Phim truyền hình Việt và “các yếu tố ngoại”

Hương Giang-Thứ sáu, ngày 07/08/2009 15:36 GMT+7

Yếu tố ngoại đã trở thành chất xúc tác để phim truyền hình thu hút đông đảo người xem. Việc sử dụng các yếu tố ngoại đã tạo ra sự mới mẻ, nét chấm phá riêng cho các bộ phim, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều điều chưa thực sự làm vừa lòng khán giả.

Từ kịch bản phim truyền hình nước ngoài

Hiện nay, việc mua lại bản quyền những bộ phim truyền hình ăn khách của nước ngoài để mang về Việt Nam thực hiện đã không còn xa lạ. Năm 2008, hãng phim Việt mua bản quyền bộ phim truyền hình Bettyla fea của Colombia và thực hiện ở Việt Nam dưới tên gọi Cô gái xấu xí (đạo diễn Minh Chung).

‘Phim Cô gái xấu xí

Bộ phim dài gần 200 tập này nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau trong suốt thời gian trình chiếu, nhưng nói chung nó đã tạo ra một dấu ấn riêng đối với khán giả truyền hình khi là bộ phim truyền hình đi tiên phong cho xu hướng làm phim sitcom còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Tiếp theo sự thành công của Cô gái xấu xí, một bộ phim nữa cũng gây tò mò và tiêu tốn nhiều giấy mực của báo chí, đó là Những người độc thân vui vẻ do VFC sản xuất. Dù có sự tham gia của các cây hài nổi tiếng, bộ phim cũng không thực sự thành công. Cảm nhận chung của khán giả là như đang xem các tiểu phẩm hài trên sân khấu, thiếu tính logic, sự đan cài và xử lý tình huống cần thiết của một bộ phim.

Vấn đề đáng quan tâm là trên cơ sở cái sườn kịch bản nước ngoài, êkip thực hiện phải biết biến đổi và “thêm thắt gia vị”, giữ cái nào, bỏ cái nào cho phù hợp với thuần phong mỹ tục, với bản sắc văn hóa của dân tộc. Có một thực trạng là những người biên tập phim đã chưa nỗ lực trong việc sửa đổi và tìm kiếm, tạo thêm những chi tiết, tình tiết mới. Việc giữ lại cấu tứ, nội dung phim là cần thiết, nhưng nên chăng vì quá tôn trọng hay mong muốn giữ lại “thần thái” riêng của bộ phim mà đánh mất quyền được sáng tạo nghệ thuật.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng người từng thành công với bộ phim Bỗng dưng muốn khóc sẽ thực hiện bộ phim truyền hình nổi tiếng Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt. Liệu Vũ Ngọc Đãng có thể tìm ra cách kể chuyện mới mẻ và thành công khi cái bóng của phiên bản Hàn Quốc quá lớn…?

Sử dụng yếu tố ngoại hợp lý, đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tốt

Không thể phủ nhận những hương vị mới lạ mà các bộ phim truyền hình được mua lại kịch bản từ nước ngoài đã mang tới cho khán giả. Tuy nhiên, thật không phù hợp khi khán giả Việt phải xem một bộ phim mà ngay từ cái tên nhân vật nghe đã giống tên nước ngoài, tình tiết, cách kể chuyện, nhạc phim cũng na ná như của Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Nếu yếu tố ngoại bị lạm dụng quá mức sẽ gây phản cảm cho người xem, làm mòn sự sáng tạo từ phía những người làm nghệ thuật.

‘Cảnh phim Mùi ngò gai

Làm sao để sử dụng có hiệu quả các yếu tố ngoại ấy, để tạo nên những dấu ấn riêng mang đậm phong cách sáng tạo của riêng mình, phù hợp với thị hiếu, văn hóa dân tộc, vẫn là một bài toán khó với các nhà làm phim truyền hình.

Yếu tố ngoại là cần thiết, nó sẽ trở nên hợp lý nếu người sử dụng biết chắt lọc, biết “xào nấu” một cách thông minh và có hiệu quả. Không thể phủ nhận tính tích cực mà yếu tố ngoại đã mang vào phim Việt, nhưng mong rằng các nhà làm phim hãy biết sử dụng có liều lượng để tác phẩm tìm được một vị trí riêng, không bị đánh đồng với các sản phẩm của nước ngoài.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước