BTV Thu Hà: Thông tin giao thông không chỉ cập nhật mà còn hấp dẫn

Yến Trang - Ảnh: VTV-Thứ ba, ngày 06/08/2013 06:36 GMT+7

BTV Đức Quang dẫn hiện trường trong chương trình Tin tức giao thông.

BTV Thu Hà, phụ trách chuyên mục Chào buổi sáng đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình tác nghiệp cũng như kế hoạch cải tiến để Tin tức giao thông ngày càng gần gũi, thiết thực hơn với khán giả.

Một năm, 365 ngày liên tục đưa tin về tin tức giao thông, thời điểm nào PV Tin tức giao thông thấy “căng” nhất?

Không riêng gì phóng viên giao thông, mà phóng viên thời sự nói chung đều phải “trực chiến” những ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, đúng là giao thông thì nóng nhất những dịp lễ, Tết, vì đó cũng là dịp nảy sinh nhiều điều phức tạp, lượng người đông, uống bia rượu, lượng người bị thương vong cũng cao hơn ngày thường. Nhưng cái khó không chỉ là phản ánh thực trạng giao thông trong những ngày đó, mà làm sao cảnh báo, tuyên truyền kịp thời giúp khán giả có thông tin, hành vi giao thông chuẩn mực, tránh được tai nạn. Đó mới là nhiệm vụ quan trọng hơn. Không phóng viên nào mong có tai nạn hay sự cố để có tin, bài phóng sự hay.

‘ Phóng viên VTV tác nghiệp tại một đoạn đường đèo thường xảy ra tai nạn


Tin tức giao thông là một trong nhưng nội dung được nhiều khán giả quan tâm trong chuyên mục Chào buổi sáng. Thời lượng 7 phút mỗi ngày liệu có đáp ứng được nhu cầu thông tin của khán giả?

Tin tức giao thông trong chương trình luôn được khán giả quan tâm, bởi đó là thời điểm trước khi mọi người ra đường. Đó là một trong những thông tin quan trọng giúp mọi người bắt đầu một ngày mới an toàn và hiệu quả. Tin tức giao thông hiện nay phần nào đã đáp ứng được thông tin cập nhật, chính xác, toàn diện, đa dạng về vùng miền. Tuy nhiên, chúng tôi còn phải nỗ lực hơn nữa để chương trình không chỉ cần thiết mà còn hấp dẫn và ấn tượng với khán giả. Bởi khi đó, những thông điệp về an toàn giao thông mới đến với được khán giả.

Trong quá trình tác nghiệp, PV VTV thường khai thác thông tin từ phía cơ quan chủ quản. Việc khai thác thông tin như vậy có hạn chế gì?

Hiện nay, các phóng viên thường khai thác tin từ các cơ quan ban ngành liên quan tới lĩnh vực giao thông như: Ủy ban ATGT các cấp, Cảnh sát giao thông, các nguồn tin từ phóng viên của VTV tại địa phương… Chưa có nhiều thông tin trực tiếp từ người dân mặc dù chương trình đã có đường dây nóng và email riêng. Vì vậy, các thông tin dù là cập nhật, nhưng còn nghiêng về góc độ nhà quản lý và người giám sát, điều phối công tác giao thông, hơn là những suy nghĩ và bức xúc của người dân. Đây cũng chính là điều chúng tôi cần khắc phục trong thời gian tới.

‘ BTV Thu Hà - Phụ trách chuyên mục Chào buổi sáng

Sau hai năm lên sóng, có nhiều vấn đề Tin tức giao thông đã làm được. Trong đó, điều gì chị thấy tâm đắc nhất?

Năm 2012 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông trên quy mô toàn quốc. Đó là góc độ nhân văn mà phóng viên giao thông cần tiếp cận, bởi giao thông không chỉ có luật lệ, xử phạt, tai nạn, tắc đường… mà còn là những bi kịch của mỗi người và gia đình có người thân đã mất vì tai nạn giao thông. Chúng tôi đã đưa những phóng sự về những câu chuyện đằng sau tai nạn, những hậu quả xã hội, và những câu chuyện đó đã rất lay động. Khán giả hẳn chưa quên những phóng sự về em nhỏ viết thư gửi Bộ trưởng giao thông về những tai nạn mà em phải thường xuyên chứng kiến ở đường ngang ở cổng trường học của em ở Thừa thiên Huế. Và cách tiếp cận như thế đã đem lại những nét mới cho chương trình giao thông.

Theo chị, phương tiện tác nghiệp hiện nay có đáp ứng yêu cầu công việc của PV Tin tức giao thông không? Nó có ảnh hưởng tới chất lượng tin bài ra sao?

Phương tiện máy móc hiện nay của VTV đã tốt hơn nhiều so với những năm trước. Có cả thiết bị làm trực tiếp gọn nhẹ và có thể mang đi mọi vùng miền một cách dễ dàng. Tin tức giao thông chúng tôi đã tận dụng tối đa tính năng của phương tiện để có những thông tin trực tiếp tới khán giả. Việc truyền tin bài cũng được tiến hành dễ dàng qua internet. Thế giới công nghệ đã rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới nhưng tôi nghĩ quan trọng vẫn là nội dung, cách tiếp cận và khai thác đề tài. Việt Nam là một trong những nước có nhiều người chết vì tai nạn giao thông nhất thế giới, đứng thứ 11.

Khi giao lưu với các chuyên gia nước ngoài về truyền thông ATGT, họ đều cho rằng, thời gian tới chúng ta cần chú trọng tới đối tượng là khán giả trẻ, các em thanh thiếu niên. Họ là những người tham gia giao thông trong tương lai. Có chuyên gia chia sẻ, Nhật Bản cũng đã từng phải đối mặt với tình trạng hàng chục nghìn người chết mỗi năm vì tai nạn giao thông nhưng họ đã quyết tâm giảm 1/3 con số này chỉ trong vòng một thập kỷ.

‘ BTV Thanh Minh tác nghiệp tại Đèo Gió - Bắc Kạn

Từ những phản hồi của khán giả, Tin tức giao thông dự định có những thay đổi gì trong năm mới không?

Khán giả với chuyên mục giao thông thường không khen hay chê nhiều, vì ở đây không phải là vấn đề quan điểm, mà họ thường phản ánh vấn đề ở địa phương, cũng như đề ra giải pháp, tham gia kiến nghị và góp ý. Cũng có nhiều khán giả phản hồi bằng cách thiết thực đó là hỗ trợ cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông được nêu trong phóng sự. Nhiều hoàn cảnh đã được giúp đỡ rất kịp thời và hiệu quả. Với những kế hoạch đổi mới chương trình trong năm 2013, chúng tôi tin chương trình sẽ nhanh, sắc, thiết thực và có một diện mạo hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Cảm ơn chị và xin chúc Tin tức giao thông ngày càng hấp dẫn, thiết thực với khán giả!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước