17 năm khai thác quặng không phép

Liên Liên-Thứ ba, ngày 18/12/2012 21:53 GMT+7

Gần 18 triệu tấn quặng Apatit thu được từ 5 khai trường không phép là kết quả mà Sở TNMT Lào Cai vừa kiểm tra được ở Công ty TNHH một thành viên apatit thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam.

Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất khai thác quặng apatit từ trước tới nay. Điều đáng nói là đơn vị được Bộ Công thương giao toàn bộ việc quản lý, khai thác quặng apatit, lẽ ra phải là doanh nghiệp đi đầu trong việc chấp hành pháp luật, thì nay lại bị phát hiện khai thác không phép 17 năm qua. Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, do cơ chế độc quyền, hay sự quản lý lỏng lẻo của địa phương?.

17 năm nay, một trong 5 khai trường không phép của công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam vẫn khai thác apatit. Dường như hai từ “giấy phép” ở đây không mấy quan trọng, bởi ngay cả sự có mặt của nhóm phóng viên cũng không khiến những công nhân phải che giấu công việc hàng ngày của mình. 121ha là tổng số diện tích mà đơn vị đã khai thác không phép, một con số không nhỏ kéo dài suốt 17 năm qua. Và lý do mà lãnh đạo Sở TNMT Lào Cai đưa ra, đơn giản là do… lịch sử để lại.

Theo ông Mai Đình Định, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lào Cai: “Lý do lúc đầu giấy phép cấp quá lâu rồi, ngày xưa công nghệ không đủ tiên tiến như bây giờ cho nên không có tọa độ, ranh giới cắm mốc không rõ ràng. Thứ hai là, giấy phép cấp năm 1993, việc phối hợp với địa phương không được tốt nên chúng tôi rất khó khăn trong công tác quản lý, mặc dù nằm trên địa bàn thì trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên, nhưng nay hỏi đến ranh giới thế nào thì không thể chính xác được”.

Lần đầu tiên Cục Địa chất và khoáng sản phát hiện Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam khai thác 5 khai trường không phép là vào năm 2006. Hai lần kiểm tra tiếp theo, cũng là hành vi đó, mức xử phạt cho mỗi lần chỉ vài chục triệu đồng. Trong khi trữ lượng thu được từ những khai trường này trong suốt những năm qua lên đến gần 18 triệu tấn, tương đương gần 20.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục địa chất và khoáng sản, Bộ TNMT cho biết: “Năm 2010 đã thanh tra 1 lần, đã xử phạt và đã có những chế tài, tuy nhiên việc khắc phục những sai phạm đó họ làm chậm và mới đây, năm 2012 chúng tôi lại thanh tra kiểm tra, tôi cũng đang chuẩn bị ký tiếp tục những chế tài lần này sẽ xử mạnh hơn. Thậm chí nếu tái đi tái lại nhiều lần mà không khắc phục, chúng tôi sẽ yêu cầu họ dừng khai thác”.

Trở lại với Quyết định số 28 mà Bộ Công thương ban hành vào năm 2008. Quyết định này giao toàn bộ việc quản lý, khảo sát, quy hoạch sử dụng và khai thác quặng apatit tại tỉnh Lào Cai cho Tập đoàn hóa chất Việt Nam. Tập đoàn sẽ được liên kết, hợp tác với các DN khác có khả năng và nhu cầu. Như vậy, DN nào có nhu cầu thăm dò, khai thác sẽ phải qua cửa Tập đoàn Hóa chất.

Góp ý kiến cho Quyết định này khi nó còn là dự thảo, Bộ Tư pháp đã có văn bản cho rằng: "Không nên quy định trách nhiệm của Tập đoàn hóa chất Việt Nam, vì như vậy là thể hiện sự đối xử không bình đẳng của Nhà nước đối với các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực này". Tuy nhiên, ý kiến của Bộ Tư pháp khi đó đã không được Bộ Công thương tiếp thu, chỉnh sửa.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: “Tài sản quốc gia được giao cho một đơn vị làm thì tức là toàn quyền rồi. Trong các trường hợp này, có cạnh tranh thì vẫn tốt hơn, cạnh tranh vừa đảm bảo khai thác hiệu quả, thuế vì phải đấu thầu cũng tốt hơn và giám sát trên nền tảng cạnh tranh cũng dễ dàng hơn nhiều”.

Theo UBND tỉnh Lào Cai, năm 2009 mặc dù có doanh nghiệp được Chính phủ chấp thuận đầu tư, nhưng vì đơn vị này không thỏa thuận được với Tập đoàn hóa chất Việt nam, nên nhà máy xây xong buộc phải đắp chiếu. Cực chẳng đã, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản gửi Bộ TNMT, VPCP đề nghị xem xét và cấp giấy phép thăm dò cho đơn vị này. Và như vậy có thể hiểu, theo QĐ 28 của Bộ Công thương thì ngay UBND tỉnh Lào Cai và các bộ ngành lại phải chờ đợi sự cho phép của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

17 năm khai thác không phép, không khó để tìm ra câu trả lời cho việc vì sao đơn vị khai thác có thể vi phạm trong một thời gian dài như vậy, khi mà trong lúc đang bị kiểm tra và xử lý thì đơn vị vẫn tiếp tục vi phạm. Hệ lụy của 17 năm khai thác không phép là hàng loạt các vấn đề được đưa ra như: Thất thoát tài nguyên, vi phạm sử dụng đất, môi trường với số tiền thất thoát lên đến hang chục nghìn tỷ đồng, thế nhưng hình thức xử lý mà địa phương kiến nghị chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, trách nhiệm của đơn vị khai thác cũng như chính quyền địa phương thuộc về ai thì không được nhắc đến?

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước