CH Síp: Chính phủ áp thuế tiền gửi, dân ồ ạt rút tiền

Thu Hương-Thứ ba, ngày 19/03/2013 11:17 GMT+7

Người dân Cộng hòa Síp xếp hàng rút tiền quanh các ATM ở Larnaca. Ảnh: AFP

 Hàng loạt máy rút tiền tại Thủ đô Nicosia của Cộng hòa Síp hiện đều trống rỗng sau khi người dân rút tiền khỏi các ngân hàng trước thông tin Chính phủ sẽ áp mức thuế 10% vào các khoản tiền gửi.

Ngày 17/3, Chính phủ Síp đã trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua kế hoạch đánh thuế các khoản tiền gửi tại các ngân hàng của quốc gia này. Theo đó, các khoản tiền gửi vượt quá 100.000 euro sẽ bị đánh thuế 10%, trong khi các khoản tiền gửi tiết kiệm thấp hơn 100.000 euro sẽ bị đánh thuế khoảng 7%.

Kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm mới của Chính phủ Síp dự kiến sẽ giúp đất nước có được gần 6 tỷ euro nhằm giải cứu hai ngân hàng lớn nhất nước này đang lâm khó khăn do khủng hoảng nợ công châu Âu.

Người dân Cộng hòa Síp bức xúc: “Tôi có cảm giác giống với tất cả những người khác, bực tức trước việc đánh thuế mà chúng tôi đang gặp phải. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai, mọi thứ đang trở nên khó khăn”.

Chính sách thuế mới này có thể vi phạm vào quan điểm lâu nay của khu vực eurozone liên quan đến việc phạt những người gửi tiền tại các ngân hàng đang gặp khó khăn.

Người nước ngoài bức xúc

Không chỉ người dân Síp, ngay cả người nước ngoài đang sinh sống tại Cộng hòa Síp cũng tỏ ra bất bình với kế hoạch giải cứu của Liên minh châu Âu dành cho nước này, khi các khoản thuế dự kiến sẽ được áp lên các khoản tiền gửi ngân hàng. Nhiều người trong số họ cho biết, sẽ rút các khoản tiền tiết kiệm của mình khỏi ngân hàng càng sớm càng tốt.

Kế hoạch giải cứu Cộng hòa Síp sẽ khiến người gửi tiền bị mất một phần trong số tiền tiết kiệm của họ khi chính sách thuế mới được thực thi. Điều này gây bức xúc trong cộng đồng những người nước ngoài đang sinh sống tại quốc gia này.

Hiện có khoảng 80.000 người Anh đang cứ trú tại Cộng hòa Síp - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Nhiều người trong số họ cho biết, họ sẽ tiến hành rút tiền để tránh bị ảnh hưởng bởi kế hoạch đánh thuế lên tiền tiết kiệm tại đây.

Bà Susan Kearn, người Anh sống tại Margate, Cộng hòa Síp nói: “Tôi dự kiến thứ ba này sẽ đến ngân hàng rút tất cả số tiền của mình tại đây. Tôi sẽ không để lại bất cứ thứ gì ở ngân hàng. Bạn biết đấy, tôi không thể tin họ hơn nữa, nó khiến tôi liên tưởng đến kẻ trộm, họ đang lấy trộm của tôi. Đây là những gì mà tôi nhìn nhận về việc đánh thuế mới này”.

Ông Stewart Cowell, người Anh sống tại Markse, Cộng hòa Síp cũng cho rằng: “Điều này thật không công bằng với mọi người. Họ đã tiết kiệm và cố gắng rất nhiều để duy trì các khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng và nó giống như thứ thuế áp đặt cho tất cả mọi người. Tôi hiểu là với các khoản tiết kiệm lớn hơn sẽ chịu thuế cao hơn, nhưng mức thuế 6,75% cho khoản tiết kiệm dưới 100.000 euro quả là quá lớn với tôi”.

Khi các cuộc bàn thảo của Chính phủ vẫn đang tiếp diễn, các quan chức cảnh báo rằng, hai ngân hàng lớn của quốc gia này có thể bị phá sản nếu Quốc hội không thông qua kế hoạch thuế mới. Theo dự kiến, chính sách thuế đánh lên tiền gửi tiết kiệm sẽ có hiệu lực vào 19/3.

Nguy cơ lên toàn cầu

Quyết định đánh thuế tiền gửi ở Cộng hòa Síp không chỉ tạo nên làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng tại quốc gia này, mà hiện nhiều quan điểm bày tỏ lo ngại khi cho rằng, có thể làm bùng phát làn sóng rút tiền khắp châu Âu và thậm chí làm sụp đổ hàng loạt các ngân hàng.

Các nhận định này cho rằng, việc Síp chấp nhận đánh thuế tiền gửi để đối lấy cứu trợ thực sự là một đòn giáng mạnh vào các nhà đầu tư cũng như tương lai của eurozone. Nhiều chuyên gia còn dự đoán, một làn sóng bán tháo tài sản và đồng euro sẽ nổ ra nếu các nước cũng quyết định áp dụng cách làm của Cộng hòa Síp. Chẳng những thế, quyết định của đảo Síp có thể khuyến khích những người gửi tiền ở những quốc gia đang mắc nợ như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Italy ồ ạt rút tiền để chuyển tới những ngân hàng "an toàn hơn".

Mời quý vị xem Video chi tiết tại đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước