Trường quay di động được thiết lập ở mọi nơi

Yến Trần-Chủ nhật, ngày 11/05/2014 13:00 GMT+7

Việc chuyến bay MH370 của Hàng không Malaysia bị mất tích đã trở thành một sự kiện truyền thông quốc tế lớn. Những chia sẻ của BTV Hữu Hưng - Trưởng Cơ quan thường trú Đài THVN tại ASEAN sẽ giúp độc giả có hình dung rõ hơn về bầu không khí tác nghiệp này.

Túc trực 24/24h tại các cuộc họp báo

Chưa đầy 24h sau khi máy bay MH370 chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn mất tích, nhóm phóng viên thường trú Đài THVN tại ASEAN (BTV Hữu Hưng - Trưởng đại diện, BTV Lê Dũng và Quay phim Mạnh Hà) đã có mặt tại Kuala Lumpur để bám sát theo dõi và đưa tin cập nhật về sự kiện.

Khách sạn Sama Sama, nằm sát ngay sân bay quốc tế Kuala Lumpur trở thành đại bản doanh của báo chí quốc tế, nơi đại diện Chính phủ và Hàng không Malaysia cập nhật tin tức về công cuộc tìm kiếm máy bay mất tích.

Từ bên ngoài, có thể thấy san sát các xe truyền hình vệ tinh của các đài truyền hình địa phương túc trực để truyền hình trực tiếp các buổi họp báo.

‘ Bên trong khách sạn, các phóng viên đổ về mỗi lúc một đông. Căn phòng bố trí cho phóng viên đã trở nên chật chội, khiến các phóng viên tràn ra hành lang

. Các trường quay di động được thiết lập ở mọi nơi có thể: bên ngoài khách sạn, trong phòng họp báo, ở hành lang… Các phóng viên truyền hình địa phương ăn nghỉ ngay tại đó và dường như cũng để giữ chỗ.

BTV Hữu Hưng cho biết: "Các PV VTV luôn phải có mặt sớm để giữ vị trí. Theo quan sát, có tới hơn 50 máy quay thường trực đặt tại đây.

Do vậy, quay phim của VTV cũng như quay phim của các đài khác đã phải tranh thủ đặt chân máy từ đêm hôm trước để giữ chỗ cho cuộc họp báo diễn ra vào sáng ngày hôm sau".

Bầu không khí tác nghiệp đầy tính cạnh tranh

Theo thông tin từ BTC, đến ngày 12/03 (tức 4 ngày sau khi máy bay mất tích), đã có hơn 250 phóng viên từ 58 cơ quan báo chí quốc tế và 36 cơ quan báo chí Malaysia đăng kí đưa tin tại khách sạn Sama.

Đông đảo nhất, ngoài báo chí Malaysia là báo chí Trung Quốc với số lượng hàng chục cơ quan báo chí truyền hình. Cũng dễ hiểu, bởi hơn một nửa hành khách trên chuyến bay bị mất tích là người Trung Quốc.

Các hãng truyền thông hàng đầu Mỹ cũng có mặt như: CNN, NBC, Washington Post. Theo như lí giải của ông Kyle Eppler, phóng viên quay phim lâu năm của NBC (Mỹ) thì một phần lí do là chiếc máy bay mất tích Boeing 777 được sản xuất tại Mỹ và được coi là loại máy bay rất an toàn.

Vì vậy, báo chí Mỹ cũng như người Mỹ rất muốn biết điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay này và cả số phận những người Mỹ đi trên chuyến bay.

Đại diện cho báo chí Việt Nam có mặt theo dõi sự kiện có: Thông tấn xã Việt Nam (Phân xã Kuala Lumpur), Truyền hình Việt Nam và Báo Tuổi trẻ (bay từ TPHCM qua). Ngoài ra, còn có báo chí của nhiều trong nước khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Nhật Bản…

Phóng viên khi đến với sự kiện đều nôn nóng muốn có được thông tin mới nhất và nhanh nhất gửi về cho khán giả.

Vì thế, trong những ngày đầu tiên, các phóng viên hào hứng săn lùng thông tin từ các cuộc họp báo được tổ chức 3 đến 4 lần trong ngày. Tuy nhiên, sau đó các cuộc họp báo giảm dần hay hủy bỏ do không có nhiều thông tin được cập nhật thêm.

5 ngày sau khi máy bay mất tích, đã xuất hiện các thông tin nhiễu loạn về các phát hiện. Sau mỗi lần họp báo, với thông tin được cung cấp, bí ẩn máy bay mất tích lại càng bí ẩn hơn.

Ông Chico Harlan, Trưởng đại diện văn phòng Đông Á của tờ Washington Post đã phải thốt lên rằng: "Sau 5 ngày, tôi vẫn không biết gì hơn ngoài thông tin mà ai cũng có thể dự đoán ngay từ đầu. Nếu không có diễn biến gì rõ ràng hơn, tôi sẽ rút về văn phòng tại Nhật Bản".

Công nghệ hội tụ và được khai thác tối đa

Trong không khí tác nghiệp hết sức sôi động, khán giả có thể thấy được công nghệ truyền tin, truyền hình di động được khai thác tối đa.

Xe màu vệ tinh được sử dụng cho các buổi phát hình họp báo trực tiếp, thiết bị cơ động hơn như LiveU, Streambox, chảo vệ tinh nhỏ tương tự như BGAN được các nhóm phóng viên cơ động sử dụng để dẫn trực tiếp từ hiện trường.

Một số kênh truyền hình lớn như CNN đã thuê hẳn một không gian riêng và đường truyền internet trong khách sạn làm trường quay. Các kênh của truyền hình Australia, hay truyền hình Malaysia luôn làm tường thuật trực tiếp ngay tại phòng họp báo.

Một số đài khác lấy luôn hành lang làm trường quay để dẫn trực tiếp các bản tin trong khi một vài kênh nước ngoài thiết lập vị trí bên ngoài khách sạn và dẫn bản tin từ đây. Có thể nói, đó là môi trường tác nghiệp sôi động, phong phú mà phóng viên có mặt ở đây có thể học hỏi và tham khảo được nhiều kinh nghiệm từ các đồng nghiệp.

Với nhóm phóng viên thường trú Đài THVN tại ASEAN, sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới về công nghệ. Đây là lần đầu tiên họ thực hiện phát trực tiếp qua thiết bị streambox tại hai địa điểm: Bên ngoài khách sạn Sama Sama và bên trong nhà ga sân bay quốc tế Kuala Lumpur.

Sau gần một tuần trực họp báo và đeo bám sự kiện từ 8h sáng đến 11h đêm mỗi ngày, nhóm phóng viên VTV quyết định rời khỏi Kuala Lumpur với nhận định: Sự bí ẩn sẽ tiếp tục kéo dài mà chưa thể có lời giải đáp.

Tuy nhiên, những trải nghiệm thực tế và việc thực hiện thành công truyền hình trực tiếp qua thiết bị streambox đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm. Nói như BTV Hữu Hưng: "Chúng tôi sẽ tác nghiệp hiệu quả hơn trong thời gian tới".

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước