Australia với châu Á: Làm bạn để thành công

Bài, ảnh: Hương Linh-Thứ sáu, ngày 04/04/2014 09:18 GMT+7

“Nếu có hai người cùng bán cho bạn một chiếc ô tô giống nhau, với giá cả giống nhau, bạn sẽ mua của người mà bạn quen biết. Chúng ta cần phải trở thành người bạn của các doanh nhân châu Á và họ cũng cần trở thành bè bạn của chúng ta” – đó là kinh nghiệm mà ông Andrew Forrest - Chủ tịch tập đoàn luyện kim Fortescue (Australia) đã đúc rút.

Cơ hội rộng mở

Những suy nghĩ như ông Andrew Forrest không phải là cá biệt trong giới doanh nghiệp Australia. Một khảo sát công phu do Asialink (trung tâm chuyên nghiên cứu về châu Á, thuộc Đại học Melbourne) thực hiện với 380 doanh nghiệp Úc cho thấy doanh nghiệp nào càng có lãnh đạo hiểu biết về văn hóa bản địa thì càng thành công tại thị trường châu Á.

Nghiên cứu của Asialink dẫn ngân hàng ANZ là một ví dụ điển hình. Theo Asialink, 20% lợi nhuận của ANZ đến từ thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược về nhân lực của ngân hàng này phản ánh mối quan tâm của họ đối với khu vực. Hiện, hơn 70 % giám đốc điều hành của ANZ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và 43% CEO có khả năng nói một ngôn ngữ ở châu Á, trong đó, phổ biến là tiếng Trung Quốc, tiếng Hindi và Bahasa Indonesia.

‘ Các nhà báo Asean tìm hiểu về trung tâm Asialink, Australia

Ở Việt nam, ANZ cũng là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên có mặt, từ năm 1993, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Thời điểm ấy, người Việt vẫn còn lạ lẫm với chiếc máy rút tiền tự động ATM đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại một chi nhánh của ANZ ở gần hồ Hoàn Kiếm ít năm sau đó. Một trong những thành công của ANZ tại Việt Nam là do họ hiểu văn hóa của người Việt.

Châu Á với những nền kinh tế lớn và phát triển năng động hàng đầu thế giới đang mang lại cơ hội cho các doanh nhân Australia. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, hơn một nửa giao dịch thương mại của đất nước chuột túi là với châu Á, trong đó, 5 đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ và các nước ASEAN.

Cơ hội đó đang ngày càng rộng mở nếu Australia và một số đối tác khác như New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực với ASEAN (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) vào năm 2015, đúng thời điểm ASEAN thành lập một thị trường chung.

‘ Tổng thư ký Asean Lê Lương Minh và ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhân chuyến thăm của ông Lê Lương Minh tới Australia

Người Australia tin rằng, họ có những lợi thế để đạt được những thành công ở thị trường châu Á. Lợi thế đó là một xã hội đa văn hóa, với ngành dịch vụ phát triển, tài nguyên phong phú và những thế mạnh về công nghệ. Nhưng với doanh nghiệp, để thành công còn cần nhiều yếu tố khác.

Trang bị kiến thức

Bà Jenny Mc Gregor, CEO của Ban thư ký điều hành Asialink, cho biết nếu không được trang bị một cách bài bản kiến thức hoạt động trong một môi trường văn hóa khác biệt, thì các doanh nghiệp Australia có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ quốc tế khác đang hoạt động tại thị trường châu Á sôi động.

‘ Trường Đại học Tổng hợp Sydney - nơi có nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu về châu Á và ASEAN

Các nghiên cứu của Asialink cho thấy, doanh nghiệp Australia chỉ được đánh giá ở mức trung bình trong việc hiểu biết về thị trường, văn hóa, quy tắc hoạt động, và xử lý mối quan hệ với giới chức ở châu Á. Không phải doanh nghiệp nào của Australia cũng có chiến lược và cách thức hoạt động ở châu Á như ANZ.

“Một trong những sứ mệnh của Asialink là giúp cộng đồng doanh nghiệp Australia lấp đầy sự thiếu hiểu biết về thị trường châu Á”, bà Mc Gregor nói.

Trong 20 năm qua, Asialink luôn đứng ở tuyến đầu trong việc kết nối Australia với châu Á. Với ngân sách khá khiêm tốn, từ 14 - 15 triệu đô la Australia một năm, trong đó 60% là tài trợ của chính phủ, và 40% lấy từ nguồn đóng góp của doanh nghiệp, Asialink đã làm được rất nhiều việc, để giúp các doanh nhân Australia hiểu biết hơn về thị trường châu Á.

Asialink cho rằng, để có thành công ở châu Á là phải đầu tư vào nguồn nhân lực. Giới doanh nghiệp và các cơ quan đang tìm kiếm những cơ hội ở châu Á cần phải xây dựng kỹ năng làm việc cho nhân viên ở các thị trường này, lập các mạng lưới để chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược hoạt động. Về phía chính phủ, cần phải hỗ trợ các chương trình đào tạo và các chương trình nghiên cứu về khu vực châu Á, làm sao sử dụng dược chất xám rất dồi dào trong cộng đồng những người Australia gốc châu Á. Họ còn đề xuất xây dựng Trung tâm nguồn nhân lực châu Á.

‘ Một góc trường học ở Melbourne - nơi có chương trình liên kết với một trường phổ thông Indonesia, để học sinh có thể tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa châu Á

Còn hiện tại, Asialink đang góp phần giúp chính phủ Australia xây dựng một đội ngũ nhân lực có khả năng làm việc tại khu vực châu Á với nhiều dự án khác nhau, trong đó, đáng chú ý là chương trình New Colombo, do Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia làm chủ quản, cung cấp học bổng cho sinh viên Australia du học tại các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á.

Chương trình được cung cấp nguồn kinh phí lớn, lên tới 100 triệu đô la Australia trong vòng 5 năm với những đích đến đầu tiên là các nền kinh tế được coi là thị trường tiềm năng, như Nhật bản, Indonesia, Singapore và Hong Kong. Mục đích của chương trình này là xây dựng một nguồn nhân lực sẵn sàng làm việc tại châu Á, có sự kết nối và hiểu biết sâu sắc về khu vực, có khả năng áp dụng những kinh nghiệm thực tế ở châu Á vào hành trang việc làm sau này của mình.

Cách đây 6 thế kỷ, Christopher Columbus đã làm nên một cuộc trường chinh trên biển, lập nên tuyến thương mại giữa châu Âu với châu Mỹ. Giờ đây, với chương trình New Colombo, người Australia hy vọng rằng, mỗi sinh viên của mình sẽ khám phá ra những cơ hội mới ở châu Á và sẽ là người khai phá thành công mảnh đất châu Á đầy hứa hẹn với nền kinh tế Australia.

Asialink đã tiến hành những nghiên cứu công phu để đúc rút ra 11 tiêu chí giúp đem lại khả năng thích nghi của các doanh nghiệp Australia ở châu Á, trong đó, 6 tiêu chí bắt buộc dành cho mỗi cá nhân, người đứng đầu doanh nghiệp, và 5 tiêu chí dành cho tổ chức.

Với cá nhân

- Có hiểu biết phong phú về thị trường, môi trường kinh doanh ở Châu Á

- Có kinh nghiệm hoạt động trên 2 năm ở các thị trường Châu Á khác nhau

- Có khả năng xây dựng những mối quan hệ lâu dài với người Châu Á

- Có khả năng chấp nhận, hấp thụ văn hóa Châu Á

- Đặc biệt quan tâm tới kinh nghiệm xử lý rủi ro và kinh nghiệm làm việc, đàm phán với các quan chức bản địa

- Có khả năng sử dụng ngôn ngữ bản địa

Với doanh nghiệp

- Có chiến lược tập trung vào thị trường Châu Á

- Có khả năng quản lý nguồn nhân lực cấp cao ở Châu Á

- Biết thích nghi với những đòi hỏi, những giá trị mà khách hàng Châu Á chia sẻ

- Có khả năng điều phối hoạt động của tổ chức, thay đổi theo xu hướng thị trường

- Khuyến khích và thúc đẩy tiến trình xây dựng sự hiểu biết về văn hóa, kinh nghiệm về thị trường bản địa

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước