NSƯT Trần Đức: Khối Rubic đa chiều

Theo CAND-Thứ bảy, ngày 25/06/2011 07:00 GMT+7

Đầu húi cua, mắt đeo kính trắng và kiểu cười nhếch mép vừa đa tình, quyến rũ lại vừa... đáng ghét là hình ảnh quen thuộc của các nhân vật mà NSƯT Trần Đức thủ vai...

Gặp ông mới biết, hóa ra người chuyên đóng những vai phản diện như giám đốc tham nhũng, quan chức biến chất, trùm xã hội đen hay những gã lăng nhăng chuyên ve vãn phụ nữ trong các phim "Chạy án", "Đầm lầy bạc", và gần đây nhất là "Lời thú nhận của Eva" lại là một thầy giáo "chính hiệu" hiện đang giữ cương vị Trưởng khoa Sân khấu Điện ảnh và Múa, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Trò chuyện với NSƯT Trần Đức, chúng tôi còn được biết thêm ở ông nhiều điều bất ngờ đằng sau mỗi vai diễn thú vị, như một khối rubic đa chiều.

Chúng tôi gặp NSƯT Trần Đức khi ông đang chuẩn bị cho buổi thi tốt nghiệp của lớp diễn viên Sân khấu Điện ảnh khóa 7 của trường. Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông vừa tất bật chỉ đạo những công việc của một Trưởng khoa. Lúc này, nhìn ông đích thực là một thầy giáo, khác hẳn với các nhân vật ông thủ vai trên phim. Dường như đã quen với vẻ ngạc nhiên của người lần đầu tiếp xúc với mình, NSƯT Trần Đức cười xòa: "Nhiều người gặp tôi đều bảo: "Anh trên phim thấy kinh lắm nhưng ở ngoài thì không hề… kinh".

NSƯT Trần Đức tâm sự, ông chuyển sang làm giáo viên được gần 10 năm, sau khi tốt nghiệp khóa Đạo diễn của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và sau 32 năm là diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội. Hơn 30 năm làm nghệ sĩ ở nhà hát, giờ giấc thoải mái, xông xênh, làm ở trường phải theo giờ hành chính, đã có những thời điểm sáng ngủ dậy ông không muốn… đến trường. "Nhưng đó là năm đầu tiên thôi. Giờ đây, tôi thực sự thấy yêu công việc này. Tôi lây cái tính trẻ trung, năng động của sinh viên. Ai cũng khen tôi trẻ hơn so với bạn bè bằng tuổi đấy" - Nghệ sĩ Trần Đức hóm hỉnh chia sẻ

Trong mắt của khán giả yêu mến phim truyền hình, NSƯT Trần Đức "đóng đinh" vào các vai phản diện. Tiêu biểu như Giám đốc Trần Đức mưu mô, gian xảo trong phim "Chạy án", trùm mafia trong "Đầm lầy bạc" và gần đây nhất là vai ông Vĩ lăng nhăng trong "Lời thú nhận của Eva" đang phát sóng trên kênh VTV3. NSƯT Trần Đức chia sẻ, ông được đạo diễn mời đóng vai phản diện nhiều nhất từ khi ông quyết định theo kiểu đầu húi cua. Hình như khuôn mặt ông, cộng thêm cái đầu húi cua nữa là các đạo diễn không ai bảo ai, nhất quyết nhắm ông vào vai phản diện. Nhiều khi, chỉ cần đạo diễn đưa kịch bản là ông đã biết mình vào vai gì, đến nỗi, ông đùa rằng: "thèm được đóng vai lương thiện mà cũng không cho".

NSƯT Trần Đức bảo: "Khán giả truyền hình cứ quen với việc tôi vào những vai phản diện chứ thực ra thời kỳ còn ở Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi đóng nhiều vai chính diện lắm". Thế hệ nghệ sĩ như Trần Đức đã trải qua giai đoạn hoàng kim của kịch Hà Nội. Trong ký ức của ông là những tháng ngày mà khán phòng chật cứng khán giả xem "Tôi và chúng ta" của Lưu Quang Vũ, "Khoảng trống" của Anh Biên... Mặc dù những năm tháng ấy, cơ sở vật chất của nhà hát sơ sài, diễn viên vất vả nhưng ai cũng say sưa diễn như nhập đồng. Cũng chính những ngày tháng ấy đã làm nên một Trần Đức sân khấu với những vai như nhà vua trong "Hămlét", Giáo sư Thuận trong "Khoảng trống", Tám Tính trong "Ăn mày dĩ vãng". Nhắc tới vai Tám Tính trong vở "Ăn mày dĩ vãng" của nhà văn Chu Lai, NSƯT Trần Đức cho đó là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của ông. Nhân vật này chỉ xuất hiện trong vở kịch 2 lần, mỗi lần 5 phút nhưng đã mang về cho Trần Đức, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1998.

Trần Đức cho rằng ông là người may mắn khi được tham gia phim truyền hình ngay từ đầu với nhiều kiểu nhân vật. Cho đến nay, ông vẫn cố gắng thu xếp để mỗi năm đóng khoảng 4 - 5 phim. Không hẳn với mục đích tăng thêm thu nhập mà quan trọng hơn là rèn luyện tay nghề, là xây dựng hình ảnh mình trong mắt sinh viên. Bởi ông quan niệm, tham gia một bộ phim là mình có thêm những kinh nghiệm sinh động truyền giảng cho sinh viên.

Hơn 40 năm trong nghề diễn xuất, NSƯT Trần Đức đã tham gia hàng trăm vở kịch, bộ phim. Ông thú nhận nhiều khi không nhớ hết tên phim, tên nhân vật. Đó cũng là thói quen của ông để bắt tay vào một nhân vật mới. Nhưng một kỷ niệm "xương máu" ông vẫn còn nhớ: Đó là lần tham gia một bộ phim của đạo diễn Trần Lực cùng nghệ sĩ Hồng Sơn. Trong phim đó, NSƯT Trần Đức vào vai một tay nhà báo chuyên viết láo ăn tiền; nghệ sĩ Hồng Sơn vào vai người thương binh trở về làm ăn kinh tế bị tay nhà báo gián tiếp đè nén. Trong cảnh quay, tay nhà báo ngồi một mình trong nhà, khoái chí thưởng cho mình một con gà luộc và chai rượu thì bị anh thương binh vốn là lính đặc công lẻn vào hỏi tội. Khi tập, hai anh em thống nhất với nhau rằng khi lão nhà báo còn đang ngơ ngác trước sự xuất hiện bất ngờ của anh bộ đội thì anh bộ đội sẽ tức giận vặt cổ gà, tống vào miệng nhà báo. Khi máy quay bắt đầu, chẳng biết Hồng Sơn diễn "sung" thế nào mà vặn cổ gà rồi ấn lấy ấn để vào miệng Trần Đức. Trần Đức đau quá, không cần phải diễn cũng y như thật. Đến khi đạo diễn hô: "Tốt. Tốt. Cắt", cổ gà được lôi ra cũng là lúc máu ở cổ Trần Đức trào ra. Ai cũng tưởng sau tai nạn nghề nghiệp ấy, Trần Đức không theo nghiệp diễn được nữa nhưng rất may chiếc xương gà không đâm vào thanh đới.

Con đường đưa Trần Đức đến với nghệ thuật rất tình cờ. Năm 1971 khi vừa tròn 18 tuổi, cậu thanh niên Trần Đức đã viết lá đơn bằng máu xung phong đi bộ đội. Khi đến khám sức khỏe, vừa thấy Trần Đức, cô bác sĩ hỏi: "Sao cậu lại đi bộ đội? Cậu có biết hát không". Trần Đức khi ấy hồn nhiên: "Cháu hát hay" rồi dõng dạc thể hiện (ngày ấy, Trần Đức đã nổi tiếng trong trường vì hát hay, diễn kịch tốt, đã từng được các nghệ sĩ như Quốc Hương, Bích Liên giảng dạy). Nghe xong, cô bác sĩ nửa đùa nửa thật: "Cậu chỉ làm nghệ thuật được thôi, không đi bộ đội được đâu" rồi xếp loại B vào cột sức khỏe trong hồ sơ. Chờ mãi không thấy giấy gọi nhập ngũ, lại biết Nhà hát Kịch Hà Nội có đợt tuyển diễn viên, Trần Đức nộp đơn dự thi và trúng tuyển. Ông được nhà hát gửi sang Trường Sân khấu Việt Nam để theo học lớp diễn viên. Năm 1974, ông ra trường và về công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Với NSƯT Trần Đức, dù luôn được giao các vai phản diện nhưng mỗi vai ông đều cố gắng tìm tòi để không vai nào giống vai nào.

Bên cạnh diễn xuất mỗi vai một kiểu, Trần Đức rất chú trọng tới hình thức nhân vật. Bởi theo ông, hình thức góp phần không nhỏ bộc lộ tính cách nhân vật. Trần Đức là nghệ sĩ nổi tiếng "chịu chơi" và "chịu chi" cho nhân vật của mình. Hầu hết những trang phục, phụ kiện của nhân vật như giày, kính, nhẫn, thậm chí cả ba - toong cũng đều tự tay ông sắm. Ví dụ như trong phim "Lời thú nhận của Eva", để quay cảnh nhân vật Vĩ vào vai chú rể, Trần Đức đã không ngần ngại "móc ví" để đặt may ngay một bộ comple trắng. Hiện tại, trong nhà ông có bộ sưu tập các loại áo sơ mi, kính và nhẫn. "Toàn vào vai các đại gia thành ra tốn kém vì toàn mua đồ xịn" - Trần Đức hài hước. "Khán giả gặp tôi cứ hỏi: Sao anh vào vai phản diện tốt thế? Tôi đùa: Cả đời tôi chả được tham nhũng, chả được lăng nhăng nên trong phim tôi làm thật luôn!".

Trò chuyện với NSƯT Trần Đức luôn thấy tình yêu nghề ngập tràn trong ông, dù ở cương vị một diễn viên hay một thầy giáo. Giờ đây, mỗi khi có cơ hội đóng phim, Trần Đức đều tìm cách giới thiệu để các sinh viên của mình được thử vai. Bởi ông quan niệm, học lý thuyết bao nhiêu cũng không bằng một lần đứng trước máy quay. Và bởi ông hiểu, mỗi sinh viên dấn thân vào con đường nghệ thuật là chấp nhận những khó khăn, thiệt thòi. Vì vậy nếu có điều kiện sao không giúp đỡ các em. Nghệ sĩ Trần Đức chia sẻ: "Tôi thường nói với sinh viên rằng: "Giá như tôi có quyền, giá như tôi được làm một việc mà chỉ chúng ta nhìn thấy thì tôi sẽ đóng lên trán các em chữ "chân thực" để mỗi sáng, ngủ dậy, các em soi gương sẽ thấy hai chữ này. Cuộc sống cần chân thực, nghề diễn cũng cần chân thực".

Với người nghệ sĩ, chấp nhận đi theo con đường nghệ thuật là chấp nhận sự thiệt thòi. NSƯT Trần Đức đã từng có giai đoạn phải làm thêm nghề nhôm kính để nuôi sống tình yêu nghệ thuật trong mình. Nhiều thì thuê thêm thợ, ít thì trực tiếp làm. Đêm về, dưới ánh đèn sân khấu, Trần Đức lại say sưa với từng vai diễn. Vì lựa chọn nghệ thuật, Trần Đức đã chấp nhận cả sự đổ vỡ trong cuộc sống riêng, chấp nhận bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh lớn. Ông bảo, ngày ấy, đời sống kinh tế khó khăn, nhiều nghệ sĩ đã chấp nhận bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động. Người bạn đời của ông khi ấy cũng muốn ông từ bỏ ánh đèn sân khấu để tập trung vào kinh doanh. Đứng trước sự lựa chọn ấy, cuối cùng ông đã lựa chọn tình yêu nghệ thuật. Chỉ có thể đứng trên sân khấu, đứng trước máy quay, hóa thân vào nhân vật, ông mới được là chính mình. Ông bảo, chẳng ai muốn cả nhưng mỗi người một quan niệm, hoàn cảnh khi ấy, bắt buộc phải lựa chọn thôi.

Giờ đây, khi ngồi trò chuyện cùng tôi, NSƯT Trần Đức chia sẻ ông đã tìm được hạnh phúc của mình sau những đổ vỡ. Đó là người phụ nữ giảng dạy về âm nhạc yêu và thông cảm cho những vai diễn "phức tạp" của chồng. Bên cạnh đó các con cũng đều theo nghề diễn như bố. Hạnh phúc ấm áp ấy đã góp phần để NSƯT Trần Đức thêm thăng hoa trong từng vai diễn

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước