Đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn: Chỉ theo đuổi những gì mình đam mê

TM-Thứ hai, ngày 26/10/2009 09:45 GMT+7

Với con mắt từ bên ngoài, Huỳnh Vĩnh Sơn là một chàng trai gặp nhiều may mắn qua một loạt giải thưởng ở những bước khởi đầu. Ở trong cuộc, đó là thành quả ấm áp sau nhiều cố gắng nỗ lực của một người xuất thân từ quê, có nhiều đam mê và dám theo đuổi tới cùng mơ ước ấy.

PV: Xin chào đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn, điều gì khiến một chàng trai ở ngoại tỉnh lại tìm đến lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, đó là hoạt hình?

Đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn (HVS): Chuyện hơi dài một chút. Tôi sinh ra ở Vĩnh Phúc, bố mẹ tôi muốn con theo học ngành kinh tế hoặc tài chính, vì không nghĩ một đứa ở quê lại học Mỹ thuật. Thế nhưng tôi đã chọn ngành này và may mắn đã đỗ thủ khoa ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, khoa Thiết kế Mỹ thuật.
Ngày đó, tôi ở cùng chị gái, hoàn cảnh sống khá nghèo. Năm 1999, khi dự cuộc thi vẽ tranh giải Nokia toàn quốc dành cho sinh viên, tôi đã chọn khổ tranh tối thiểu nhất, sử dụng loại sơn dầu rẻ nhất để tiết kiệm tiền. Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là vẽ tranh sơn dầu và bức tranh đã đoạt giải Nhất toàn quốc, tôi là một trong năm sinh viên Việt Nam sang Hàn Quốc thi vòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Năm sau đó, tôi cũng đoạt giải Nhất trong nước và được đi tiếp vòng khu vực tại Singapore…
PV: Anh nói mình gặp may mắn nhưng thực tế không thể có may mắn lặp lại nhiều như thế. Vậy câu chuyện phía sau những giải thưởng ấy là gì?
HVS: Trước đó, ở quê tôi không có khái niệm về hội họa, sách vở cũng không. Vì thế, khi về Hà Nội tôi phải tìm hiểu từ đầu. Tôi đến những cửa hàng sách báo cũ tìm những cuốn về hội họa để học qua đó.
Mọi người mách ở thư viện của Trung tâm Pháp ngữ tại Yết Kiêu có sách về hội họa, nhưng tôi ở quê nên không có hộ khẩu Hà Nội, hơn nữa lại là sinh viên năm đầu không đủ điều kiện làm thẻ nên phải… đọc “chùa”. Cứ đi học về, không ăn trưa, tôi đạp xe từ trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh ở Mai Dịch ra Yết Kiêu, lén vào thư viện lấy sách đọc, vừa ngồi vừa nơm nớp lo bị đuổi ra.
Cũng nhờ đó mà lịch sử hội họa, các thời kỳ, họa sĩ… tôi đều xem qua. Bên cạnh bài học của thầy cô, đó là nền tảng kiến thức, kỹ năng nhất định để bước vào những cuộc thi ấy.
Sau hai giải thưởng, bố mẹ và người thân yên tâm nghĩ tôi sẽ theo đuổi hội họa, nhưng đùng một cái, tôi lại chọn lĩnh vực mới là hoạt hình. Tôi tin rằng, cũng như hội họa, nếu thực sự thích mình sẽ làm được.

‘ Phim Thỏ và Rùa

PV: Anh có thể chia sẻ ngắn gọn điều gì qua bộ phim hoạt hình đầu tay – Thỏ và Rùa (Cánh diều Bạc 2008)?
HVS: Có thể nói, phim hoạt hình ở Việt Nam vẫn còn là lĩnh vực tương đối xa lạ với số đông. Một phần do phim hoạt hình của ta chưa hấp dẫn lắm. Tuy vậy, để làm một phim rất mất công sức, trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Lấy ví dụ như phim hoạt hình Thỏ và Rùa, tôi làm tới hơn 2 năm. Có nhiều lý do về đội ngũ, máy móc, kỹ thuật… nên thời gian bỏ ra khá nhiều.
PV: Với bộ phim thứ hai mà anh đang bắt tay vào, Khu đầm có cánh, điều kiện làm phim đã có sự cải thiện tốt hơn?
HVS: So với phim trước đúng là có tốt hơn, Cục điện ảnh có điều chỉnh về kinh phí làm phim... Tuy nhiên, để phim hay phải có nhiều điều kiện. Với Thỏ và Rùa, do là phim đầu tay nên tôi không tránh khỏi có những bỡ ngỡ, ngập ngừng và non tay nhất định. Song qua phim đầu tiên, tôi tự tin mình sẽ làm phim tốt hơn.
PV: Anh có thể giới thiệu một chút về nhân vật chính của phim cũng như cái tên phim – Khu đầm có cánh?
HVS: Điều tôi mong muốn mang tới cho khán giả một thế giới kỳ ảo. Hãy thử hình dung một nhân vật như con bọ ngựa non chạy trong khu rừng hay bờ hồ, tất cả mọi thứ đều rộng lớn, thậm chí, chỉ một cái lá đủ đè bẹp cậu ấy… Nhân vật chính trong phim là cậu bé Bong Bóng sinh ra từ một cái hồ nước, sau đó Bong Bóng lên đường đi phiêu lưu mạo hiểm khám phá thế giới, qua đó khám phá bản thân mình. Trên đường đi gặp những người bạn tốt như Bọ Ngựa nhí, và đối đầu với những kẻ gian ác như Đại ca Đỉa, Thằn lằn bạo chúa…
PV: Trên một bài báo gần đây viết về anh, tôi đọc thấy một cái tít viết về anh: “Chàng trai không chịu làm người lớn”- anh suy nghĩ gì qua hình ảnh ấy?
HVS: Thấy cũng đúng. Thường thì mọi người làm gì cũng phải thực tế, còn tôi chỉ theo đuổi những gì mình đam mê. Ít người theo đuổi hoạt hình một cách quyết liệt như tôi trong khi tiền bạc không nhiều, cái danh với hoạt hình không phải phổ biến. Không chỉ muốn đi theo, mà tôi còn muốn làm phim tốt, phim hay…
PV: Khi chọn một con đường, thường thì người ta sẽ bước vào đó để thể hiện cái tôi của mình. Với anh, chinh phục một lĩnh vực ít khán giả như phim hoạt hình Việt Nam, anh tìm thấy gì trên con đường ấy?
HVS: Ở các nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực: Nhật Bản, Hàn Quốc – phim hoạt hình luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống giải trí của người dân và đặc biệt với các em nhỏ. Vì sao phim hoạt hình của Việt Nam chưa làm được điều đó? Tôi muốn góp một phần nhỏ, để một ngày nào đó có nhiều trẻ em thích phim hoạt hình Việt Nam, trong đó có bộ phim của mình. Đó thực sự là một điều có ý nghĩa với tôi.
PV: Ở tuổi 30, được coi là gương mặt đạo diễn hoạt hình trẻ, triển vọng sau giải thưởng cánh diều bạc cho phim Thỏ và Rùa, anh đặt ra những cái đích cụ thể nào cho mình cho những năm tới?
HVS: Tôi muốn làm đạo diễn một serie phim hoạt hình ngắn, chiếu định kỳ trên ti vi cho trẻ em xem. Tôi tin rằng tư duy mình trẻ, cố gắng mang đến những gì các em thích, các em cần, chứ không áp đặt theo ý muốn của mình. Còn mục tiêu dài hơi hơn: tôi muốn 5 năm tới đạt giải Cannes hoặc Gấu vàng của LHP Berlin cho thể loại phim hoạt hình ngắn.
PV: Liệu cái đích ấy có là sức ép quá lớn đối với anh, trong điều kiện làm phim có nhiều hạn chế như hiện nay?
HVS: Hoạt hình hiện tại có những khó khăn riêng nhưng so với nhiều lĩnh vực khác của điện ảnh, hoạt hình cũng có mặt mạnh riêng. Nếu mình thực sự làm cẩn thận, cái đích đó không phải điều viển vông. Tất nhiên, cùng với nó sức ép là quá lớn, nhưng cần phải sống cùng sức ép, từ đó sinh ra động lực đẩy mình đi tới.
PV: Qua cuộc trò chuyện này, anh có chia sẻ gì với các bạn trẻ?
HVS: Đơn giản từ lĩnh vực phim hoạt hình của mình. Nếu nhìn vào, mọi người sẽ thấy lương thấp, chế độ đãi ngộ không cao, công việc không được nhiều người biết đến… Tuy nhiên, vấn đề là mình thích đến đâu, đam mê mức nào và sống với nó ra làm sao. Tôi muốn chia sẻ với các bạn: hãy sống làm những gì mình muốn và đừng chờ đợi. Khi bạn trẻ, hãy cứ làm tới, có thể đôi lúc bế tắc nhưng rồi đường sẽ mở, quan trọng là bạn ước mơ và cố gắng làm được điều đó.

Trích ngang của đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn

Sinh năm: 1979 tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc

Giải thưởng: 2 giải đặc biệt toàn quốc Giải Mỹ thuật Sinh viên Nokia khu vực Châu Á Thái Bình Dương (1999, 2000), giải ba của Festival Mỹ thuật Truyền thông đa phương tiện Asean với tác phẩm phim Hoạt hình thể nghiệm Giải cứu. Giải Cánh Diều Bạc tại Liên hoan phim Cánh diều Vàng 2008 với bộ phim hoạt hình “Thỏ và Rùa”.

Phim đang thực hiện: Khu đầm có cánh.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước