Cảnh giác chiêu lừa khi mua điều nguyên liệu

Kim Dung-Thứ bảy, ngày 24/08/2013 08:48 GMT+7

 Từ đầu năm đến nay, ngành Điều trong nước đã bỏ ra khoảng 250 triệu USD để nhập khẩu điều thô. Lợi dụng sự chưa chặt chẽ trong cam kết chất lượng, nhiều đối tác đã giao hàng tồn kho, ẩm mốc, kém chất lượng gây thiệt hại nghiêm trọng cho các DN.

Công ty chế biến điều Tân Hòa, Thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đã nhiều lần phản ứng về việc giao điều thô không đúng cam kết nhưng không được khắc phục. Đến lần gần đây nhất, doanh nghiệp này đã kiện nhà nhập khẩu Valency của Ấn Độ ra Trọng tài quốc tế khi phát hiện lô hàng 500 tấn điều trả tiền trước nhập từ châu Phi có tỷ lệ hư không sử dụng được đến 60%.

Ông Nguyễn Công Thanh, PGĐ công ty TNHH Tân Hòa bức xúc: “Khi điều về tới nơi thì đã mọc mầm, thối, trong tỷ lệ phần trăm bị thối, mốc lên đến 60%, trong khi đối tác không đứng ra giải quyết, cho nhân viên ký thì bảo không hợp pháp vì người đó không có chức năng giải quyết”.

Không chỉ công ty Tân Hòa, mà từ đầu năm đến nay đã có 8 doanh nghiệp trên cả nước nhờ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) can thiệp khi bị đối tác lừa với tổng sản lượng khoảng 10.000 tấn. Trong khi theo nhiều doanh nghiệp thì con số bị lừa trên thực tế cao hơn gấp nhiều lần.

‘ Phân loại hạt điều. Ảnh: TTXVN

50% lượng điều thô của Việt Nam được nhập khẩu chủ yếu từ châu Phi. Với sản lượng hàng năm khoảng 400.000 tấn, tuy nhiên có tới 90% doanh nghiệp điều Việt Nam nhập khẩu qua trung gian. Lợi dụng nhu cầu mua điều thô lớn nhưng không nắm vững thủ tục pháp lý mua bán quốc tế, nên các doanh nghiệp trung gian này thường ép doanh nghiệp Việt Nam trả tiền trước từ 95- 98% tổng giá trị hợp đồng. Khi nắm đằng “cán” thì họ có thể phá bỏ hợp đồng khi điều lên giá hoặc giao điều kém chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu. Việc bỏ công của đi kiện và thắng kiện như công ty Tân Hòa chỉ là hy hữu.

Đoàn kết các doanh nghiệp, tẩy chay các nhà nhập khẩu kém uy tín, cùng với đó là thành lập Hội đồng tư vấn nhập khẩu điều là những biện pháp mà Vinacas đang thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi hội viên.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Namcho rằng: “Khi sự cố xảy ra, người bán không chịu hợp tác giải quyết, nhưng khi Hội có tiếng nói chung thì người bán cũng cử đại diện sang Việt Nam. Chúng tôi thành lập Hội đồng tư vấn nhập khẩu điều thô cho doanh nghiệp để thông qua quy chuẩn nhập khẩu hạt điều thô về Việt Nam để dẫn chiếu vào hợp đồng nhập khẩu”.

Cũng theo Vinacas, doanh nghiệp khi ký kết những hợp đồng mua bán lớn nên thành lập các tổ đi giao nhận hàng tại các quốc gia trước khi xuất khẩu điều vào Việt Nam, kiên quyết đàm phán trả chậm hay có chứng thư giám định chất lượng mới thanh toán tiền. Tuy nhiên giải pháp lâu dài và tốt nhất là các doanh nghiệp tiến tới phương thức mua tận gốc, bán tận ngọn thì giá trị điều Việt Nam mới được nâng cao. Câu chuyện trên cũng là bài học kinh nghiệm không chỉ cho ngành điều.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước