Nhà báo Lại Văn Sâm với Huyền thoại Trường Sơn

Nhà báo Trần Đăng Mậu (kể)-Thứ tư, ngày 09/02/2011 19:00 GMT+7

Nghệ thuật mà hoành tráng, chi tiết mà lắng đọng, truyền thống mà sáng tạo, đó là ấn tượng mà chương trình Huyền thoại Trường Sơn để lại. Người đóng vai trò tổng đạo diễn (TĐD) của chương trình là nhà báo Lại Văn Sâm, Trưởng Ban Giải trí và Thông tin Kinh tế Đài THVN. Nhà báo Trần Đăng Mậu đã ghi lại những gì mà anh được trải nghiệm thực tế cùng Nhà báo Lại Văn Sâm với Trường Sơn ngày đó.

Thời gian và chuyện kể


Tháng 5 năm 2004, trong khuôn khổ của Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á do tỉnh Quảng Trị tổ chức, đoàn tiền trạm của VTV3 do anh Lại Văn Sâm làm trưởng đoàn đã đến Quảng Trị. Suốt hai ngày ròng rã đi khắp các địa danh, di tích lịch sử, những biên tập viên, đạo diễn và phóng viên của VTV3 như Diễm Quỳnh, Long Vũ, Đức Hòa, Quang Minh, Lương Minh, Lê Phúc cùng nhiều bạn trẻ khác, lần đầu đến Quảng Trị đã không cầm được nước mắt khi được “mắt thấy tai nghe” những gì về cuộc chiến bi hùng ở Thành cổ Quảng Trị.

Những vết đạn bom hằn in trên mỗi góc tường của trường Bồ Đề, nhà thờ La Vang như là một chứng tích còn mãi với thời gian. Đoàn cũng đã đến với nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 nơi ghi dấu một thời trận mạc, được thắp những nén nhang bên mỗi hàng bia mộ, nghe những câu chuyện kể với niềm cảm động xót thương, tất cả như đã tích tụ trong mỗi cảm nhận của các thành viên trong đoàn, để rồi trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh trước khi đoàn trở lại Hà Nội, anh Lại Văn Sâm đã trình bày ý tưởng kịch bản mang tên: Trở lại Trường Sơn.

Ngày 20/4/2004, anh Lại Văn Sâm trở lại Quảng Trị với kịch bản Huyền thoại Trường Sơn (HTTS) gồm hai phần: Tìm về cõi Trường Sơn và Trường Sơn hôm nay. Đây là kịch bản chi tiết với thời lượng 180 phút (từ 18h00 đến 21h00) phát trên kênh VTV3 nhân ngày đại giỗ các anh hùng liệt sỹ 27/7. Một tuần ở Quảng Trị để làm nhiệm vụ, với vai trò của một TĐD, anh không khỏi lo lắng khi lần đầu tiên chương trình nghệ thuật tổng hợp lại được tổ chức ngoài trời, lấy bối cảnh mây núi Trường Sơn làm phong hậu, lại diễn ra đúng vào “tháng 7 nước chảy qua bờ” nên những cơn mưa tầm tã cứ kéo dài, gây bao khó khăn cho các bộ phận chuyên môn với trên 100 con người được VTV3 điều động tham gia.

Là TĐD của chương trình, anh Lại Văn Sâm quán xuyến tất cả các khâu, các bộ phận như sân khấu, âm thanh, ánh sáng, nội dung, khách mời, hình ảnh, cứ thế ngày qua ngày dẫu cho cơn mưa nặng hạt, công việc của anh cứ diễn ra. Buổi sáng, anh lên nghĩa trang Trường Sơn kiểm tra tiến độ làm sân khấu, gặp lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin để bàn về nội dung, cùng MC gặp gỡ các nhân vật để trao đổi câu hỏi phỏng vấn.


Buổi trưa, anh tìm đến quán Nhà cổ ngồi nhâm nhi ly cà phê, anh nhìn trời nhìn mây mà than rằng: “Mình làm việc hiếu nghĩa nên chắc chắn các anh hùng liệt sỹ cũng phù hộ anh em mình thôi”, anh có niềm tin như thế và cũng là lời để động viên anh em trong đoàn về ước nguyện thành công trọn vẹn của chương trình.

Buổi chiều, anh dành thời gian để họp bàn về nội dung, chạy kịch bản chi tiết với MC, đạo diễn hình, đạo diễn ca nhạc, cùng các bộ phận liên quan để anh điều chỉnh lại nội dung của mỗi trường đoạn kịch bản.

Buổi tối, cũng tại cà phê Nhà cổ anh làm việc với kíp đạo diễn hình của VTV, ĐVTV, QTV cùng cán bộ kỹ thuật của VTV để tính phương án sử dụng 3 xe màu, 13 CAM, vị trí và chức năng của mỗi CAM, đưa tín hiệu lên vệ tinh để truyền về VTV. Công việc trong ngày của một TĐD như thế, anh bận rộn vì công việc, tập trung tâm sức cho chuyên môn, mà khước từ những lời mời của những người hâm mộ yêu mến anh. Có lần anh nói với tôi rằng: “Lời mời nhiều quá, hãy tập trung cho chuyên môn thôi, khi kết thúc chương trình gặp nhau ở sân khấu với một cái bắt tay cũng là lời động viên rồi”.

17h00 ngày 27/7, lễ viếng các anh hùng liệt sỹ diễn ra dưới trời mưa, 17h30 trời “bỗng dưng” tạnh hẵn, mọi người đồng loạt cởi áo mưa tiện lợi. 18h, TĐD thét trong máy bộ đàm khi đếm ngược thời gian: 5 4 3 2 1 - bảng chữ Truyền hình trực tiếp Huyền Thoại Trường Sơn xuất hiện. Màn hát múa “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” của nhạc sỹ Huy Du mở đầu cho chương trình lên sóng VTV3. 19h00, hơn 10.000 ngọn nến trên khắp 6 quả đổi của nghĩa trang bừng lên ngọn lửa, các set cảnh ở cây bồ đề, khu mộ vô danh, khu mộ phía Bắc, phía Nam lung linh ngọn nến được TĐD chọn lựa để đạo diễn hình đưa lên sóng.

19h15, trên bản tin thời sự của VTV1 cũng phát trực tiếp một trường đoạn của HTTS để giới thiệu với khán giả trong và ngoài nước biết để “chuyển kênh” theo dõi, có biết bao gia đình đã phải dừng lại bửa cơm tối vì nghẹn ngào xúc động bởi những câu chuyện kể, lời hát, hình ảnh, thước phim minh họa, rồi hàng trăm cú điện thoại nóng của những người thân, đồng đội khắp nơi gọi về để nhắn tìm mộ liệt sỹ hay mách bảo thông tin, cũng nhờ chương trình mà sau này phần mộ của nữ anh hùng Nguyễn Thị Vân Liệu được quy tập đưa vào khu mộ anh hùng của nghĩa trang.


Đúng 21h00, chương trình kết thúc trong sự hoài niệm về một cõiTrường Sơn hùng tráng mà huyền thoại, những cái bắt tay nồng ấm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của khán giả với TĐD Lại Văn Sâm, với MC Diễm Quỳnh, Long Vũ như đã thay lời muốn nói về một HTTS, mãi là chương trình nghệ thuật đỉnh cao trên sóng truyền hình, được truyền từ mảnh đất thiêng Quảng Trị.

Hẹn ngày trở lại


Thời gian cứ qua mau, nhưng những kỷ niệm về một HTTS mãi không bao giờ quên, vẫn còn đó những gương mặt thân quen từng đảm nhận các chức danh quan trọng trong HTTS, nay vì yêu cầu công việc phần lớn họ rời VTV3 để đến với môi trường, địa vị mới. Với TĐD Lại Văn Sâm, anh vẫn đảm nhiệm vai trò của một trưởng ban, vẫn tận tâm với nghề, vẫn không ngừng sáng tạo trong mỗi chương trình phát sóng, vẫn nhớ về Quảng Trị để thực hiện những tác phẩm “để đời”, đó là: “Khúc tráng ca về một dòng sông - 2007”, “Đêm 30 và Cây lộc vừng - 2010” (thực hiện phóng sự tại nghĩa trang Trường Sơn).

Mới đây, tại Hà Nội trong ngày vui của VTV3 đón mừng danh hiệu: Huân chương Lao Động hạng Nhất, anh có “bật mí” với tôi rằng: “Tháng 7 năm 2011, theo yêu cầu của nhà sản xuất, chương trình Chúng tôi là chiến sỹ sẽ làm trực tiếp tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, thế nào rồi anh em mình cũng gặp lại nhau… ”. Tôi cũng thông tin với anh rằng: Năm 2012, ghi dấu 40 năm sự kiện 81 ngày đêm trong cuộc chiến mùa hè đỏ lửa – 1972, rất mong VTV3 lại vào cuộc - anh cười. Tôi mạo muội nói với anh như thế, để rồi tôi lại liên tưởng và kỳ vọng về một “Khúc tráng ca” Thành cổ trên sóng VTV.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước