Cháy nổ trong phim Việt: “chơi” nhưng thiệt 100%!

Hoàng Lê - Cát Khuê-Thứ ba, ngày 26/02/2013 13:00 GMT+7

Một cảnh cháy nổ trong phim Tây Sơn hào kiệt - Ảnh tư liệu

 Nhiều đạo diễn thẳng thắn cho rằng ở lĩnh vực này, đặc biệt là các bộ phim về đề tài chiến tranh, việc cháy nổ trong một số cảnh quay vẫn khiến nhà làm phim đau đầu nhiều nhất.

Dùng thuốc nổ TNT

Đạo diễn Phan Hoàng kể: “Đoàn phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực có nhiều cảnh lính Pháp bị trúng đạn. Chúng tôi quay đặc tả cảnh này bằng cách đặt một miếng kim loại trước ngực diễn viên đó để bảo vệ, sau đó đặt một khối lượng rất ít thuốc nổ lên phía trước miếng kim loại, đường dây dẫn kích nổ được giấu trong quần áo. Khi đạo diễn hô diễn là người làm công việc khói lửa sẽ kích để gây nổ. Dĩ nhiên người chịu trách nhiệm về khói nổ đã phải rất tỉ mỉ cẩn trọng, khối lượng chất nổ chỉ đủ để áo diễn viên đó cháy sém một ít nhưng tôi vẫn cảm thấy thật nguy hiểm. Vì thế với bộ phim lịch sử sau này tôi quay là Bình Tây đại nguyên soái, tôi không sử dụng cháy nổ trực tiếp nữa mà toàn bộ cảnh quay cháy nổ được dùng bằng kỹ xảo 3D. Việc dùng kỹ xảo tốn kém gấp hai lần nhưng an toàn hơn rất nhiều”.

Trong lúc quay bộ phim về đề tài lịch sử Huyền thoại 1C trên đồi Tức Dụp, tỉnh An Giang, diễn viên trẻ đồng thời cũng là diễn viên đóng thế Tuấn Anh (vai Phương) gặp một tai nạn hi hữu. Anh nhớ lại: “Cảnh này xung quanh tôi bố trí bốn trái nổ. Mỗi trái nổ nặng 2,5kg TNT, xung quanh hỗ trợ than và vụn cưa để tạo thêm hiệu ứng. Trái nổ đặt xa nhất là 4m, gần nhất là 2m. Khi trái thứ nhất nổ, tôi cảm thấy ép tim. Trái thứ ba là đầu óc quay cuồng. Trái thứ tư thì lửa theo gió táp vào tay cháy sém, toàn thân bị đa chấn thương. Sau khi diễn xong, tôi được đưa vào bệnh viện để chữa trị các vết thương. Đến giờ vết sẹo trên tay vẫn còn”.

Cần thay đổi công nghệ cháy nổ thật

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - người thực hiện Huyền thoại 1C - thừa nhận: “Phần khói nổ hiện rất thô sơ. Hầu như quần áo, thiết bị an toàn cho diễn viên không có. Chúng ta lại sử dụng chất nổ thật, vì thế trong quá trình quay mọi người phải thật cẩn trọng trong mức cần thiết. Tuy nhiên những rủi ro xảy ra vẫn không thể tránh khỏi. Vì thế để tránh những tai nạn đáng tiếc, theo tôi, cần phải đào tạo bài bản những người làm công tác khói lửa, bởi hiện nay hầu hết những người này đều truyền nghề theo kiểu tự học lẫn nhau và sử dụng kinh nghiệm riêng. Mặt khác, chúng ta cần thay đổi công nghệ cháy nổ thật bằng công nghệ cháy nổ chuyên dùng trong điện ảnh để đạt hiệu quả hình ảnh nhưng lại không có sức công phá. Bên cạnh đó công nghệ kỹ xảo điện ảnh cũng cần được quan tâm. Điều này sẽ hạn chế tối thiểu những tai nạn đáng tiếc”.

Theo ông Vương Đức - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hãng Phim truyện VN (đạo diễn các phim Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Rừng đen...), do một số thay đổi trong nghị định của Chính phủ nên hiện giấy phép quản lý sử dụng vũ khí và vật liệu nổ của hãng phim đã hết hạn nhưng vẫn chưa gia hạn được. Theo nghị định số 25 của Chính phủ, chỉ cho phép các hãng phim được quản lý vũ khí thô sơ để làm đạo cụ. Nghị định này hoàn toàn không cho phép các hãng phim được quản lý hoặc sử dụng vật liệu nổ quân dụng. Thế nhưng sự thật thì các nhà làm phim VN vẫn sử dụng các vật liệu nổ này dù nghị định trên đã có hiệu lực từ ngày 20-5-2012.

Hoảng hồn với TNT

Khi về nước năm 2006 làm phim Dòng máu anh hùng, chúng tôi đã làm việc với một số chuyên gia cháy nổ ở VN. Khi tôi ngỏ ý muốn xem thử hiệu quả cháy nổ, các anh đã trình diễn cho tôi xem và khi biết chất cháy nổ là thuốc nổ TNT thì tôi hoảng hồn. Nếu dùng thuốc nổ TNT thì những cảnh cháy nổ xe sẽ rất nguy hiểm, sắt thép có thể văng ra gây sát thương đoàn phim. Tôi đã từ chối dùng các chất này, thay vào đó chúng tôi mua hóa chất cháy nổ ở Thái Lan mang về VN. Loại hóa chất để dùng trong phim Dòng máu anh hùng là chất không sát thương, chúng tôi dùng chất này trộn với ximăng thì khi nổ sẽ chỉ phụp một tiếng rồi bụi bay mù mịt. Hiệu ứng tiếng nổ chúng tôi sẽ xử lý khi làm hậu kỳ bằng kỹ xảo. Hiệu ứng cháy thì chúng tôi dùng xăng. Nếu dùng TNT thì rẻ hơn mấy chục lần so với dùng hóa chất như tôi nói ở Thái Lan. Luật điện ảnh ở VN cũng không quy định về vấn đề này, trong khi ở Mỹ quy định rất rõ để bảo đảm tính mạng cho người làm phim. (Đạo diễn Charlie Nguyễn)

Vi phạm nguyên tắc

Khi tôi làm Mùi cỏ cháy, bên quân đội làm rất chặt chẽ nên ngay cả người làm khói lửa của hãng cũng phải sợ. Hãng đã xin Bộ tổng tham mưu chất tạo nổ rồi phải nhờ một tiểu đoàn công binh nhận về và bảo quản. Ban đầu tôi cũng tưởng dễ nên cho xe lên chở nhưng họ không đồng ý, họ yêu cầu dùng xe chuyên dụng của họ. Khi trộn thuốc nổ với hóa chất để làm quả nổ thì người thực hiện việc đó phải làm ở một cái lều ở xa đoàn phim, sắp đến giờ quay mới trộn. Nói thật, dù được cho biết mỗi loại thuốc khi để riêng chỉ như bột mì nhưng tôi cũng chẳng bao giờ cho phép để gần đoàn phim. Tôi rất bất ngờ khi biết anh Phương lại đưa thuốc nổ về khu dân cư, nguyên tắc đầu tiên là luôn phải để thật xa khu dân cư. (Đạo diễn Hữu Mười)

C.K. ghi

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước