Cơ hội việc làm ngày càng “thênh thang” cho sinh viên

Mai Nguyễn-Thứ ba, ngày 23/06/2015 11:32 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Đã có những giải pháp để giải quyết bài toán cung – cầu nhân sự cũng như hạn chế tình trạng DN “khát” nhân lực, trong khi tỷ lệ sinh viên thất nghiệp ngày càng cao…

Năm 2014, số lao động trình độ ĐH - CĐ thất nghiệp đã tăng 103% so với năm 2010, chưa kể nhiều sinh viên ra trường làm việc không liên quan đến ngành nghề được đào tạo. Trong khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân viên thì vẫn có lượng lớn sinh viên thất nghiệp. Đâu là nguyên nhân và giải pháp cần thiết cho cả doanh nghiệp và người tìm việc để thay đổi thực trạng đáng buồn này?

Cung không gặp cầu

Với sinh viên, mong muốn khi ra trường là được nhận vào các đơn vị có uy tín, đảm bảo mức lương cũng như có môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp. Bạn Xuân Quỳnh vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Bước chân ra khỏi ghế nhà trường, mình thực sự chưa có nhiều kinh nghiệm nên khi tìm việc, yếu tố phát triển bản thân luôn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, mình chọn làm việc trong môi trường một doanh nghiệp trẻ trung, năng động, có nhiều cơ hội để được học tập và khám phá bản thân.”

Trái ngược với suy nghĩ tích cực như Quỳnh, nhiều sinh viên lại đang “ảo tưởng” về khả năng của mình, lý tưởng hóa công việc tương lai - hoặc là đòi hỏi công việc ổn định ngay hoặc là an nhàn mà lương cao. Tuy nhiên, sinh viên mới ra trường thường chưa có đủ trải nghiệm trong khi các vị trí quan trọng hay có mức lương hấp dẫn lại đòi hỏi năng lực và kinh nghiệm.

Để sinh viên ra trường có thể thích nghi dễ dàng hơn với môi trường làm việc, các trường Đại học, Cao đẳng cũng đã có nhiều thay đổi về kế hoạch và nội dung đào tạo nhắm đến mục tiêu đào tạo các sinh viên năng động, không chỉ nắm vững kiến thức mà còn được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết. Động thái này đã phần nào đổi tình trạng sinh viên chỉ biết kiến thức mà không biết cách làm việc như trước đây. Tuy nhiên, liệu các thay đổi từ phía nhà trường cùng với sự nỗ lực của sinh viên có đủ để ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng?

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngày càng rộng mở

Các doanh nghiệp hiện nay đều giành sự quan tâm đặc biệt đến các ứng viên trẻ tuổi là những sinh viên mới ra trường, tràn đầy nhiệt huyết và đam mê công việc. Khoảng thời gian tháng 5, tháng 6 khi sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, lượng CV mà các doanh nghiệp nhận được cũng tăng lên nhanh chóng cùng với đó là vô số tình huống bi hài xung quanh vấn đề nhân sự. Phổ biến nhất là tình trạng sinh viên không biết cách gửi email và hồ sơ xin việc đúng cách, gây khó chịu cho người tuyển dụng.

Bà Thanh Ngọc – bộ phận nhân sự của một ngân hàng cho hay: “Không ít lần ngân hàng phải từ chối ứng viên dù có kiến thức rất tốt, cách xử lý công việc khoa học nhưng không có kỹ năng làm việc nhóm. Mặc dù công việc tại ngân hàng không phải luôn luôn cần làm việc nhóm, nhưng việc hợp tác và làm việc hài hòa với cộng sự là điều cần thiết.”

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp luôn biết cách điều phối và mở rộng cơ hội cho sinh viên qua việc tạo môi trường, điều kiện học hỏi, phát triển bản thân. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Minh Khuê - Phó Giám đốc phụ trách nhân sự của Công ty CP Công nghệ DKT: “Nhiều bạn sinh viên đang gặp khó khăn trong quá trình tìm việc và hòa nhập vào môi trường làm việc. Vì vậy thay vì từ chối, các nhà doanh nghiệp nên “ươm mầm” cho những tài năng trẻ, tham gia hướng dẫn, đào tạo để các bạn sinh viên có cơ hội được phát triển và chứng tỏ bản thân.”

Môi trường làm việc trẻ trung, năng động như Công ty CP Công nghệ DKT đang dần trở thành xu thế của các doanh nghiệp tư nhân Việt. Đối với mô hình này, kinh nghiệm làm việc của các ứng viên chưa hẳn là tất cả mà điều quan trọng là nhiệt huyết cũng như quyết tâm khai phá bản thân.

Cần sự nỗ lực từ cả hai phía

Tình trạng sinh viên thất nghiệp trong khi các doanh nghiệp không tuyển được người phù hợp không chỉ là câu chuyện của riêng sinh viên mà nhiều doanh nghiệp còn khúc mắc. Muốn thay đổi thực trạng này, cần sự thay đổi từ cả hai phía.

Trong số lượng sinh viên hiện nay, có rất ít người được các doanh nghiệp tuyển thẳng hoặc liên hệ làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để có được công việc ưng ý, các sinh viên cần thay đổi suy nghĩ của mình về việc tuyển dụng cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết. Trong đó, trang bị các kỹ năng cơ bản như viết email, ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình, quản lý công việc, làm việc nhóm… là những điều đang còn đang hạn chế của sinh viên Việt Nam. Hơn nữa, luôn tự tin và năng động trong quá trình học tập và tìm việc sẽ đem đến những kinh nghiệm và cơ hội quý giá cho các bạn sinh viên.

Cũng theo chia sẻ của bà Minh Khuê: “Muốn tuyển dụng và thu hút được người phù hợp cho doanh nghiệp, không chỉ cần sự nỗ lực của sinh viên mà bản thân doanh nghiệp cũng cần xem xét và thay đổi chính mình.” Các doanh nghiệp lớn vừa mạnh về tên tuổi, vừa có sự đảm bảo về uy tín, chính sách nhân sự, môi trường làm việc năng động… là những nam châm thu hút sự chú ý của sinh viên. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần xây dựng chính sách nhân viên minh bạch, mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc năng động, phong cách tuyển dụng hấp dẫn và trên hết là văn hóa công ty độc đáo sẽ tạo dấu ấn riêng trong “bản đồ tuyển dụng”.

Bên cạnh đó, việc kết hợp với các trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề để nhà trường cập nhật tình trạng kiến thức, gắn liền với hoạt động sản xuất, dịch vụ sẽ tạo động lực để sinh viên học tâp. Tập đoàn FPT với việc mở riêng hệ thống đào tạo các trường học hay công ty CP Công nghệ DKT với việc liên kết chặt chẽ với khoa Thương mại điện tử của trường Đại học Thương Mại, Đại học Bách Khoa… sẽ đảm bảo đầu vào chất lượng cho các doanh nghiệp.

Với sự nỗ lực của sinh viên, chiến lược phát triển của doanh nghiệp và tầm nhìn của cơ sở đào tạo, trong tương lai tình trạng sinh viên thất nghiệp trong khi các đơn vị không tuyển được người phù hợp sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước