Đạo diễn, NSƯT Lê Cung Bắc: “Ngược sóng” giữ niềm tin chân lý

Lưu Phương-Thứ năm, ngày 23/05/2013 16:25 GMT+7

Khi Ngược sóng phát sóng trên VTV1, khán giả vô cùng bất ngờ với câu chuyện về đề tài kinh tế khô khan được thể hiện sinh động, khéo léo qua bàn tay của đạo diễn Lê Cung Bắc, người vốn quen thuộc với mảng phim lịch sử, tâm lý tình cảm.

Bộ phim Ngược sóng được Hội đồng thẩm định phim của VTV đánh giá cao về nội dung, bối cảnh, phục trang…Bối cảnh phim đầu những năm 1990 không quá cũ nhưng cũng không mới cũng gây không ít khó khăn cho đoàn phim. Trong quá trình thực hiện, đã khắc phục như thế nào?

Khi nhận phim này, tôi cũng tiên đoán được những khó khăn. Nếu bối cảnh phim lùi xa hẳn 50 – 60 năm trước thì mình có thể dời hẳn về vùng quê có đường xá, nhà cửa phù hợp. Nhưng trong kịch bản là bối cảnh trung tâm TP.HCM. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm bối cảnh, chuẩn bị trang phục…Phim truyền hình Việt không có nhiều kinh phí để thực hiện các cảnh quay hoành tráng nên phải tận dụng các con đường vắng, sữa chữa các khu nhà cũ…nhằm hạn chế tối đa các hạn sạn không đáng có khi lên phim.

Hơn hai mươi năm qua, anh vốn nổi tiếng với những phim tình cảm, phim xưa như Người đẹp Tây Đô, Dòng đời, Vó ngựa trời Nam…. Tại sao lần này anh quyết định “đổi món”, làm phim về kinh tế - chính trị ở giai đoạn cận đại của đất nước?

Tôi đã làm rất nhiều phim lịch sử qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng Ngược sóng là bộ phim là phim đầu tiên tôi làm về giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỉ trước. Từ tiểu thuyết Canh năm của anh Lê Thành Chơn, chị Thanh Nhã chuyển sang kịch bản phim Ngược sóng khá tốt. Trong mặt bằng hiện nay, tôi thấy đây là kịch bản có đẳng cấp cao. Thêm vào đó tôi có được sự đồng cảm với nhà sản xuất. Họ không đầu tư phim này vì lợi nhuận mà muốn hướng đến những ý nghĩa tốt đẹp hơn.

‘ Cảnh trong phim "Ngược sóng"

Nếu là khán giả trung thành của đạo diễn Lê Cung Bắc sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi trong cách dựng phim Ngược sóng của anh so với các phim trước đây. Tuy là phim truyền hình nhưng cách đặt - chuyển máy quay khá nhịp nhàng với hành động của nhân vật. Đôi lúc người xem cảm nhận đây là bộ phim cầu kì không thua gì phim điện ảnh. Có phải đề tài mới này đã tạo cảm hứng mới cho anh ?

Tôi làm phim phải có vấn đề gì đó gai góc đối với xã hội, hoặc là vấn đề, nhân vật lịch sử. Nhưng mình phải làm sao để vấn đề gai góc đó có sức hấp dẫn với khán giả. Bộ phim phải có những chi tiết thu hút người xem, sự kiện phải dồn dập. Cứ khoảng hai phút thì cần có một sự kiện mới. Nếu phim chuyển tải nhiều thứ nhưng không hấp dẫn thì chả ai xem. Tôi là người kĩ tính trong vấn đề chọn kịch bản và làm phim. Cũng có người cho tôi là khó tính nhưng tôi nghĩ làm phim cho nhà nước hay tư nhân đều là đồng tiền, khi làm mình phải cẩn trọng, không thể cẩu thả, làm cho qua. Làm phim cho hay thì khó, làm phim cho có thì dễ. Những phim tôi làm đều là loại “khó gặm”. Nếu mình không đầu tư công sức thì phim không nên hình nên thù. Nếu tôi làm phim để sống thì một năm làm bốn, năm bộ, nhưng tôi sống để làm phim, một năm tôi chỉ làm một phim. Làm phim để thỏa mãn đam mê cho nghệ thuật và gửi gắm tâm tư của mình.

‘ Đạo diễn Lê Cung Bắc

Trước đây cũng có nhiều phim truyền hình làm về thời kì chuyển biến của đất nước ta Đồng tiền xương máu, Giao thời… được nhiều người yêu thích. Khi trở lại với dòng phim này, anh muốn chuyển tải thông điệp gì?

Bộ phim đặt vấn đề xã hội, thời đại trong thời kì đất nước chuyển mình, giai đoạn quan trọng. Trong quá trình chuyển mình đó chắc chắn xảy ra nhiều sự kiện tương hợp và không tương hợp, hợp lý. Con người trong giai đoạn chuyển biến đó cũng khác biệt. Có người thích níu kéo những cái cũ, có người muốn đi cái mới. Nhưng chủ trương của nhà nước là phải mở cửa, phải đi tới. Sự mở cửa đó là dấu mốc lịch sử của nước ta, quyết định lịch sử đưa đất nước lên cao về mọi mặt. Trong bộ phim này tôi đẩy nhân vật Long, Chiến, sáu Mã Tâu lên vì đó là những người bộ đội đã trải qua chiến tranh bom đạn. Họ mang trong mình một lý tưởng dữ dội vì đã từng dám hi sinh mạng sống cho lý tưởng. Chính những con người đó dám chống lại những người có quyền hành nhưng tiêu cực. Dù gặp không ít khó khăn nhưng họ luôn được nhiều người khác giúp đỡ để chiến thắng. Khi ta đã nhận ra được chân lý thì cứ đi, đừng bao giờ bi quan rằng mình sẽ cô đơn. Sẽ có lúc ta gặp khó khăn cản trở do thế lực tiêu cực còn mạnh chèn ép, trù dập, nhưng bên cạnh cũng sẽ có những người đủ lực giúp đỡ. Khi ta đã đi đúng đường thì sẽ có người lý tưởng xuất hiện để giúp đỡ. Cuối cùng bao giờ chân lý cũng chiến thắng.

Bộ phim này có thể xem là bản anh hùng ca của những người anh hùng thời kì đổi mới - những người lính trong thời bình là hạt nhân để thay đổi đất nước. Trong tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn vài năm trở lại đây, qua bộ phim này anh có muốn giúp người ta ôn cố tri tân để có cái nhìn tươi sáng hơn về cuộc sống hiện tại không?

Đúng vậy, khi làm phim tôi xin phép tác giả tiểu thuyết và kịch bản để tạo những điểm nhấn riêng. Tôi làm phim xưa không phải kể chuyện chơi mà để nói cho bây giờ và mai sau. Chuyện đã qua thì đã qua nhưng hiện tại, tương lai rút ra bài học để mọi người sống tử tế với nhau hơn, khi đó cả xã hội sẽ tử tế.

Anh có thường theo dõi giờ phim 20h trên VTV1 với các bộ phim chính luận không?

Có chứ. Dù bận rộn nhưng có thời gian là tôi dành thời gian xem. Mỗi bộ phim đều có một vấn đề đánh động xã hội. Trong miền Nam ít người làm làm phim thể loại này, còn him truyền hình miền Bắc rất sâu sắc, có nhiều điều để suy ngẫm

Khi phát sóng vào giờ vàng anh có chờ đợi sự đón nhận của khán giả toàn quốc?

Nhiều khán giả hỏi tôi sao phim chỉ chiếu có hai tập/tuần. Nhưng biết sao được, truyền hình phải đáp ứng nhu cầu xem chương trình của khán giả khác nhau mà. Tôi nghĩ nếu phim hay thì không lo, người ta vẫn chờ đợi để xem. Còn phim không hay mà chiếu ra rả cả tuần cũng chẳng mấy người để ý. Tôi cố gắng làm phim đàng hoàng, sạch sẽ, điều quan trọng nhất là phải tôn trọng khán giả. Người làm nghệ thuật không nên dễ dãi với chính mình quá.

Anh đã làm đã nhiều năm nhưng vẫn còn rất sung sức và luôn có những tác phẩm hay phục vụ khán giả. Cùng với sự phát triển của thời đại, anh có phải thay đổi cách làm phim để theo kịp nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hiện nay?

Mỗi thời đại có nhịp thở khác nhau. Đời sống ngày xưa chậm nên tiết tấu chậm, phim gần tuồng, kịch. Khán giả hiện nay trình độ thưởng ngoạn cao hơn, họ tiếp xúc với phim nước ngoài qua nhiều nguồn khác nhau. Nhịp sống bây giờ cũng nhanh hơn cho nên người sản xuất cũng phải thay đổi cách làm của mình để đáp ứng lại thị hiếu của người ta. Theo quan niệm của tôi, trong lĩnh vực giải trí có rất nhiều đối tượng thưởng thức khác nhau, có rất nhiều nhu cầu thưởng thức khác nhau, và nhiều cảm quan nghệ thuật khác nhau, nhưng dù như thế nào thì những bộ phim làm cẩu thả, nhảm nhí, nhạt nhẽo cũng không được quý trọng. Có thể người ta xem đó, cười đó nhưng sau đó người ta lại chửi. Cho nên người làm nghệ thuật cần phải biết chọn cách làm để có thể vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức khán giả, mà vừa giữ được bản chất đúng đắn của nghệ thuật.

Dù đã ở tuổi thất thập nhưng xem chừng anh vẫn còn nhiều nhiệt huyết với điện ảnh. Anh có thể bật mí dự án sắp tới không?

Nếu có kịch bản hay thì tôi sẽ bắt tay làm ngay. Tôi còn ôm ấp nhiều dự định lắm, chỉ mong mình có sức khỏe để làm. Gần nhất thì có thể tôi sẽ làm phim về những người đẹp Sài Gòn xưa.

Cám ơn những chia sẻ của anh!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước