Theo bước chân thần tốc - Hành trình tìm lại thông điệp từ quá khứ

Yến Trang-Thứ bảy, ngày 10/05/2014 06:47 GMT+7

Nhà báo Hoàng Long, tác giả kịch bản Theo dước chân thần tốc đã chia sẻ với VTV online nhiều điều thú vị khi anh cùng ê kíp thực hiện chương trình giao lưu đặc biệt này.

Việc khơi gợi lại quá khứ đòi hỏi rất nhiều thận trọng để tránh tình trạng thiếu khách quan, thậm chí không công bằng với lịch sử. Quá trình thực hiện Theo bước chân thần tốc, các anh có gặp phải những vấn đề tương tự không?

Là tác giả kịch bản, ngay từ đầu tôi xác định, làm chương trình liên quan đến lịch sử cái khó nhất là thông tin sự kiện phải chính xác, đúng người, đúng việc, đúng thời điểm.Vì vậy, tôi và đạo diễn Lô Thắng đã đi rất nhiều, gặp gỡ hàng chục nhân chứng và thực hiện hàng trăm cuộc điện thoại.

Với nguồn tư liệu tìm được, chúng tôi đều mang đến gặp từng nhân vật để kiểm tra. Một khó khăn nữa là làm sao xác định được tính chính xác của thông tin bởi khi tuổi đã cao, sức đã yếu và sự việc đã trôi qua gần 40 năm, chính các nhân chứng cũng khó tránh khỏi nhầm lẫn.

Tôi và đạo diễn Lô Thắng phải lần tìm qua rất nhiều đầu mối với những câu hỏi được lặp đi lặp lại: Hình ảnh này do ai quay? Quay trong thời điểm nào?

Ví dụ, để xác định nhà quay phim Hồ Thanh Xuân có thực sự là tác giả của những thước phim về Anh hùng LLVT Nguyễn Thành Trung tại sân bay dã chiến khu căn cứ sau khi dùng máy bay ngụy để ném bom Dinh Độc Lập hay không, chúng tôi đã phải kiểm tra qua nhiều nhà quay phim quân đội có mặt tại thời điểm đó.

Để chắc chắn hơn, chúng tôi đã gọi cho ông Nguyễn Thành Trung để hỏi cụ thể, đồng thời kết nối để hai ông nói chuyện với nhau qua điện thoại sau 39 năm không gặp lại.

‘ Trong quá trình thu thập tư liệu, câu chuyện của nhân vật nào khiến anh ấn tượng nhất?

Có thể nói, mỗi nhân vật mà chúng tôi mời tham gia chương trình đều có những câu chuyện mang tính khác biệt.

Ấn tượng nhất có lẽ là chia sẻ của nhà quay phim Nguyễn Thành Thái - Xưởng phim Quân đội. Ông là người đầu tiên và duy nhất được cùng lực lượng Hải quân ra Trường Sa quay cảnh quân đội ta bảo vệ chủ quyền biển đảo sau ngày giải phóng 30/4/1975.

Mấy chục năm ở trong rừng, đó là lần đầu tiên ông được ra biển. Ông đã quay rất nhiều, trong những hình ảnh ghi lại có một chi tiết rất đắt liên quan đến cột mốc trên đảo Sinh Tồn. Khi về, ông đã làm một phóng sự tài liệu về Trường Sa rất độc đáo.

Khi tiếp xúc và xem lại những thước phim tư liệu quý, anh có phát hiện được điều gì đặc biệt không?

40 năm sau, khi xem lại những thước phim lịch sử đó, chúng ta đều có thể hình dung được sự ác liệt của chiến tranh, sự dũng cảm của các đoàn quân, trong đó có đội ngũ những nhà làm phim. Trong hành trình theo các đoàn quân giải phóng, họ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình thật vinh quang.

Cho đến thời điểm này, nhiều phim tài liệu của nước ngoài vẫn sử dụng đi, sử dụng lại những hình ảnh của các nhà quay phim Việt Nam, bởi nó chính là thời khắc lịch sử.

Trong chương trình có đề cập đến sự kiện nhóm phóng viên Truyền hình Việt Nam (THVN) vào tiếp quản đài TH Ngụy. Qua câu chuyện với các bậc tiền bối, anh có thể cho khán giả biết rõ hơn về vai trò cũng như đóng góp của THVN trong những ngày đầu giải phóng?

Vào đến Sài Gòn chiều 30/4/1975, đoàn tiếp quản của THVN đã tiếp cận và bắt tay ngay vào công việc. Kiểm tra lại hệ thống thiết bị thấy vẫn còn nguyên, đồng chí Huỳnh Văn Tiểng - Trưởng đoàn đã phân công công việc cho từng người, đồng thời lên phương án phát sóng vào tối ngày 1/5/1975.

Việc đầu tiên là cử người liên hệ với một số cán bộ, phóng viên, kĩ thuật viên của Đài Truyền hình Sài Gòn (chế độ Việt Nam Cộng hòa) và kêu gọi họ hợp tác.

Do có chuẩn bị rất kĩ từ trước cùng với sự mềm mỏng thuyết phục, đoàn THVN đã phát sóng thành công chương trình truyền hình giải phóng đầu tiên.

Chương trình không chỉ khẳng định sự thành công trên mặt trận chiến đấu mà còn đập tan mọi hi vọng của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước, các tàn quân còn sót lại tại một số địa phương ở miền Tây và Đông Nam bộ. Điều này đã giảm bớt rất nhiều sự đổ vỡ cũng như xương máu của cả hai phía, vì đôi chỗ chiến sự vẫn chưa thực sự kết thúc.

Mặt khác, việc phát sóng thành công chương trình truyền hình cách mạng giải phóng ngay tối ngày 1/5/1975 còn cho những người sống và làm việc trong chế độ cũ và cộng đồng quốc tế thấy được tinh thần hòa giải dân tộc, thống nhất Nam - Bắc một nhà của Chính quyền cách mạng.

‘ Với thời lượng 90 phút, Theo bước chân thần tốc

khó có thể nói hết những đóng góp và hi sinh của đội ngũ phóng viên chiến trường. Vậy, có điều gì anh muốn gửi gắm sau chương trình này không...?

90 phút so với hàng vạn thước phim về chiến thắng 30/4/1975 quả thật chỉ như muối bỏ bể. Vì vậy, chúng tôi chỉ đưa ra một số câu chuyện tiêu biểu nhất. Chúng tôi thành thật xin lỗi các nhà làm phim chưa được nhắc đến trong chương trình này.

Vì thời lượng không cho phép, chúng tôi chỉ có thể gửi lời cảm ơn chung trong các phóng sự và bảng chữ cuối chương trình. Trong thời gian không xa, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất các bộ phim tài liệu về đề tài này, sẽ tìm hiểu và tiếp cận đến các nhà làm phim khác.

Qua chương trình này, ê kíp thực hiện chương trình muốn thắp một nén nhang thơm cho các nhà làm phim - những người chép lịch sử dân tộc bằng hình ảnh đã hi sinh trong chiến trường hoặc đã mất. Họ đã để lại hàng vạn thước phim tư liệu vô giá cho các thế hệ sau này.

Chúng tôi hi vọng các cơ quan Nhà nước sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo quản nguồn tư liệu vô cùng quý giá này.

Xin cảm ơn anh!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước