Trần Hữu Kiên: Không vội đốt cháy giai đoạn

ML (thực hiện)-Thứ hai, ngày 03/06/2013 11:33 GMT+7

 Dù con đường nghệ thuật đã mở ra trước mắt nhưng quán quân cuộc thi Việt Nam’s Got Talent 2013 Trần Hữu Kiên cho biết, anh vẫn sẽ cẩn thận cân nhắc mỗi bước đi tiếp theo thay vì vội vàng đốt cháy giai đoạn.

Hơn một tháng kể từ ngày đăng quang Việt Nam’s Got Talent, cuộc sống của Kiên có nhiều thay đổi? Trở thành người nổi tiếng có gây nhiều phiền toái đối với Kiên?

Đúng là có một chút thay đổi, tôi được nhiều người biết đến hơn, nhận nhiều cuộc gọi điện và tin nhắn chúc mừng sau khi đăng quang, có cơ hội làm việc với báo chí, truyền thông nhiều hơn…. Tuy nhiên mọi công việc thường ngày của tôi vẫn diễn ra bình thường.

Tôi cũng không gặp chút phiền toái nào cả, bởi đơn giản tôi không nghĩ mình là người nổi tiếng. Sau cuộc thi, bạn bè, người quen và thậm chí cả người lạ gọi điện chúc mừng, nếu không bận việc thì tôi đều trả lời. Có thể nói, đây là một sự phiền toái dễ chịu (cười).

Nhìn lại quãng thời gian tham gia Việt Nam’s Got Talent, anh nhớ nhất điều gì?

Điều tôi nhớ nhất là những khó khăn trong quá trình tập luyện cho cuộc thi. Với một người không được học nhạc bài bản, để làm quen với một ca khúc mới, hát sao cho hay, cho tốt, đòi hỏi tôi phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Sự thực là tôi không biết một nốt nhạc nào, tôi chỉ hát theo bản năng của mình mà thôi. Trước khi đi thi, em trai út là Trần Hữu Tuấn (sinh viên năm 3 Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) cũng có hướng dẫn tôi đôi chút. May mắn là tôi được sự giúp đỡ của thầy Đào Nguyên Vũ (Học viện âm nhạc Quốc Gia), cô Triệu Yên (giảng viên Nhạc viện TP Hồ Chí Minh), nhạc sĩ Đức Trí và ban nhạc của chương trình nên đã khắc phục được yếu điểm của mình.

Thời gian đó, tôi làm việc ở Hà Nội, trong khi từ vòng bán kết lại thi ở Sài Gòn nên tôi phải xin nghỉ việc để có thể tập trung tốt hơn cho cuộc thi. Ngoài ra, thời tiết ở Sài Gòn rất nóng nực nên đã ảnh hưởng khá nhiều tới sức khỏe của tôi. Các món ăn ở đó không hợp khẩu vị nên tôi bị sụt mất 3 kí. Việc đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn cũng là một vấn đề, gây khó khăn về chi phí cho việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày, nhưng tôi đã vượt qua tất cả nhờ sự giúp đỡ tận tình của ban tổ chức chương trình cũng như của những người bạn đồng hành trong cuộc thi.

‘ Sở hữu chất vọng cao vút nhưng Trần Hữu Kiên lại không hề biết một nốt nhạc nào

Nhiều người nhận xét, anh sở hữu một giọng hát nam cao hiếm có. Nhạc sĩ Đức Trí thậm chí còn nói rằng, anh có thể hát tới nốt "đô thăng", nốt cao nhất mà diva Mỹ Linh có thể hát. Vì sao trước kia anh không theo đuổi con đường âm nhạc ngay từ đầu mà lại chọn nghề luật?

Trước nay tôi chưa bao giờ nghĩ mình sở hữu một giọng hát đặc biệt hay hiếm có gì cả. Âm nhạc với tôi như một món ăn tinh thần, là bạn đồng hành cùng tôi những lúc vui, buồn để lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Gia đình tôi có truyền thống rất đam mê ca hát, văn nghệ. Bố tôi chỉ là một người nông dân bình thường nhưng cũng biết chơi đàn bầu và sáo. Cũng như bố, tôi chỉ nghĩ âm nhạc giống như một "năng khiếu tay trái" chứ không có ý định làm một ca sĩ. Thời tôi còn đi học, gia đình rất khó khăn nên việc theo đuổi âm nhạc và trở thành ca sĩ là một điều hết sức xa xỉ.

Khi còn ở nhà, có lần xem truyền hình thấy hình ảnh của một luật sư nghiêm nghị, nghiêm túc mà lại rất oai phong, và tôi cũng biết nghề luật sư là một nghề rất danh giá, được nhiều người trong xã hội trân trọng, chính vì những điều đó mà tôi đã không có tư tưởng học nhạc mà đi theo nghề luật.

Những năm học đại học tại Hà Nội, đã bao giờ anh tận dụng “năng khiếu tay trái” để phụ giúp bố mẹ?

Gia đình tôi có 6 anh chị em (4 trai, 2 gái) thì có 4 người học đại học. Bố mẹ rất vất vả để lo cho anh em tôi học hành đến nơi đến chốn. Ngay khi còn nhỏ, chúng tôi đã ý thức là phải giúp đỡ bố mẹ. Từ khi học lớp 6, lớp 7 cứ vào dịp nghỉ hè, tôi lại theo bạn bè ra Hà Nội để bán kẹo, đi khoảng hơn 1 tháng lại về để kiếm tiền mua sách cho đỡ tốn tiền bố mẹ. Khi lên lớp 8, tôi theo bạn vào Sài Gòn bán báo, sách tử vi, đi đánh giầy… Lên cấp 3, tôi đi hát ở các quán cà phê nhỏ ở Sài Gòn vào mỗi dịp hè.

Vào đại học, tôi đi làm bồi bàn, đi hát cho các cơ quan, tổ chức khi họ mời; thổi sáo ở các quán bia để trang trải thêm chi phí học tập. Tôi sẽ không bao giờ quên được những ngày tháng gian khó trong cuộc đời, đó là hành trang để tôi bước tiếp, là động lực thúc đẩy tôi cố gắng nhiều hơn và phấn đấu vươn lên trong cuộc sống!

‘ Để có được vinh quang như ngày hôm nay, Trần Hữu Kiên từng trải qua quãng tuổi thơ nghèo khó

Được biết, anh sẽ dùng một phần giải thưởng 500 triệu đồng của mình để làm album, điều đó có nghĩa là anh sẽ chính thức gác lại nghề luật để gia nhập showbiz?

Đúng là tôi dự định trong tương lai sẽ thực hiện một album đánh dấu chặng đường đã qua. Để thực hiện được điều đó, tôi sẽ theo học một khóa kĩ thuật thanh nhạc một cách nghiêm túc. Vào lúc này đây, tôi chưa hề có ý định gác lại nghề luật sư. Mọi chuyện trong tương lai thế nào thì còn phải “tùy duyên”. Con đường nào có khả năng thành công, phù hợp với khả năng của mình hơn thì tôi sẽ lựa chọn. Mọi thứ vẫn đang ở phía trước, tôi không muốn đốt cháy giai đoạn hay quyết định quá vội vàng.

Anh có thể chia sẻ dự định trong thời gian sắp tới?

Tôi có rất nhiều dự định, và rất nhiều ý tưởng mới đã xuất hiện trong đầu tôi. Như đã nói, trước mắt tôi sẽ đi học thêm về thanh nhạc và có thể tiếp tục học để lấy bằng Thạc sĩ Luật.

Trần Hữu Kiên
- Sinh ngày: 17/04/1986
- Quê quán: Thôn 9 – Quảng Thái – Quảng Xương – Thanh Hóa
- Tốt ngiệp khoa Luật Quốc Tế - Đại học Luật Hà Nội
- Sở thích: ca hát, thổi sáo, chơi đàn bầu; xem các chương trình thể thao, phim hoạt hình, đọc truyện cổ tích và thích đọc sách lịch sử.
- Thần tượng âm nhạc: Luciano Pavarotti, NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước