Điều ước thứ 7 - Nơi BTV làm sứ giả thực hiện ước mơ

Lê Hoa-Chủ nhật, ngày 11/05/2014 06:00 GMT+7

Đề cao tính nhân văn,  Điều ước thứ 7 (phát sóng lúc 13h thứ Bảy hàng tuần và phát lại lúc 10h thứ Năm trên kênh VTV3) là nơi các BTV sẽ “vào vai” sứ giả thực hiện ước mơ của rất nhiều người trên mọi miền đất nước.

Chuyện chưa kể về những điều ước

Ít người biết rằng, “nguyên bản” của Điều ước thứ 7 là… Điều ước số 8. Tuy nhiên, Điều ước số 8 chỉ chọn phản ánh một đối tượng khá nhạy cảm: các phạm nhân đang trong thời gian thi hành án. Ý tưởng này được đề xuất bởi một cộng tác viên thuộc phòng Ý tưởng và Tổ chức sự kiện.

Tuy nhiên, khi đặt vấn đề với Bộ Công an, những người thực hiện chương trình được tư vấn, một tháng hoặc một quý, chương trình chỉ có thể làm một số về đối tượng phạm nhân bởi lí do an ninh, nhận thức.

Vạn sự khởi đầu nan, ban biên tập đã họp bàn và chuyển hướng thực hiện điều ước cho nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có cả phạm nhân. Và Điều ước thứ 7 ra đời, gánh trên vai khá nhiều “trọng trách”.

Điều ước thứ 7 là một trong những chương trình “made in Vietnam” nhằm xây dựng thương hiệu, khẳng định năng lực sản xuất của THVN và kênh VTV3.

Nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ: “Ở Điều ước thứ 7, chúng tôi chỉ nói đến điều ước tử tế của những người tử tế. Và những điều ước ấy, dù lớn hay nhỏ, là điều ước chân chính của con người, đậm chất nhân văn sẽ được chúng tôi cố gắng thực hiện bằng tấm lòng, trong sức lực của mình. Tôi không muốn biến chương trình này thành chương trình nhân đạo hay từ thiện. Đừng tạo cho khán giả những phút giây đau khổ, dằn vặt mà phải tạo được những phút giây xúc động tự đáy lòng”.

Từ tiêu chí ban đầu ấy, nhóm làm chương trình đã và đang cố gắng tạo nên một màu sắc khác so với những game show thuần túy mang tính giải trí từ xưa đến nay.

Điều đó thể hiện từ đồng phục của ê kíp thực hiện. Họ chọn những chiếc áo thun màu xanh da trời – màu xanh của hi vọng và ước mơ. Với họ, Điều ước thứ 7 chính là nơi để khán giả trút bầu tâm sự, đưa ra các điều ước và nhóm làm chương trình sẽ là sứ giả thực hiện những ước mơ ấy.

‘ Điểm khác tiếp theo ở Điều ước thứ 7 là cách làm một chương trình truyền hình thực tế. Các BTV sẽ là người đưa ra các tình huống có thật hoặc giả định nhưng phản ứng của nhân vật trải nghiệm là hoàn toàn thật.

Khán giả sẽ theo dõi toàn bộ câu chuyện, từ khi nhóm sản xuất tìm, khai thác ý tưởng đến tranh luận, trao đổi để tìm ra cách thực hiện rồi bố trí máy quay…, cùng chứng kiến điều ước được thực hiện và cảm xúc của những nhân vật trải nghiệm. Điểm thú vị nhất là nhân vật hoàn toàn không biết về những diễn biến đã và đang xảy ra với mình.

Những câu chuyện đầu tiên

Chương trình đầu tiên đã thực hiện điều ước của phạm nhân Trần Chinh, hiện đang thụ án tù 20 năm tại trại giam Thủ Đức ở Bình Thuận. Anh có điều ước là nói lời xin lỗi với gia đình nạn nhân của mình.

Và người nói lời tha thứ chính là vợ của nạn nhân đã mất cách đây 17 năm. Đây là đối tượng được nhóm làm chương trình lên kế hoạch thực hiện ngay từ đầu. Đúng lúc này, nhà báo Lại Văn Sâm nhận được thư mời tham dự Hội nghị tổng kết những bức thư gửi lời xin lỗi của phạm nhân dành cho người nhà nạn nhân từ trại giam Thủ Đức.

Nhóm thực hiện quyết định thực hiện số đầu tiên đúng với dự định và mong muốn ban đầu. Với sự giúp đỡ và phối hợp nhiệt tình của Trại giam Thủ Đức, ê kíp đã nổ phát súng đầu tiên rất thành công.

‘ Chương trình thứ hai lại mang màu sắc khác. Đó là ước mong về lễ kỉ niệm 1 năm ngày cưới của cụ ông 95 tuổi với cụ bà 70 tuổi vào ngày 5/4, cũng là ngày phát sóng chương trình.

Để hai nhân vật có kì nghỉ đáng nhớ, nhóm thực hiện đã đề nghị một công ti du lịch tặng một chuyến du lịch Vũng Tàu. Chuyến du lịch được các BTV dàn dựng để tạo sự hấp dẫn, bất ngờ như: vô tình có người tặng hai cụ một bộ ảnh kỉ niệm, sắp xếp các bạn trẻ nhảy, hát, tặng hoa cho nhân vật…

Con cháu của hai cụ được nhóm làm chương trình mời đến dự lễ kỉ niệm ngày cưới nhưng nhân vật chính hoàn toàn không hay biết, thậm chí còn trách… con cháu về không chịu báo trước.

Chương trình thứ ba là câu chuyện tình yêu của một cô gái suy thận và chàng trai kém 3 tuổi.

‘ Tiếp theo câu chuyện về tình yêu có một không hai ấy, nhóm làm chương trình vừa thực hiện xong điều ước cho một em bé dân tộc ở Mù Căng Chải. Tuy đã học đến lớp 12 nhưng em chỉ bằng một cậu bé 5 – 6 tuổi. Em ước được ra Hà Nội khám bệnh, được học công nghệ thông tin và… thăm Lăng Bác Hồ.

Cứ như vậy, “những điều ước tử tế của những con người tử tế” dần dần sẽ được nhóm làm chương trình tìm kiếm và hiện thực hóa qua các chương trình hàng tuần.

Và những thử thách…

Làm thế nào để tìm ra câu chuyện hay, nhân vật chọn điều ước phải xứng đáng để khán giả xem và cảm phục - đó là thử thách đối với những người làm chương trình.

Có 8 BTV được giao trách nhiệm tìm kiếm các câu chuyện. Thời gian đầu, 5 BTV có câu chuyện khả thi còn 3 BTV vẫn đang chơi vơi trong khi lịch ghi hình đã gần kề.

Tiếp đến là thuyết phục nhân vật đồng ý lên truyền hình, điều ước phải được hiện thực hóa mang tính chất tinh thần. Bởi không phải điều ước nào cũng có thể thực hiện.

Thực tế, đã có lúc Điều ước thứ 7… đứng bên bờ vực bởi sự nghi ngờ của nhân vật. Mặc cho nhóm sản xuất năn nỉ, máy quay đã vào vị trí, toàn bộ sinh viên của một trường đại học đã tập dượt suốt hai ngày chỉ chờ đợi ngày biểu diễn, nhân vật vẫn kiên quyết không chịu đến nơi thực hiện điều ước (!).

Một khó khăn nữa là vấn đề thiết bị kĩ thuật. Nhóm kĩ thuật chỉ có 3 - 4 máy quay, thêm 2 – 3 máy quay nhỏ cầm tay, thậm chí đạo diễn phải dùng cả Iphone để tự quay.

Lần đầu tiên ghi hình, đạo diễn hình Hải Thanh đã… bỏ cả phòng điều khiển để chạy ra ngoài kiểm soát quay phim. Âm thanh cũng là một vấn đề. Nhóm làm chương trình tiên lượng, rất dễ có những chương trình phải làm phụ đề.

Tuy vậy, cái khó nhất với những người thực hiện vẫn là làm sao để chương trình thật nhất, mọi thứ diễn ra thật tự nhiên và nhân vật không bị tác động bởi thiết bị ghi hình.

‘ Điều ước thứ 7 không có một kịch bản cứng. Mỗi nhân vật là một câu chuyện, mỗi người một ước mơ, mỗi người đến từ một địa phương nên rất khó để thực hiện thành một series. Tuy vậy, chính sự đa dạng đối tượng nhân vật trong Điều ước thứ 7 đã tạo nên sự thu hút đối với khán giả.

Sau một vài số đã phát sóng, những người thực hiện Điều ước thứ 7 đã đúng khi xây dựng một chương trình đầy tính nhân văn trong thời điểm “đồng tiền đang ngự trị ở mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực”. Nó đã làm lay động lòng nhân ái của mọi người, lan tỏa những tình cảm đẹp đẽ trong cuộc sống.

Những người làm chương trình hi vọng, Điều ước thứ 7 không chỉ nhận được sự đồng tình của khán giả mà còn là sự chia sẻ và hỗ trợ cung cấp những câu chuyện thú vị và cảm động trong cuộc sống để ê kíp thực hiện nuôi dưỡng đề tài cho chương trình qua email: dieuuocthu7.vtv3@gmail.com hoặc trang facebook: www.facebook.com/dieuuocthu7.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước