PV Hương Linh: Chuyện kể từ Triều Tiên

Thao Giang (Thực hiện)-Thứ sáu, ngày 11/05/2012 06:00 GMT+7

Lần đầu tiên phóng viên Thời sự VTV có cơ hội đến đất nước Triều Tiên đưa tin nhân sự kiện kỉ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Câu chuyện hậu trường chuyến tác nghiệp đặc biệt này được phóng viên Hương Linh chia sẻ.

Pháo hoa trên quảng trường Kim Nhật Thành trong dịp lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và PV Linh Hương tại Bình Nhưỡng

Trước khi lên đường đến một đất nước được coi là khép kín nhất thế giới chị có lo lắng không?
Tôi không lo lắng vì CHDC Triều Tiên và Việt Nam vẫn giữ được mối quan hệ hữu nghị gần gũi. Tôi thấy phấn chấn vì sẽ được khám một đất nước mà mình có ít thông tin, nhất là khi chúng tôi được biết, sẽ có sự tháp tùng của các quan chức Triều Tiên trong quá trình tác nghiệp của phóng viên. Đặc biệt, ở Triều Tiên, phóng viên không thể tự do đi lại, tìm hiểu thông tin và phỏng vấn nếu không có sự tháp tùng của quan chức sở tại.
Khán giả Việt Nam đã được cập nhật những hình ảnh về lễ kỉ niệm, về sự kiện phóng vệ tinh qua những phóng sự, bài phân tích dước góc nhìn của chính phóng viên VTV gửi về từ Triều Tiên. Việc đồng hành cùng phóng viên đến từ nhiều hang truyền hình lớn trên thế giới có gây cho chị sức ép gì không?
Lần này, phía Triều Tiên đã chủ động mời nhiều phóng viên quốc tế tới sự quan sát vụ phóng vệ tinh và các sự kiện lớn của họ. Hầu như mọi hãng thông tấn lớn đều có mặt, như BBC, Reuters (Anh), CNN, ABC, rồi CNBC, AP, của Mỹ, AFP (Pháp)… Tôi cũng không thấy sức ép gì cả, đây là cơ hội tốt để học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp.
Một điều thú vị là với những đoàn ít người như của VTV (chỉ có tôi và quay phim Chí Hiếu) thì chúng tôi có thể kết hợp với các bạn khác, phân công nhau để có nhiều cảnh quay, góc máy khác nhau. Trong môi trường tác nghiệp đông đúc và nhiều sức ép về thời gian buộc chúng tôi phải thật nhanh, nếu không sẽ không thể tiếp cận được hiện trường.
Vậy khó khăn lớn nhất của nhóm phóng viên VTV là gì?
Đó chính là việc liên lạc với cơ quan và gửi tin bài về nhà. Hạ tầng viễn thông của Triều Tiên chưa phát triển. Người nước ngoài vào Triều Tiên không được mang theo các thiết bị viễn thông như điện thoại di động… Khách sạn không có internet, người nước ngoài cũng không được sử dụng internet. Chúng tôi phải đề nghị Bộ Bưu chính viễn thông Triều Tiên cung cấp riêng đường internet, với mức phí rất cao và đường truyền chậm. Sức ép làm sao truyền tin bài về sao cho kịp giờ phát sóng.
Hơn nữa, phía Triều Tiên không cung cấp cho báo chí lịch trình cụ thể của các sự kiện. Chỉ khi lên ô tô, chúng tôi mới được thông báo là sẽ đi đâu, được tiếp cận với những ai. Vì bị động nên khi kết thúc sự kiện, các khâu viết lời bình, dựng hình càng phải nhanh để có phóng sự kịp thời gửi về.

‘ PV nước ngoài tác nghiệp tại Triều Tiên (Ảnh: VTV)

Xem phóng sự thấy người dân Bình Nhưỡng rất thân thiện khi trả lời phỏng vấn của Hương Linh?
Người dân Triều Tiên khi đã đồng ý trả lời phỏng vấn, họ rất gần gũi. Mọi người rất thích thú với truyền thông. Khi đoàn chúng tôi đi qua, hướng những ống kính máy quay ra ngoài từ cửa sổ ô tô, họ đều vẫy chào thân thiện.
Điều chị ấn tượng nhất về chuyến tác nghiệp này là gì?
Đó là một trải nghiệm khó quên, bởi cơ hội vào Triều Tiên không phải lúc nào cũng rộng mở, thậm chí có thể nói là khó khăn. Tôi cảm thấy mình may mắn vì đã được lãnh đạo Đài trao cho một cơ hội như vậy. Việc được đi, được tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở Triều Tiên, có cảm nhận của riêng mình và kể lại cho khán giả là một điều rất thú vị.
Chị có thể chia sẻ một số cảm nhận chung về con người và đất nước Triều Tiên?
Đó là một đất nước rất trật tự, quy củ, người dân có niềm tin lớn vào lãnh đạo và họ thể hiện điều đó ra một cách tự nhiên, đầy cảm động, khiến người nước ngoài rất bất ngờ. Chúng tôi đã thấy những giọt nước mắt trong các buổi lễ lớn và tin đó là cảm xúc thực sự.
Sự tổ chức quy mô và đầy chuyên nghiệp của Triều Tiên trong các sự kiện lớn có sự tham dự của hàng trăm nghìn người khiến chúng tôi thán phục. Tất cả đâu vào đấy như một cỗ máy được vận hành chính xác. Kết thúc bất cứ sự việc nào, từng đoàn người đổ ra các tuyến phố trong trật tự, không chen lấn xô đẩy hay tắc nghẽn gì.
Khán giả có thể đã xem những phóng sự chúng tôi thực hiện về các sự kiện lớn của Triều Tiên. Màn pháo hoa vào tối 15/4 kỉ niệm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành kéo dài hơn một giờ đồng hồ, tiêu tốn hành chục triệu USD rất ấn tượng, có chủ đề, ý tưởng rõ ràng, hay màn đồng diễn tập thể hôm 16/4 là những sự kiện thu hút hành trăm ngàn người tham dự. Đó là sự đầu tư lớn, nghiêm túc và công phu cả về con người lẫn tiền của.
Bình Nhưỡng là một thành phố đẹp, được tổ chức và quy hoạch rất tốt. Hệ thống giao thông công cộng cũ kĩ nhưng rất tiện lợi cho cuộc sống người dân. Ở Triều Tiên vẫn còn nền kinh tế tập trung, bao cấp. Nhà nước cung cấp mọi thứ, từ thực phẩm, quần áo, đến y tế, giáo dục và nhà cửa. Do sự bao vây cấm vận của nhiều nước phương Tây nên nền kinh tế của Triều Tiên cũng gặp khó khăn, các nhu yếu phẩm không dồi dào. Người dân ít được tiếp cận với các thông tin bên ngoài. Sách báo, tranh ảnh chủ yêu cổ động cho các chính sách của Đảng lao động Triều Tiên và cổ động cho chính sách của Chủ tịch Kim Nhật Thành, Kim Châng II.
Điều tôi nhận thấy là sự lạc quan của người dân Bình Nhưỡng. Cuộc sống ở đây bình thường chứ không hối hả, vội vã, đông đúc như nhiều thành phố khác ở Châu Á. Họ sống khá đơn giản, cần mẫn. Trong đợt này, Bình Nhưỡng đón khá đông khách quốc tế. Hầu hết họ đến từ các nước Châu Âu và Mỹ. Tôi nghĩ, sự khác biệt ở Triều Tiên so với các nước trên thế giới là điều tò mò, thôi thúc khách quốc tế muốn đến tìm hiều về đất nước này.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước