Phỏng vấn ngược Nhà báo Chu Minh Vũ

Ninh Quang Trường, Ảnh: Nhân vật cung cấp-Chủ nhật, ngày 06/03/2011 08:00 GMT+7

Là nhà báo chuyên viết về mảng Văn hóa nhưng anh lại xuất hiện trên tivi đôi khi còn nhiều hơn cả nghệ sĩ. Là khách của truyền hình nhưng anh lại theo dõi rất kĩ các chương trình của nhà Đài. Là bạn thân của nhiều MC, Biên tập viên nên anh biết khá nhiều chuyện hậu trường thú vị và sẵn sàng chia sẻ. Phóng viên của vtv.vn đã chọn anh làm nhân vật của "Phỏng vấn ngược" kì này, một "người ngoài" của truyền hình nhưng sẽ nói rất nhiều về truyền hình.

Bây giờ còn nhiều người nhắc đến anh là Chu Minh Vũ của báo Hoa Học Trò nữa không?

Mọi người vẫn nhắc đến đấy, nhiều người thường xuyên hỏi sao báo Hoa Học Trò bây giờ không còn như xưa, tôi chỉ biết trả lời rằng vì bạn đã lớn mà tờ báo thì không được quyền lớn theo, mãi mãi là tuổi 15, 16 thôi. Tôi cũng vậy, không thể mãi 15, 16 được mà phải trưởng thành nên tôi rất sợ ai nhắc đến tên mình kèm theo Hoa Họa Trò, tôi chỉ muốn họ nhớ tên tôi thôi.

Ngay sau khi rời Hoa Học Trò, anh đã cộng tác với báo Thanh Niên ?

Thì đúng như tư duy mà, hết “Học Trò” là lên đến “Thanh Niên” thôi, sau đó tôi có cộng tác với Ban Văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam nữa.

Khi cộng tác với Ban Văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam, anh là tác giả kịch bản và biên tập chương trình “Con đường âm nhạc” ?

Đó là chương trình mang tính cá nhân của tôi khá nhiều, bản thân mình là người yêu âm nhạc, thích truyền hình lại hoạt động trong nghề báo nên mình có thai nghén một chương trình về chân dung nhạc sĩ. Đầu tiên mình phải nghĩ khác đi, người nghe nhạc phải thấy hay, sau đó họ thấy lạ. Đó không chỉ là một chương trình ca nhạc trên truyền hình, nó cần nhiều hơn thế: Sự biến ảo, lớp lang, mắt xích, sự bất ngờ v.v. Sau 5 chương trình đầu tiên thì tôi dừng lại, khá tiếc vì cái duyên với “Con đường âm nhạc” ngắn vậy thôi, còn rất nhiều tác giả mình thích và trăn trở. Hiện nay thì chương trình đã đi theo một hướng khác rồi.

Hiện nay thấy anh xuất hiện khá nhiều với các vai trò khác nhau trên truyền hình, đặc biệt là VTV6 ?

Trước hết những người làm ở VTV6 là những người bạn của tôi, họ cùng thế hệ với tôi. Ngoài ra những gì tôi từng trải qua ở báo Hoa Học Trò cũng rất giống những gì VTV6 đang cập nhật, mình đã từng qua giai đoạn đấy rồi, cũng đủ kinh nghiệm để nhìn nhận về thanh thiếu niên hiện nay. Gia đình tôi cũng có những đứa em đứa cháu đang tuổi thanh thiếu niên và bố mẹ chúng không nói chuyện được với chúng nhưng mình thì làm được, chúng rất nghe lời. Mình có những kinh nghiệm nho nhỏ vậy thì sao lại không chia sẻ, với cả lên hình cũng thú vị đấy chứ.

Điều gì khiến anh “thú vị” như vậy ?

Ví dụ như năm vừa qua tôi làm giám khảo cho phần hùng biện của chương trình “Kết nối trẻ”. Thế hệ học sinh bây giờ rất khác thế hệ trước, các bạn ý văn minh hơn, hiện đại hơn, tự tin hơn, có khả năng diễn đạt trước đám đông và quan trọng nhất là bày tỏ quan điểm của mình. Tôi rất ủng hộ việc các bạn trẻ nói lên quan điểm của mình, các bạn không cần nói theo các điều rập khuân mà chúng ta nghe hàng ngày, cứ nói ý kiến của bạn cho dù nó khác và sau đó là phản biện. Tôi thường loại những bạn tư duy cũ và bị các bạn gọi là “Giám khảo ác”.

Thế mỗi lần lên hình anh có sợ điều gì không ?

Tôi chẳng sợ gì đâu, tôi qua thời điểm lên hình sợ bị xấu rồi. Lên hình quan trọng nhất là điều mình nói chứ không phải thứ mình trình diễn. Tháng trước tôi có được mời bình luận trực tiếp lễ trao giải Grammy. Khi được mời lúc đó tôi vẫn đang đi chơi, 8h sáng lên sóng mà tối hôm trước mình còn ở Sapa, 3h sáng mới có kịch bản gửi về. Không mua được vé tàu nên tôi bắt xe khách về Hà Nội lúc 4h và thức luôn đến sáng để chuẩn bị. Khán giả xem truyền hình để ý sẽ thấy mặt tôi khi đó sưng húp do không ngủ. Biết là vậy nhưng không thể không chuẩn bị được, đó là chương trình toàn nghệ sĩ tên tuổi, bảng đề cử rất dài với bao nhiêu phong cách âm nhạc mà hiểu biết của mình thì rất hữu hạn, rất nhiều bài mình chưa nghe nên cả sáng hôm đó tôi phải đeo tai để nghe chúng. Thỉnh thoảng được làm khách mời những chương trình đặc biệt như vậy rất thích.

Dẫn chương trình cùng nhà báo Mỹ Linh trong chương trình “Văn hóa Sự kiện và Nhân vật” dịp tết cũng là một dịp đặc biệt như vậy chứ ?

Lần đó rất vinh dự cho tôi, giữa bao nhiêu người cùng làm báo mà mình lại được chọn. Dịp đó tôi và chị Mỹ Linh cùng phỏng vấn các nhân vật tiêu biểu cho văn hóa của cả một năm, toàn những tên tuổi lớn đang hoạt động như Thành Lộc, Đỗ Bảo, Tùng Dương v.v. Mình rất thích và phải chuẩn bị khá kĩ, khi nói chuyện không thể ở vai trò đứng ngoài nhìn vào được, hoặc cũng không thể chỉ hỏi han mấy câu nhạt nhẽo được.

Anh thông minh như vậy, sắc sảo như vậy, thích truyền hình và cũng thích lên hình vậy thì sao anh không nghĩ đến việc dẫn một chương trình nào đó ?

Cách đây lâu lắm rồi, hồi chị Tạ Bích Loan còn phụ trách chương trình Đường lên đỉnh Olympia, tôi và các bạn báo Hoa Học Trò cũng được rủ để ghi hình thử làm MC nhưng chẳng ai được chọn cả. Như người ta vẫn nói “Thiên thời địa lợi” ý, khi mình trẻ thì mình không đủ kiến thức, không đủ độ đằm, sự bình tĩnh. Bây giờ nếu được làm thì tôi thích những chương trình như “Văn hóa Sự kiện và Nhân vật” mà chị Mỹ Linh đang làm, lĩnh vực đó mình đủ tự tin vì đã có quá trình làm báo và theo dõi lâu dài. Có lần chị Linh đã gọi tôi đi quay thử để làm MC theo format mới dẫn hai người nhưng chẳng thấy hồi âm gì cả, thỉnh thoảng tôi vẫn nhắn tin kêu chị toàn "hứa lèo" thôi.

Trở lại với vai trò nhà báo viết về mảng văn hóa, dạo gần đây anh quan tâm đến chương trình truyền hình nào không ?

Tôi quan tâm đến các chương trình mua bản quyền của nước ngoài dạo gần đây xuất hiện khá nhiều, viết về văn hóa tôi càng phải xem bản gốc để đánh giá được chất lượng Việt hóa như thế nào. Nhà tôi có 3, 4 cái ổ cứng chứa hầu như tất cả các chương trình nổi tiếng như America's Next Top Model, American Idol tất cả các mùa v.v, xem để biết vì sao họ làm hay, hấp dẫn khán giả mà khi mình làm thì chưa được như vậy, đó cũng là một cách học hỏi. Ví dụ mọi người nói ca nhạc Việt Nam hiện nay bắt chước Hàn Quốc nhưng nếu mình không xem bản gốc thì đâu có thể đánh giá được ai bắt chước hay không chứ. Bây giờ độc giả cũng xem rất nhiều, mình càng phải xem nhiều hơn độc giả, xem một cách chủ động.

Anh có nhắc đến các cuộc thi, vậy anh thấy các cuộc thi ca nhạc trên sóng truyền hình hiện nay thế nào ?

Những cuộc thi ca nhạc trên sóng truyền hình - đó là những cuộc đãi cát tìm vàng, những mùa đánh cá có mùa được mùa không. Các cuộc thi ca nhạc vẫn rất nhiều chi tiết thừa và rườm rà, tôi không hiểu được sao một chương trình thi hát mà cần tới những hai MC chẳng hạn, các cuộc thi cũng dần lộ ra những nhược điểm cần cân nhắc thay đổi. Vẫn là câu chuyện “bình mới rượu cũ” thôi, nếu vẫn cái bình cũ mà anh thay rượu thường xuyên thì cũng đâu vấn đề gì mà nếu đã thay được rượu rồi thì cũng nên cố thay cái bình mới cho đẹp đẹp một chút chứ.

Thế các cuộc thi ca nhạc trên truyền hình hiện nay, anh thấy đã đủ nhiều chưa ?

Chưa, vẫn cần nhiều nữa các cuộc thi như vậy. Nếu bạn ở cương vị người khao khát đi tìm một vị trí, một cơ hội thì những cuộc thi đó rất cần. Nếu không có các cuộc thi thì khá nhiều người không biết cách nào bước được vào con đường nghệ thuật. Họ thua ở cuộc thi này thì sẽ vươn lên ở cuộc thi khác như Uyên Linh đã từng thất bại và hai năm sau trở thành hiện tượng đấy thôi. Còn với khán giả truyền hình, cuộc thi nào hấp dẫn thì họ sẽ theo dõi. Mọi người cứ nói sao mà nhiều cuộc thi thế, nhưng mà sau mỗi mùa lại có bao nhiêu gương mặt mới đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, báo chí lại được một loạt đề tài đấy thôi. Theo tôi vẫn cứ cần nhiều nữa.

Vậy còn các chương trình ca nhạc khác trên sóng truyền hình anh thấy sao ?

Tôi thấy ca sĩ hát lip nhiều quá, nghe biết ngay mà. Đây là lỗi của cả ca sĩ và của cả truyền hình nữa. Tôi cho rằng quan điểm của ca sĩ Phương Thanh và Đan Trường là đúng, đó là mình không đổ lỗi cho kĩ thuật, dở hay không dở đó là lỗi khách quan, người ca sĩ cứ làm tốt nhiệm vụ của mình đi đã. Nếu bây giờ ca sĩ cứ hát lip và đổ cho kĩ thuật không đảm bảo, rồi truyền hình nghĩ ca sĩ hát lip rồi nên cũng không chú ý đến nâng cấp kĩ thuật âm thanh thì cả hai cùng kéo nhau xuống sao ?

Khi xem truyền hình, anh có “sợ” điều gì không ?

Tôi rất sợ những cái logo treo đầy trên sân khấu, những chương trình truyền hình trực tiếp gắn kèm nhãn hiệu nào đó, phần nhiều đó là những chương trình tính giải trí không nhiều và cũng chẳng có mấy thông điệp gửi tới khán giả truyền hình.

Vậy còn điều gì anh chờ mà đến giờ vẫn chưa thấy xuất hiện ?

Tôi chờ một sân chơi cho sự sáng tạo, có giai đoạn truyền hình đã mang đến “VTV Bài hát tôi yêu” đó, người làm nghề có nơi thể hiện và khi đi qua nó để lại được những thành quả. Có người được giải hay không được giải nhưng người xem là người có lãi nhất, hàng trăm bài hát rất hay, hàng trăm video clip rất đẹp. Điều đấy bây giờ cũng khó vì sự quan tâm của khán giả hiện nay cũng loãng đi rất nhiều. "Bài Hát Việt" cũng vậy, nếu không có những chương trình như thế thì các nhạc sĩ trẻ cũng rất khó có cơ hội tiếp thị được tác phẩm của mình. Sau các mùa tranh giải, mặc dù có nhiều ý kiến nhưng khán giả cũng biết được thêm nhiều bài hát hay đấy chứ.

Là phóng viên Văn hóa, vậy thói quen xem truyền hình của anh như thế nào ?

Tôi có thói quen xem thời sự 19h hàng ngày, đó là một trong những điều bắt buộc trong thời gian biểu của tôi. Thời gian đó cũng thảnh thơi vì có thể vừa xem vừa ăn cơm tối. Tôi rất thích các chương trình do Ban thời sự làm.

Lí do nào khiến anh thích vậy ?

Những bản tin, những phóng sự ngắn rất cập nhật khiến mình không bị lạc ra khỏi xã hội. Tôi có một nhịp sống khá cố định và có lẽ cũng hơi già: Sáng đọc báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ còn buổi tối xem Thời sự. Hiện nay cũng có nhiều nguồn tin đa chiều nên chọn được cho riêng mình những nguồn tin phù hợp cũng là điều thích thú. Ngoài ra các MC Ban Thời sự cả nam cả nữ đều rất ăn hình, trẻ trung, tươi mới và thông minh, chính các bạn ý làm cho chương trình hay hơn rất nhiều.

Ngoài Thời sự 19h, anh còn thích chương trình nào nữa không ?

Tôi còn rất thích chương trình 360 độ Thể thao nữa, rất thích văn phong của các bạn ý, rất dí dỏm. Nếu là một người yêu thể thao, thích theo dõi tin tức, vui vẻ và biết đùa thì sẽ thích chương trình đó. Có giai đoạn chương trình chiếu ổn định vào lúc 11h tối, quãng thời gian đó hợp để mình tĩnh lại sau một ngày.

Anh có nhiều bạn bên Truyền hình chứ ?

Có nhiều chứ, bắt đầu là công việc sau đó là bạn bè, công việc của tôi cũng là làm báo nên liên quan nhiều đến truyền hình. Giai đoạn VTV3 ra đời, có một thế hệ các anh chị trạc tuổi tôi, nhìn họ xây dựng kênh mới, nhiệt huyết của mọi người rất giống với khi mình đến với nghề báo. Mười mấy năm trong nghề đến giờ những mối quan hệ đồng nghiêp đó rất thú vị. Mặc dù ít gặp nhau nhưng nếu có dịp ngồi lại sẽ có rất nhiều chuyện để kể: Chị Tạ Bích Loan này, chị Diễm Quỳnh, Anh Tuấn hay có người lâu lắm không gặp như chị Đỗ Hồng Cư. Tôi thích được làm việc cùng các phóng viên, biên tập viên giỏi của Đài truyền hình, cái duyên từ truyền hình đối với tôi rất nhiều.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện này.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước