30 quy định pháp luật tốt và chưa tốt: Tạo sức ép thay đổi

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 05/03/2017 14:57 GMT+7

VTV.vn - Cuộc bình chọn 30 quy định pháp luật tốt nhất, kém nhất sẽ góp phần cổ vũ những quy định tốt, đồng thời tạo sức ép sửa đổi những quy định bất hợp lý.

Sáng 28/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố 30 quy định pháp luật tốt nhất và 30 quy định pháp luật kém nhất theo bình chọn của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc ví von rằng cuộc bình chọn có thể được coi như giải Oscar cho các quy định pháp luật tốt và chưa tốt tại Việt Nam.

Báo Đầu tư: Chờ tác động từ 30 quy định tốt nhất – kém nhất

Những quy định có tên trong danh sách 30 quy định tốt nhất không có nhiều bất ngờ, vì khi được ban hành, những phản ứng tích cực từ cộng đồng kinh doanh đã rất rõ.

Ví dụ như việc bãi bỏ tội kinh doanh trái phép; Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ quy định về mức trần 15% cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hỗ trợ...

Tương tự, trong danh sách 30 quy định kém nhất, có những quy định bị dư luận phản ứng rất mạnh vì sự vô lý, không khả thi, Ví dụ như: Nước thải của chuồng lợn sau xử lý phải đảm bảo có thể uống được; quy định về bình chữa cháy trên ô tô; quy định đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ lương hay quy định thời gian làm thêm không quá 200 giờ/năm…

Tờ Tuổi trẻ: Công bố 30 quy định pháp luật kém

Hay như quy định về việc cấm đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân, nhằm tránh những trường hợp khi doanh nghiệp có vấn đề, sẽ thành: "Công ty Nguyễn Trãi phá sản", "Doanh nghiệp Nguyễn Du trốn thuế" hay "Công ty Lê Lợi lừa đảo"… được đánh giá là quy định "cường điệu hóa", lo quá đà của người xây dựng chính sách.

30 quy định pháp luật tốt và chưa tốt: Tạo sức ép thay đổi - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp phản ứng tích cực thế nào với cuộc bình chọn này. Thậm chí, có ý kiến cho rằng: chỉ nên thực hiện bình chọn quy định tồi nhất, còn quy định tốt thì không cần thiết, vì người làm chính sách là phải xây dựng những quy định tốt.

Báo Đại Đoàn Kết: Nỗ lực minh bạch môi trường kinh doanh

Có người cho rằng: Cuộc bình chọn là một cú "tấn công" vào thành trì các quy định pháp luật nhiều rối rắm, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hiện nay của Việt Nam.

Nhìn lại những quy định được giới kinh doanh đánh giá là tồi nhất này, mới thấm thía câu nói, chẳng ai làm khổ chúng ta bằng chính chúng ta làm khổ chúng ta.

Tờ Tiền Phong: Bình chọn những quy định tốt và tồi nhất: Có thể kiện cơ quan xây dựng văn bản sai

Một lãnh đạo DN khi nói về hàng loạt những quy định được nằm trong danh mục "quy định tồi" đã thẳng thắn đưa ra nhận định rằng: Chúng tôi thấy có cảm giác, công chức gác chân gầm bàn xây dựng văn bản luật, và xuất hiện cả lợi ích nhóm trong đó, từ đó dẫn đến các quy định chồng chéo, chi phí không chính thức của DN bị đội lên".

Và vị này cũng đề nghị các nhà làm chính sách cần thâm nhập vào thực tế, đặt mình vào DN để biết, để hiểu và đồng cảm với DN, để từ đó đưa ra những chính sách nhằm hỗ trợ DN chứ không phải là những mệnh lệnh "hành là chính".

Từ phía cơ quan tổ chức bình chọn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ghi nhận những phản hồi tích cực: Trong danh sách 30 quy định chưa tốt được công bố lần này, đã có 5 quy định được sửa đổi sau khi danh sách ngắn được gửi tới các cơ quan có liên quan; 13 quy định đã có tên trong kế hoạch sửa đổi của các bộ, ngành.

30 quy định pháp luật tốt và chưa tốt: Tạo sức ép thay đổi - Ảnh 4.

Tờ Tuổi trẻ: Bộ ngành muốn giữ 10 quy định bị đánh giá "kém"

Tuy nhiên, vẫn còn 10 quy định không được các bộ ngành nhắc đến hoặc chưa có kế hoạch sửa vì cho rằng: kết quả bình chọn này còn phụ thuộc nhiều vào tính khách quan, chủ quan của bộ câu hỏi và các tiêu chí đánh giá.

Những phản hồi của các bộ, ngành về cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016 cho thấy, sự đồng thuận trong việc nhìn nhận các quy định kém là không dễ vì cơ quan quản lý và người chịu tác động có góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu để hướng tới mục tiêu là Chính phủ kiến tạo, hành động phục vụ doanh nghiệp, lấy khách hàng, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu thì bắt buộc phải lắng nghe, xem đối tượng chịu ảnh hưởng đánh giá ra sao về chất lượng phục vụ.

Tờ Diễn đàn Doanh nghiệp

Tờ Diễn đàn Doanh nghiệp bình luận, việc lần đầu tiên cuộc bình chọn này được tổ chức đã thể hiện thông điệp về Chính phủ phục vụ lấy doanh nghiệp và người dân làm đối tác. Nếu cơ quan nào gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân vì những văn bản mà họ ban hành thì có thể phải chịu bồi thường.

Tờ Sài Gòn giải phóng: Tạo sức ép thay đổi

Tờ SGGP cho rằng cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt, kém sẽ góp phần cổ vũ những quy định tốt, đồng thời tạo sức ép sửa đổi những quy định bất hợp lý, cũng như "phanh" lại những chính sách không phù hợp, có thể có trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước