Phỏng vấn ngược – Giám đốc Sáng tạo Nam Cito

Ninh Quang Trường; Ảnh: Nhân vật cung cấp-Thứ ba, ngày 06/09/2011 07:00 GMT+7

Tác giả ý tưởng của “Bộ tứ 10A8” và “Những phóng viên vui nhộn”, “quyền lực” đối với đoàn làm phim đôi khi còn hơn cả đạo diễn, là người mang trên cổ rất nhiều tròng khi phải “sáng tạo” làm sao để vừa lòng tất cả các bên từ doanh nghiệp cho đến nhà sản xuất và đối tác. Giám đốc sáng tạo là một chức danh còn quá mới tại Việt Nam và đôi khi những gì thuộc về “sáng tạo” có thật khó để đong đếm ?

Sẽ bắt đầu câu chuyện bằng bộ phim sitcom Những phóng viên vui nhộn – NPVVN, sản phẩm dễ nhất để khán giả hiểu về công việc của anh?

Giám đốc sáng tạo là người đưa ra tất cả ý tưởng về nội dung, định hướng cho bên kịch bản và sản xuất. Khi dự án được triển khai thì mình cũng là người giám sát toàn bộ, kể cả những phần bề nổi như logo, màu sắc, tạo hình nhân vật hay bề sâu như casting diễn viên, viết và biên tập kịch bản, dựng phim… Tóm lại đó là người chịu trách nhiệm toàn bộ về bộ phim đó để nó khác biệt và mới mẻ so với thị trường. Đối với bộ phim NPVVN, tôi là người viết ra ý tưởng, dựng khung cho mỗi tập phim (mở đầu thế nào, nhạc nền nhạc hiệu ở đâu, tiếng cười lúc nào cho hợp lý, kết thúc ra sao…).

Thời gian đầu tôi là người trực tiếp làm tất cả các công việc này, để toàn bộ ekip hình dung và nắm được những việc cần làm rồi sau đó mới chuyển giao lại. Ý tưởng của tôi là muốn nhấn vào việc phản ánh giới trẻ làm thêm ở một toà soạn báo thế nào, việc lấy tin viết bài ra sao. Tính cách mỗi nhân vật gắn với nghề nghiệp rất rõ, ví dụ như bạn bác sĩ thì toàn nói chuyện đến thuốc, vi trùng hay bệnh tật v.v để khán giả nhớ nhân vật, và khi đó họ sẽ quan tâm đến cá tính nhân vật chứ không còn để ý nhân vật đẹp hay xấu nữa.

Nếu đánh giá bộ phim NPVVN là một dự án thông minh?


Trước khi làm ý tưởng thì chúng tôi phải đặt lên bàn cân rất nhiều yếu tố: Chi phí sản xuất, quá trình sản xuất và hiệu quả kinh tế. Hay nhất và rẻ nhất thì ai cũng thích. Sau phim Bộ tứ 10A8 chúng tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm, đây là bộ phim cho tuổi teen và đa số các em diễn viên còn đang đi học. Ngoài ra các yếu tố như bối cảnh, hiện trường nếu bị quá phụ thuộc cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình triển khai và kế hoạch sản xuất bị thụ động, còn nếu mình bỏ qua các yêu tố đó thì sẽ dễ bị lái theo hướng khác. Ở phim NPVVN thì khác, nếu chẳng may có diễn viên nào bị ốm hay phải đi học đi thi thì hoàn toàn có thể thay thế bằng nhân vật khác mà kịch bản không bị quá ảnh hưởng và mạch phim vẫn giữ được. Bối cảnh chủ yếu ở một toà nhà thì cũng đỡ vất vả cho mọi người, không sợ mưa gió tối ngày, diễn viên vẫn được ngồi điều hoà, online lướt web nên cũng tạo tâm lí tốt cho diễn viên.

Đã được mọi người tin tưởng và đồng ý cho triển khai nhưng đối với một đoàn làm phim truyền thống tại Việt Nam đâu đã có chức danh “Giám đốc sáng tạo” của anh?


Trong công ty, tôi là người thành lập phòng làm phim nên không khó để tôi đề xuất chức danh Giám đốc sáng tạo, cái khó là thuyết phục được các đối tác sản xuất phim với mình, trước đó họ chưa làm việc với Giám đốc sáng tạo bao giờ. Mình là người kiểm soát toàn bộ các khâu để đảm bảo sản phẩm tốt nhất, phải định hướng cho bên sản xuất. Họ là người làm nghề mà mình lại định hướng cho người ta thì ở môi trường Việt Nam rất khó. Tôi phải thuyết phục được rằng chức danh của mình là cần thiết và giúp cho sản phẩm tốt hơn. Ví dụ như ở phim Bộ tứ 10A8 phần đầu không có chức danh của tôi vì đạo diễn khăng khăng không chấp nhận, “giám đốc sáng tạo làm gì ở đây, tôi không cần”. Trong quá trình làm việc thì thực tế chứng minh rằng những điều đó tốt cho phim và nửa sau của phim đã có chức danh đó.

Chức danh của anh là cần thiết và giúp cho sản phẩm tốt hơn ?

Trong một đoàn làm phim, nếu đạo diễn có vấn đề thì phó đạo diễn có thể thay thế, hay không có giám đốc sáng tạo thì đạo diễn vẫn biết cách làm thế nào để triển khai được kịch bản. Nhưng làm phim hiện nay còn phải tính đến yếu tố thương mại nữa, và thực tế là, rất khó để đạo diễn ngồi nói chuyện được với nhà tài trợ, họ sẽ ưu tiên yếu tố nghệ thuật của họ, vai trò của tôi còn là dung hòa giữa đạo diễn và bên tài trợ để có sản phẩm tốt nhất mà khán giả chấp nhận được.

Vậy thì Giám đốc sáng tạo như anh trong một dự án phim có vẻ như phải ôm nhiều việc không liên quan đến “sáng tạo” cho lắm nhỉ ?

Làm sáng tạo ở Việt Nam đâu có phải lúc nào cũng bay lửng lơ đâu, tôi luôn phải bám sát quá trình sản xuất. Cứ nghĩ là chỉ cần mỗi thứ biết một tí nhưng thực tế không phải như vậy, mình phải biết nhiều và ngày nào cũng phải tìm hiểu để biết nhiều hơn chứ không được dừng lại. Mình cũng phải chủ động tìm đến các đối tác nữa. Ví dụ như việc đặt nhạc, mình phải biết mình muốn loại nhạc thế nào, ai là người phù hợp và làm việc cụ thể với nhau chứ không chỉ đưa ra yêu cầu chung chung được.

Còn với đạo diễn, người vẫn được coi là linh hồn của cả bộ phim ?


Đầu tiên người đạo diễn đó phải hiểu được mình, hiểu được ý tưởng và ý đồ của mình, nhưng nếu họ giỏi và ở một vị thế cao thì họ cũng sẽ không muốn làm một sản phẩm của người khác. Còn những người có thể hiểu mình và hợp tác tốt thì có khi mình không biết tìm họ ở đâu. Ví dụ như đạo diễn Đào Thanh Hưng, trước khi làm Bộ tứ 10A8, tôi cũng chưa biết nhiều về anh và các tác phẩm của anh. Khi làm cùng thì tôi thấy anh Hưng rất hợp với phim teen, trẻ trung, chỉn chu trong từng góc máy và đặc biệt là anh Hưng rất biết lắng nghe, tôn trọng tác phẩm và đóng góp nhiều ý kiến cho phim tốt hơn.

Anh biết nhiều về nghề làm phim đấy chứ ?

Đương nhiên làm Giám đốc sáng tạo cho phim thì ít nhất phải biết những điều cơ bản nhất của phim, từ kịch bản, ánh sáng, âm thanh, góc máy v.v để khi triển khai với các bộ phận khác như đạo diễn, biên kịch, quay phim, kỹ thuật… thì có cơ sở để họ hiểu. Mình làm sáng tạo trên cơ sở kiến thức nền tối thiểu đó.

Anh thu thập những kiến thức nền đó từ đâu ?

Tôi không học về điện ảnh, tôi học Maketting và trong đó có chuyên ngành về sáng tạo. Chúng tôi được học cách để một ý tưởng ra đời, thực hiện ra sao. Ví dụ như một mẩu quảng cáo chẳng hạn, phải thể hiện bằng hình ảnh, góc máy, nội dung như thế nào. Cái chính là phải học hỏi, quan sát những người thật việc thật để tự đúc kết thôi.

Chuyên ngành sáng tạo đó còn dạy anh những điều gì nữa ?


Chúng tôi có rất nhiều môn học về sáng tạo. Không chỉ trong nghệ thuật mà mọi thứ đều cần đến sáng tạo, sáng tạo trong PR, trong kinh doanh, trong quảng cáo v.v. Nếu biết cách sáng tạo thì mọi chuyện đều đạt hiệu quả cao. Trong môi trường học tập tại nước ngoài thì sáng tạo rất được khuyến khích. Tôi vẫn còn nhớ một bài tập là phải tự nghĩ ra một sản phẩm từ khâu thiết kế cho đến thực hiện, sau đó sẽ tự PR và bán hàng, các đội sẽ thi với nhau và đội nào bán được nhiều sẽ chiến thắng. Một sản phẩm hoàn toàn chưa có thật mà chỉ qua quảng cáo giới thiệu bạn sẽ lựa chọn nó.

Và sáng tạo cũng cần học hỏi đúng không anh ?

Đâu có mấy người sáng tạo được từ con số không tròn trĩnh đâu, thường là sáng tạo dựa trên một điều gì đó có trước và đưa vào đó những yếu tố của riêng mình. Còn đạo nguyên xi hoặc chỉ thay đổi vài ba chi tiết rồi gắn tên mình vào thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Điều này phụ thuộc vào đạo đức của từng người và ý thức muốn ghi dấu ấn cá nhân của mình bằng những sản phẩm tốt.


Nhưng để cho ra đời được một sản phẩm tốt, sáng tạo tốt thôi chưa đủ ?


Đó cũng là điều tôi rất trăn trở. Mỗt ý tưởng của mình cũng như một đứa con vậy, tôi rất mong những “đứa con” đó gặp được những người cha người mẹ đỡ đầu có tiềm lực. Họ là những nhà đầu tư, nhà sản xuất văn minh và hiểu được công việc của mình, khi đó tôi sẽ không làm họ thất vọng.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện này !

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước