Bờ Biển Ngà: Mâu thuẫn kinh tế quanh lệnh cấm túi nhựa nilon

Thụy Vân-Thứ sáu, ngày 22/11/2013 22:23 GMT+7

Ngày mai (23/11), luật cấm sản xuất, sử dụng, lưu thông túi nhựa, túi nilon sẽ chính thức có hiệu lực tại Bờ Biển Ngà.

Các nhà bảo vệ môi trường thì hân hoan chào đón đạo luật này, tuy nhiên những người dân nghèo và một số doanh nghiệp sử dụng loại túi không phân hủy này lại đâu đầu với bài toán kinh tế.

‘ Ảnh minh họa

Anh Ouatarra Nourdine, người chuyên thu gom túi nhựa từ các bãi phế thải tại Abidjan nói rằng, công việc thu gom túi nhựa và túi nilon từ các bãi phế thải tuy chỉ đem lại cho anh một khoản tiền nhỏ nhưng cũng giúp anh trang trải cuộc sống.

Ouatarra Nourdine cho biết: “Chúng tôi bán các túi nhựa phế thải cho các nhà máy sản xuất. Lương của chúng tôi không đủ sống và tiền nhặt rác này giúp chúng tôi mua thức ăn và đi lại hàng ngày”.

Tuy nhiên, công việc của những người như Ouattara sắp kết thúc. Đạo luật về cấm sản xuất và sử dụng túi nhựa, túi nilon đã được thông qua. Thủ tướng Bờ Biển Ngà – ông Daniel Duncan đã tuyên bố tầm quan trọng của đạo luật này.

Ông Daniel Duncan, Thủ tướng Bờ Biển Ngà nói: “Mọi người biết đó, túi nhựa, túi nilon đang trở thành vấn đề với Abidjan. Chúng nằm rải rác trên đường phố, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, gây úng ngập. Chúng ta cần những biện pháp ngăn chặn sự ô nhiễm này vì để giải quyết vấn đề túi nhựa túi nilon không chỉ mất 1, 2 năm mà mất tới hàng thế kỷ”.

Đạo luật mới này là một tin xấu với nhiều nhà sản xuất những đơn vị chuyên sử dụng túi nilon để đóng gói hàng hóa. Ông Hassan Cisse- một nhà sản xuất nước đóng gói bằng túi nhựa lo lắng về đạo luật mới này.

Ông Hassan Cisse, nhà sản xuất nước đóng gói bằng túi nhựa chia sẻ: “Đạo luật này thực sự gây sốc với chúng tôi, khiến chúng tôi phải tính toán lại tất cả khâu sản xuất. Tôi cho rằng đạo luật mới này cũng chẳng khiến cho môi trường chúng tôi thay đổi chút nào”.

Chính phủ muốn các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sinh học có khả năng phân hủy thay thế cho các túi nhựa. Lệnh cấm của Bờ Biển Ngà không áp dụng cho tất cả các loại túi nhựa, túi nilon mà chủ yếu áp dụng cho túi chứa nước và sử dụng đi mua sắm. Các nhà môi trường không phản đối điều này nhưng đưa ra một số lưu ý trong quá trình xử lý túi nhựa này.

Brice Delagneau – Tổ chức môi trường Amistad nói: “Sự thật là túi nhựa là nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Lệnh cấm này liệu đã phải là giải pháp tốt nhất cho môi trường hay chưa? Quan trọng nhất vẫn là điều kiện vệ sinh trong quá trình tái chế. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm”.

Bờ Biển Ngà không phải là quốc gia đầu tiên ban hành đạo luật cấm túi nhựa này. Cách đây 6 năm, Rwanda cũng đã ban hành đạo luật này. Tuy nhiên, để lệnh cấm này đem lại hiệu quả triệt để cho môi trường, giải quyết được vấn đề kinh tế cho doanh nghiệp và người dân cần có sự triển khai đồng bộ và ý thức làm sạch môi trường của cả Chính phủ và người dân.

Quý khán giả quan tâm tới vấn đề này, có thể theo dõi lại dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước