ em đối với các nhà hoạch định chính sách thông qua những giải pháp, những gợi mở. Đối với những người làm truyền hình Vì trẻ em, khi môt chương trình mình nói về trẻ em được xã hội quan tâm, một vấn đề của trẻ được xã hội đồng tình và tìm được giải pháp để xử lí thì đó là những món quà vô cùng quý giá.

Anh vẫn còn nhớ chuyến đi công tác tại Hà Tĩnh, được một người bạn kể cho chuyện nhiều trẻ em ở đây bị teo cơ delta mà chưa tìm được nguyên nhân. Lòng yêu nghề đã thôi thúc anh ở lại, xuống cơ sở, ghi hình và phản ánh. Sau đó nhiều tờ báo khác vào cuộc và vấn đề teo cơ delta ở trẻ đã được xử lí. Nhưng có thể nói, việc phát hiện ra vấn đề và người vào cuộc đầu tiên là những nhà báo của chương trình Vì trẻ em. Đó là một kỷ niệm đẹp mà anh thấy rằng, công việc mình đang làm thực sự có ích cho các em nhỏ.

Hai mươi năm xây dựng và trưởng thành. Cũng đã đôi lần chuyển địa điểm nhưng hiện nay, trụ sở Chương trình Vì trẻ em vẫn về lại địa chỉ 35 Trần Phú. Đã có một sự đổi thay lớn về con người cũng như phương tiện và chất lượng của chương trình. Hiện nay, Vì trẻ em đã được phát sóng đều đặn một tuần một chương trình vào chiều thứ 5 trên kênh VTV1. Bên cạnh đó, chuyên mục mới An sinh xã hội cũng được phát sóng vào sáng thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Giờ đây, về phương tiện, những người làm chương trình cũng đã chủ động được phòng thu, các thiết bị tiền kỳ, hậu kỳ, công nghệ sản xuất chương trình của Trung tâm đảm bảo tiêu chuẩn HD của Đài Truyền hình quốc gia, Chương trình có một xe truyền hình lưu động để phục vụ công việc. "Tới đây, với hai chuyên mục đã phát sóng, mong muốn của những người làm truyền hình Vì trẻ em là nâng cao hơn nữa chất lượng và thời lượng phát sóng, mở rộng kênh phát sóng, xây dựng được những chương trình mang đậm tính thực tế. Làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa trẻ em và xã hội. Đối tượng hướng đến vẫn là trẻ em nhưng tôi nghĩ cách làm phải khác, phải hay hơn, thiết thực hơn", nhà báo Vũ Dũng cho biết.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước