Bài toán cải thiện cán cân thương mại Việt - Trung

Đặng Tú-Thứ năm, ngày 24/10/2013 07:10 GMT+7

 Từ cái kim, sợi chỉ đến những đồ gia dụng hàng ngày…, hầu hết đều xuất xứ từ Trung Quốc. Nếu không có những điều chỉnh về chính sách, chắc chắn cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc sẽ không cải thiện được.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Thủ tướng Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao hai nước đã dành nhiều thời gian trao đổi các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu duy trì đà tăng trưởng kim ngạch song phương đi đôi với cải thiện cán cân thương mại. Hai bên đã ký “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung giai đoạn 2012-2016”. Theo đó, đến năm 2015, kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỉ USD. Theo các nhà phân tích, mục tiêu này rõ ràng không khó để đạt được, tuy nhiên nếu doanh nghiệp và các ngành không có sự chuyển hướng tích cực trong thực hiện hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, thì kim ngạch 60 tỉ USD này vẫn chủ yếu đến từ một chiều - Trung Quốc.

Từ cái kim, sợi chỉ đến những đồ gia dụng hàng ngày, các thiết bị, nguyên phụ liệu công nghiệp... không mặt hàng nào thiếu các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Lý giải vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phần lớn các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc đều có mức giá cạnh tranh hơn so với hàng nội địa Việt Nam, vì thế việc lấn át của các sẩn phẩm Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu.

Ông Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng viện nghiên cứu Trung Quốc cho rằng: “Hàng hóa Trung Quốc sản xuất với quy mô lớn, nhiều mẫu mã, còn Việt Nam lại ngược lại nên hàng Trung Quốc mới có cơ hội tràn vào”.

‘ Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường trong nước. Ảnh: TTVH

Chỉ riêng ngành điện, tính đến tháng 4/1012, Trung Quốc trúng thầu 13 dự án nhiệt điện tổng thầu EPC, chiếm tới 30% công suất toàn ngành điện. Cùng với những dự án này, hàng tỷ USD tiền thiết bị cũng được nhập khẩu vào nội địa. Trên một cách nhìn khác, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, các chủ đầu tư trong nước hoàn toàn có thể giảm nhập thiết bị điện từ Trung Quốc nếu như có những ràng buộc chặt chẽ hơn đối với các tổng thầu Trung Quốc, đặc biệt với những sản phẩm Việt Nam hiện đã sản xuất được ngay trong nội địa.

“Việt Nam hoàn toàn có thể yêu cầu họ những gì trong nước sản xuất được thì phải dùng trong nước. Hiện tại, trong nước đã sản xuất được nồi hơi, turbine và nếu yêu cầu được, sẽ giảm đến 60% lượng nhập khẩu”, ông Trần Viết Ngãi cho biết.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2013, có tới 43 nhóm hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị hơn 26,7 tỉ USD, trong đó có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên gồm: máy móc, điện thoại và linh kiện điện tử, vải, sắt thép hơn 185.000 tấn, tương đương kim ngạch gần 1,82 tỉ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc góp phần gia tăng nhập siêu xuất phát từ việc Việt Nam chưa có một ngành công nghiệp hỗ trợ theo đúng nghĩa. “Nếu không có những điều chỉnh về chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì chắc chắn sẽ không cải thiện được cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc”, ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Hiện Bộ Công thương đang gấp rút trình Chính phủ để thu hút các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Bởi lẽ, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu, tiếp tục nhập khẩu của Trung Quốc thì việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương sẽ dường như bằng không. Vì theo quy định của tổ chức này, để được hưởng những lợi thế thì các sản phẩm xuất khẩu phải có nguồn gốc từ trong nước hoặc các quốc gia trong khối.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước