Bộ trưởng Bộ Công Thương: Đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu để tránh bị phụ thuộc

Minh Thư-Thứ ba, ngày 03/06/2014 20:05 GMT+7

Toàn cảnh hội nghị

Chiều nay (3/6), tại Hà Nội vừa diễn ra hội nghị bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản 2014.

Đặc biệt, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng do Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những căng thẳng này có thể ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đồng chủ trì hội nghị.

Theo kết quả báo cáo tại hội nghị, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2014 ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu trong tháng 5 lại có sự sụt giảm mạnh, giảm đến 17% so với tháng 4. Đây là điều hết sức đáng lưu ý.

Trong các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản đều có mức tăng trưởng dương. Còn riêng thị trường Trung Quốc lại có sự sụt giảm hơn 7% do xuất khẩu sắn và cao su đều giảm.

Theo Bộ Công Thương, hiện giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp trên Biển Đông, cần có những phân tích nghiên cứu và dự báo thị trường để giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động ứng phó.

Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: “Riêng đối với Trung Quốc- đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, việc chúng ta duy trì và phát triển thương mại với Trung Quốc cần tiếp tục. Nhưng do nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc nên chúng ta phải đa dạng hóa các thị trường để tránh bị phụ thuộc. Đây là dịp chúng ta thực hiện quyết liệt hơn việc tái cơ cấu, mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Để giải quyết vấn đề thị trường tiêu thụ cho mặt hàng nông, thủy sản, hiện bộ Công thương đang làm việc với Lào, Campuchia để chuẩn bị ký kết lại Hiêp định về mậu dịch biên giới.

Riêng với Trung Quốc, hai bên đã ký Hiệp định mậu dịch biên giới vào năm 1999, cuối năm ngoái hai nước đã thống nhất sẽ ký lại nhưng với tình hình căng thẳng tại Biển Đông như hiện nay, Bộ Công thương nhận định, thời gian có thể sẽ bị kéo dài hơn. Tuy nhiên Bộ Công thương cam kết sẽ sớm hoàn tất Hiệp định mậu dịch biên giới với Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước