Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp: Nói ra là đụng chạm…

Huy Hùng(thực hiện)-Thứ sáu, ngày 11/10/2013 10:00 GMT+7

 Chuyện trò với đạo diễn Trần Tuấn Hiệp về chuyện nghề, thực trạng của thể loại phim kí sự tài liệu, anh nói: "Tôi chỉ muốn làm chứ không muốn nói, vì nói ra dễ đụng chạm người nọ người kia".

Cứ đi là có phim…

Từ khi chuyển sang làm truyền hình anh đã gặt hái được những thành công nhất định. Phải chăng truyền hình mới là mảnh đất để anh có điều kiện phát huy sở trường của mình?

- Tôi nghĩ dù làm nghề gì cũng phải có tình yêu, niềm đam mê hay sở thích về nó. Có như vậy khi lao động sáng tạo mới đỡ thấy mệt mỏi và nản, bên cạnh đó là năng khiếu trời cho. Đúng là công việc hiện tại đang mang lại cho tôi cảm hứng sáng tạo. Bạn có bao giờ nghĩ rằng, xung quanh ta có nhiều người làm nhầm nghề không? Tôi nghĩ tạo hoá rất công bằng khi cho mỗi người có những năng lực riêng, có những người không nên đi làm phim, viết văn, hay làm báo mà họ nên kinh doanh thì tốt hơn. Còn như tôi nếu làm kinh doanh chắc là chết đầu tiên.

Nhưng điều oái oăm của cuộc sống là có phải ai cũng được chọn nghề theo ý thích của mình đâu, với anh thì sao?

- Đúng thế. Chúng ta thường hay có kiểu “cha truyền con nối” nhưng không phải khi nào người con cũng thích. Có khi cũng chỉ vì công ăn việc làm chứ ông con chẳng có chút gen di truyền nào của ông bố cả. Tôi nói ra điều này có thể làm ai đó chạnh lòng và nghĩ tôi tự cao nhưng tôi biết có những người đang làm nhầm nghề. Bản thân tôi cũng đã trải qua nhiều nghề, cuộc đời cứ “sàng lắc” đưa tôi đến với nhiều công việc. Vì bố mẹ là giáo viên nên khi tôi làm hồ sơ thi vào khoa Văn trường Tổng hợp thì bị đổi sang Sư phạm. Nghề đầu tiên của tôi là giáo viên, ngã rẽ đã đưa tôi đi học điện ảnh rồi làm báo và duyên nghiệp đã đưa tôi đến với truyền hình.

‘ Đạo diễn Tuấn Hiệp đang chỉ đạo quay phim ở Trường Sa

Để bỏ một việc ổn định để đến với một việc khác mà mình thích, anh thấy có khó không?

- Thực ra cũng vì sự bức bối người ta phải quyết đoán để theo tiếng gọi của con tim thôi.

Anh đến với thể loại phim kí sự tài liệu như thế nào?

- Tôi cũng không được chọn, khi chuyển sang VTV làm việc, tôi tiếp nhận các công việc của một người làm truyền hình. Khởi đầu là những chương trình như: 24hình/s, Chân dung nghệ sĩ, Game show, Trò chơi điện ảnh… Bây giờ tôi chuyên tâm cho một thể loại tạm gọi là kí sự tài liệu.

Xuất phát từ những chuyến đi, tôi thấy mỗi vùng miền của đất nước mình đều có cảnh đẹp riêng với nét văn hóa đặc trưng, phong phú nên tôi muốn ngao du để khám phá đồng thời ghi lại bằng hình ảnh để người xem cùng thưởng ngoạn cái đẹp của những nơi họ chưa biết. Một lần đi ăn xôi ở chợ Hàng Da (Hà Nội), nhìn thấy tôi ông chủ nhanh miệng: “Cảm ơn anh vì nhờ xem phim của anh mà tôi biết được các vùng miền của đất nước. Cả đời chỉ cắm mặt vào thúng xôi nên chẳng có cơ hội đi đâu, tối về tôi mới có cơ hội tìm hiểu nơi này nơi kia qua truyền hình…”.

Tôi cũng từng gặp những cụ già sống gần một thế kỉ ở Hà Giang, người ta bảo cả đời chỉ ngắm cảnh núi rừng và mây bay trước cửa nhà và ngộ ra rằng, còn rất nhiều người không có điều kiện để biết đó đây. Mình có cơ hội đi nhiều để làm nghề, vậy tại sao không ghi lại những chuyến đi ấy, truyền những cảm xúc mà mình cảm được để gửi đến khán giả xem truyền hình?

Trong những kí sự tài liệu của anh, người dẫn chuyện cũng là đạo diễn Trần Tuấn Hiệp - có phải nhờ vậy mà ngoài danh tiếng thì nhiều khán giả truyền hình cũng đã quen mặt anh?

- Tôi không có ý định làm MC, càng không phải là một diễn viên tức là không muốn xuất hiện trên hình nhưng phải làm cái việc bất đắc dĩ chỉ vì không muốn lệ thuộc vào người khác. Nhiều khi người ta nói không đúng ý mình, thêm một người dẫn chuyện là công việc thêm mất thời gian vì tập luyện, sắp xếp... ít nhiều ảnh hưởng đến “chất” tự nhiên của thể loại kí sự tài liệu.

Nhưng có người nhận xét rằng, phim của đạo diễn Tuấn Hiệp làm theo kiểu “quay được gì phát nấy”, anh nghĩ sao ?

- Đúng là có lời nhận xét như vậy, nếu được thế thì đơn giản và hạnh phúc quá.

Ngày xưa các cụ tiền bối như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Võ An Ninh… sau các chuyến đi đã để lại những tác phẩm, kí sự hay bằng ngòi bút, bằng máy ảnh rất giá trị cho đời. Bây giờ có chiếc máy quay, chúng tôi đi và ghi lại những gì khám phá được. Tất nhiên đấy chưa phải là phim, tôi thường nói vui rằng đi và quay như thế chỉ như người đi chợ mua sắm. Để có món ăn thì cần phải chế biến nó, vì thế với tôi, khâu dựng phim là quan trọng nhất. Tôi nhớ một câu nói rất hay và đúng của đạo diễn bậc thầy Sergey Mikhailovich Eisenstein: “Dựng phim là tất cả”. Nếu ai hỏi tôi về kinh nghiệm làm phim thì đây chính là câu trả lời.

Ký sự biển đảo vừa rồi đã gặt hái được những thành công lớn, anh thấy mình đã viên mãn về mảng đề tài này chưa?

- Chưa. Còn nhiều chuyện hay để kể và khám phá lắm.

Anh có muốn chia sẻ gì sau thành công của Ký sự biển đảo?

- Đầu tiên tôi muốn nói về sự giúp đỡ từ phía các đơn vị quân đội, đặc biệt là các anh biên phòng. Chính nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình khiến tôi phải luôn cố gắng làm cho tốt. Tôi chẳng có “võ” gì ngoài sống thật với mình. Tôi nghĩ, dường như để sống thật, dám nói thật trong phim cũng là một khả năng của người làm nghề.

‘ Quay ở giàn 2 mỏ Bạch Hổ

Mong có nhiều bộ phim tài liệu giàu cảm xúc

Anh đánh giá như thế nào về mảng phim tài liệu của chúng ta hiện nay?

- Chúng ta đang thiếu những bộ phim được thể hiện một cách chân thành bằng cảm xúc, thiếu dấu ấn riêng của tác giả. Người ta làm để lấy một sự an toàn, theo một mô típ chung chung, để vui lòng ai đó hoặc làm cho hoàn thành nhiệm vụ… Nhưng người xem rất tinh, nếu anh làm không bằng cảm xúc thật của mình thì sẽ bị nhận ra ngay. Ngay cả những đề tài như chiến tranh, cách mạng được cho là khô khan, khó làm nhưng nếu người ta làm bằng tình cảm sâu sắc của mình thì vẫn sẽ có những bộ phim hay.

Vậy theo anh làm thế nào để có những bộ phim tài liệu bớt “khô”, ít “cứng” hấp dẫn người xem mà vẫn giữ được giá trị chân thực vốn có của nó?

- Yêu cầu đầu tiên của phim tài liệu là tính chân thực, nếu không đảm bảo được điều này thì đừng nghĩ đến chuyện làm phim tài liệu. Còn làm thế nào để thể hiện sự thật ấy là do tay nghề của từng người. Tuy nhiên, chân thực ở đây không phải là có gì quay nấy, thậm chí người ta vẫn có thể dàn dựng nhưng làm thế nào để người xem thấy đó là thật một cách tự nhiên.

Người ta cứ bảo phim của tôi “gặp gì quay nấy, quay gì phát nấy” nhưng có rất nhiều cảnh tôi dàn dựng đấy chứ. Dựng mà như thật thì đòi hỏi người làm nghề phải dụng công.

Còn về những đề tài được xem là khô khan, khi làm phim không thu hút được người xem là do người ta chưa thổi được chất nghệ thuật, chưa thể hiện được câu chuyện bằng ngôn ngữ nghệ thuật của phim.

Có phải mảng đề tài về chiến tranh, cách mạng được cho là khô khan, vì thế mà anh đang “tránh” mảng đề tài này?

- Tôi không tránh. Tôi đã từng làm rồi chứ, đó là 5 tập phim Được sống và kể lại được khán giả đón nhận. Cũng “bật mí” luôn là tôi đang chuẩn bị làm series phim Trường Sơn một thời con gái nhân kỉ niệm 55 năm bộ đội Trường Sơn. Đây sẽ là câu chuyện chân thật, cảm động mà chúng ta chưa đề cập hết về những người đã đi qua chiến tranh.

Anh có thể nói rõ hơn căn nguyên thiếu những bộ phim chất lượng là gì?

- Quả thực khó nói, đặc biệt là khi nhận xét về đồng nghiệp. Không phải tôi tránh né nhưng do chưa có điều kiện xem hết được. Nếu mà nói bừa thì dễ “vơ đũa cả nắm”. Vừa rồi được xem một số tập phim của chị Lê Phong Lan về đề tài chiến tranh tôi thấy rất ấn tượng. Tôi mong sẽ được xem nhiều bộ phim chất lượng như thế.

Vì thế nhận xét của tôi là dựa trên những gì tôi đã được xem. Như tôi đã nói, có nguyên nhân là do người ta đi nhầm nghề. Tôi không có ý chê bai ai cả nhưng quả thực là xem phim có thể thấy được ai đau đáu vì tác phẩm của mình, ai nhợt nhạt. Nhiều bộ phim lẽ ra chỉ cần làm một phần cho đến nơi đến chốn đã chất lượng rồi nhưng người ta lại ôm đồm, mông lung quá thành ra chẳng đến đâu. Cũng có thể giải thích là họ đang thiếu mất cái duyên.

Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng phim tài liệu đó là kinh phí. Là người đang làm những bộ phim dài tập, chắc anh hiểu rõ?

- Với tôi, có thể nói ngay là nếu chỉ dựa vào kinh phí nội tại mà không có sự giúp đỡ từ bên ngoài thì khó mà làm được phim tài liệu. Nhất là những bộ phim như dài tập như Ký sự biển đảo chẳng hạn. Nhưng để có tác phẩm tốt hay dở thì cũng không nên đổ cho thiếu kinh phí. Tôi nghĩ, nếu anh làm phim hay có chất lượng thì chắc chắn sẽ có người tiếp sức.

Vậy anh có thường tiếp nhận những ý kiến nhận xét về phim của mình không? Nhất là những lời chê?

- Tôi không biết tỉ lệ đó là bao nhiêu có nhiều người không thích phim của tôi.

Anh có biết lí do họ không thích phim của mình không?

- Là vì tôi gặp đâu quay đấy, làm kiểu “quay gì phát nấy”

Lời chê nào anh thấy đúng và cần phải tiếp thu?

- Ví dụ như có nhận xét chỉ ra những tập phim hơi rông dài, không có nhiều thông tin mới. Bản thân tôi cũng thấy mình bị lặp lại, lối mòn… biết vậy nhưng để khắc phục được cũng không đơn giản. Chính vì thế, chuẩn bị làm series phim Trường Sơn - Một thời con gái tôi đã bắt đầu cảm nhận được áp lực. Chẳng còn cách nào khác là phải tự làm mới mình thôi…

Xin cảm ơn anh!

Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp hiện là Trưởng phòng VHNT - Ban Văn nghệ - Đài THVN, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.

3 lần được nhận Cánh diều bạc cho các phim tài liệu: Đại Hồ cầm, Đời người chỉ có một lần, Chân dung đạo diễn Nguyễn Văn Thông); 1 Cánh diều bạc cho tập sách tiểu luận phê Bình điện ảnh : Điện ảnh không phải trò chơi.

Bằng khen của Bộ Quốc phòng cho 25 tập phim Ký sự biên phòng. Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho 35 tập Ký sự biển đảo. Giải nhì cho 4 tập phim về Trường Sa trong cuộc thi Trường Sa và biển đảo quê hương do UBND tỉnh Khánh Hoà tổ chức.


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước