Phỏng vấn ngược - MC Thu Trang

Đỗ Đức-Thứ hai, ngày 06/02/2012 00:00 GMT+7

Nếu chỉ xem Thu Trang trên sóng truyền hình thì khán giả khó có thể hình dung được về cô gái trẻ trung, năng động, tràn đầy nhiệt huyết và không bao giờ vắng mặt trong các công tác tập thể này.

Là một trong những thành viên tham gia trong đợt kỉ niệm 15 năm VTV3, chị tiết lộ một chút thông tin được không ?

Đợt kỉ niệm 15 năm VTV3 lần này sẽ có rất nhiều điều bất ngờ, có nhiều gương mặt đứng sau hậu trường lần đầu tiên xuất hiện. Các MC của VTV3 sẽ mang đến một tiết mục đặc biệt, bên cạnh đo các phòng sản xuất sẽ cùng trổ tài làm video clip và tham gia thi VTV3 Got Talent, tôi chỉ tiết lộ được đến thế thôi nhé.

Chị luôn là thành viên sôi nổi nhất trong các công tác tập thể, tại sao vậy ?

Công việc truyền hình như tôi đang làm là mang lại cho khán giả các sân chơi, vậy tại sao khi có sân chơi dành cho mình thì mình lại không tham gia? Tôi rất thích các hoạt động tập thể và thường xuyên rủ mọi người trong ban tham gia cùng. Mình còn trẻ, thích thử nghiệm cũng như có điều kiện để thể hiện mình thì tôi chẳng bao giờ để lỡ mình trong các phong trào chung đâu.

Sôi nổi là vậy nhưng khi dẫn chương trình cho người cao tuổi chị thấy thế nào?

Lúc đầu tiên tôi thấy rất khó, vì đối tượng chơi của Vui khỏe có ích (VKCI) là các bác lớn tuổi, không giống các chương trình khác. Sự chênh lệch tuổi tác là cản trở đầu tiên, khó từ cách xưng hô, kiến thức, kinh nghiệm sống, rất sợ mình có sai sót gì với các bác. Sau một thời gian, bây giờ tôi không còn thấy khó nữa, áp lực đã trở thành động lực để tôi cố gắng tự tin và được mọi người trong ekip cũng như khán giả đánh giá khá tốt.

Bí quyết của chị là gì?

Việc là một thành viên của sân chơi VKCI đã trở thành thói quen và tôi chủ động tạo cảm giác gần gũi với các bác trong đội chơi như người trong gia đình. Tôi cũng tìm hiểu tâm lý của người cao tuổi, các bác rất thích tâm tình, kể chuyện. Khi làm MC sẽ không đặt mình ở vai trò điều khiển cuộc chơi mà mình là người cùng với các bác vui chơi thôi.

Ghi hình cho người cao tuổi hẳn là có nhiều chuyện đặc biệt?

Mỗi lần bước chân vào trường quay là tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bác trong đội chơi, các bác coi mình như con cháu trong nhà, hồ hởi hỏi thăm cháu có khỏe không, ở ngoài trẻ hơn khi lên hình v.v... Chính sự quan tâm gần gũi đó giúp mình có tâm lý thoái mái để bắt đầu mỗi chương trình.

Và hình như có bác còn làm thơ tặng chị nữa?

Rất nhiều là đằng khác, các bác khi tham gia thi VKCI đều là những cây văn nghệ của các câu lạc bộ người cao tuổi, họ rất yêu văn thơ, thích sáng tác những lời hay ý đẹp. Trong phần tự giới thiệu đầu chương trình, các bác rất hay làm thơ vừa để thay lời chào vừa để thể hiện tình cảm của mình tới chương trình và với tôi. Tôi thấy mình thật may mắn khi nhận được những sự quan tâm đặc biệt đấy, có lẽ cũng hiếm MC nào được tặng thơ nhiều như vậy.

Chị nghĩ gì khi được mời dẫn chương trình này?

Ban đầu quả thực tôi rất bất ngờ với lời mời này, xưa nay tính mình vốn vui vẻ trẻ trung và không thể nghĩ rằng mình hợp với chương trình. Tôi đã phải thốt lên rằng: "Em á ???" rồi tự nghĩ có điểm gì liên quan để tôi nhận được sự lựa chọn này nhỉ? Sau đó tôi đã hỏi ý kiến của các anh chị đi trước và các bạn đồng nghiệp thì đa số mọi người đều nói rằng không hợp vì không thể nghĩ tôi có thể điềm đạm, nhẹ nhàng, khéo léo để đưa đẩy chương trình. Nhưng có một người đã khăng khăng nói rằng tôi hợp với chương trình đó, sẽ làm được và làm tốt, đó là "Sếp" của chúng tôi - Nhà báo Lại Văn Sâm.

Liệu dẫn chương trình dành cho người cao tuổi có khiến MC như chị bị đóng khung không?

Tôi nhận lời dẫn chương trình VKCI không phải để tìm kiếm sự nổi tiếng cũng như khi bước chân vào Đài truyền hình tôi không xác định làm MC mà là làm biên tập, làm báo. Mọi thứ đến với tôi đều tình cờ và như có một cái duyên vậy. Quí vị khán giả cũng đừng nghĩ rằng VKCI dành cho người cao tuổi có nghĩa đây là một sân chơi già. Chương trình rất vui, hấp dẫn, sôi động và có sức hút riêng của nó và tôi biết vẫn có nhiều khán giả trẻ thích xem VKCI. Bên cạnh đó bạn có thể thấy tôi vẫn dẫn các chương trình trẻ trung khác nữa đấy chứ. Vậy thì tôi có bị đóng khung chỉ ở hình ảnh của Thu Trang MC của chương trình VKCI không?

Bạn đang nhắc đến Chúng tôi là chiến sĩ (CTLCS) đúng không?

Khi về VTV3 tôi làm biên tập viên và dẫn CTLCS trước cả VKCI, đó là một câu chuyện rất tình cờ giúp tôi từ biên tập trở thành MC.

Sự tình cờ đó thế nào?

Trong một chuyến công tác ghi hình CTLCS thì Hoàng Linh bất ngờ bị gặp vấn đề về sức khỏe và và phải về Hà Nội ngay để chữa trị. Nhóm sản xuất phải quyết định chọn một người để thay vị trí của Linh để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình. Khi đó tôi đã được chị Thanh Hường - Trưởng nhóm và là tổ chức sản xuất của CTLCS - đã đề cử và mọi người cũng nghĩ rằng tôi làm được. Tôi thực sự bị động và rất căng thẳng vì bạn dẫn mà tôi sắp đồng hành là một MC kỳ cựu, nổi tiếng - MC Lại Văn Sâm. Nhưng mọi việc đã suôn sẻ và không quá căng thẳng như tôi nghĩ bởi niềm tin của mọi người dành cho tôi đặc biệt là sự giúp đỡ và dìu dắt rất tận tình của "Chú Sâm".

Làm chương trình về các chiến sĩ hẳn có nhiều chuyện vui để kể nhỉ?

Tôi lại muốn kể một câu chuyện không vui, năm ngoái tôi đã bị lỡ chuyến đi công tác ở Trường Sa. Sát đến ngày lên đường tôi bị sốt phát ban, phải kiêng nước kiêng gió, đồng nghĩa với việc không được ra biển, nhất là còn phải lênh đênh trên tàu một quãng đường dài. Không phải ai cũng có cơ hội được ra Trường Sa nên tôi đã rất tiếc. Khi bố mẹ tôi gọi bác sĩ vì thấy tình trạng không ổn chút nào nhưng tôi vẫn liên tục nói rằng mình không làm sao hết, rất khỏe và đi được. Trong danh sách ra đảo vẫn để tên tôi, sát giờ nhổ neo mọi người còn điểm danh thấy vắng Thu Trang và có gọi điện về, lúc đấy tôi đã bật khóc rưng rức. Hi vọng một ngày không xa tôi lại có cơ hội được ra đảo.

Có vẻ như trong các MC trẻ của VTV3, chị bước hơi chậm và hơi im ắng?

Tôi làm truyền hình không với mục đích tìm kiếm sự nổi tiếng. Đêm 30 tết vừa rồi xem Táo quân tôi thấy rất thú vị với chi tiết của Táo Văn hóa Xã hội: “Em là ca sĩ nhưng khi hát em trông vào nhóm múa là chủ yếu”. MC cũng vậy, mình lên hình mà cứ lấp liếm trang hoàng bằng những thứ phục trang lấp lánh, gương mặt xinh đẹp hay những điều tương tự mà không quan tâm đến tích lũy vốn sống, học hỏi từ những người xung quanh thì MC đó cũng nhanh chóng bị lãng quên thôi. Tôi thích được gọi là Biên tập viên dẫn chương trình hơn. Nếu muốn đi nhanh và nổi tiếng thì đóng phim một tuần lên hình bốn năm ngày chứ đâu làm MC mỗi tuần lên hình có một lần!

Chắc cũng không nhiều người biết chị đã tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh?

Tôi từng thấy mình phù hợp để làm diễn viên nhưng khi thi vào trường tôi lại nộp 2 hồ sơ cho 2 ngành: Diễn viên và Lý luận phê bình. Cuối cùng lựa chọn của tôi là theo học ngành Lý luận phê bình sân khấu. Trong quá trình học tại trường Sân khấu điện ảnh tôi vẫn làm diễn viên đấy chứ, tôi đóng tiểu phẩm cho các chương trình của Đài truyền hình như Ở nhà chủ nhật này, Chìa khóa thành công này v.v... diễn xuất là một sở thích của tôi thôi. Ngày nhỏ khi xem tivi tôi thích các cô dẫn chương trình hơn là các cô diễn viên.

Vậy tại sao chị không chọn một trường sát với truyền hình hơn như là Báo chí chẳng hạn?

Ngành Lý luận phê bình tôi học chính là báo chí đấy chứ. Chuyên ngành tôi theo là Sân khấu, mà bạn biết rồi đấy: Sân khấu là nghệ thuật và truyền hình thì chẳng phải là nghệ thuật hay sao, ở đó có sự thử thách, trải nghiệm, sáng tạo và cả ngẫu hứng nữa. Tôi thấy rất may mắn vì mình yêu sân khấu và kết hợp được nhiều yếu tố vào công việc đang làm.

Bố chị là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, có phải tình yêu sân khấu xuất phát từ đó không?

Tôi sống trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ, bố mẹ đều là nghệ sĩ Xiếc. Sân khấu với tôi như một phần của cuộc sống vậy. Tôi cũng có nghĩ nhiều lắm, sao mình không chọn nghề xiếc của bố nhỉ? Lần đầu tiên tôi lên truyền hình là năm 7 tuổi biểu diễn ảo thuật với bố, bố dậy tôi rất nhiều tiết mục xiếc từ khi còn bé. Nhưng có lẽ tôi không đủ tố chất để trở thành diễn viên Xiếc (Cười). Tôi là một người may mắn, gia đình chẳng bao giờ ép buộc tôi phải theo hay không theo điều gì, bố mẹ luôn ủng hộ và cỗ vũ những đam mê của con cái.

Có khi nào chị cảm thấy tiếc không khi có cơ hội nhưng mình không lựa chọn: Với xiếc hay trở thành diễn viên chẳng hạn?

Tôi chẳng tiếc đâu. Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ ai cũng có nhiều đam mê, có nhiều điều yêu thích thậm chí trái ngược nhau, nhưng các bạn hãy đừng quá vội vàng trong mọi lĩnh vực. Người trẻ luôn ít kinh nghiệm và thiếu đủ thứ để thành công. Tôi đã từng gặp rất nhiều người, họ rất tài giỏi nhưng vội vàng và thất bại, lúc này suy nghĩ “thất bại là mẹ thành công” đã không đúng nữa, thất bại có thể lấy mất sự tự tin, nhiệt huyết và khiến họ không bước tiếp được. Hãy cứ thử sức nhưng chọn những lĩnh vực phù hợp với mình, nên biết rõ về khả năng của mình, bước từng bước chắc chắn và luôn có niền tin.

Chị có vẻ tỉnh táo quá nhỉ?

Vậy mà tôi lại thấy mình nghệ sĩ đấy chứ. Làm truyền hình nhất là đối với con gái rất vất vả và nhiều lúc tôi không muốn tỉnh. Nếu tỉnh táo có lẽ nhiều cô gái chọn công việc với 8 tiếng đều đặn mỗi ngày để có thời gian cho riêng mình, nếu tỉnh táo có thể chọn những công việc mang lại sự giàu có chẳng hạn. Tôi với truyền hình cứ như câu hát “Yêu nhau chỉ vì yêu nhau” ý, chẳng giải thích được và cũng không cố tìm câu trả lời. Tôi thích “mơ mơ tỉnh tỉnh” như vậy hơn.

Nếu hiểu “thời gian cho riêng mình” là khoảng thời gian mình được sống với đam mê và “sự giàu có” không chỉ là tiền bạc thì chị vẫn cứ tỉnh táo nhỉ?

Chắc là đúng như vậy đấy, công việc và đam mê bây giờ không tách ra rõ ràng được rồi. Một người thầy đã từng dạy tôi: Một người “giàu có” là một người có nhiều trải nghiệm, là người có được 3 điều sau: Đi được nhiều nơi, đọc được nhiều cuốn sách hay và gặp được nhiều người tốt, và tôi nghĩ rằng truyền hình sẽ cho mình được những trải nghiệm thú vị đó và tôi chọn nó. Từ khi làm truyền hình đến nay tôi thấy mình đã chọn đúng và “giàu” lên từng ngày.

Cảm ơn chị về buổi trò chuyện này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước