Cổ phần hóa DN Nhà nước còn nhiều khó khăn

Khánh Huyền (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 23/09/2015 10:26 GMT+7

VTV.vn - Việc xác định giá trị doanh nghiệp, báo cáo tài chính doanh nghiệp hay xác định các khoản nợ đang là một số khó khăn, vướng mắc đã phát sinh trong quá trình thực hiện.

Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 3 tháng nữa, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải hoàn thành việc cổ phần hóa các DN Nhà nước. Thời hạn đã cận kề, tuy nhiên theo thống kê, hiện nay việc cổ phần hóa diễn ra mới chỉ đạt 55% kế hoạch bởi còn vướng một số khâu mà ngay cả các Bộ chủ quản cũng không thể tự giải quyết.

Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư của 5 dự án đường cao tốc lớn, như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi… với tổng vốn xây dựng lên đến 125.000 tỷ đồng. Là chủ đầu tư số vốn lớn như vậy, nhưng đến nay, doanh nghiệp chưa biết dựa trên cơ sở nào để xác định giá trị của mình để thực hiện cổ phần hóa.

Ông Nguyễn Thế Cường - Phó TGĐ Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: “Những dự án lớn này đều là tài sản của quốc gia. Doanh nghiệp chỉ được khai thác giá trị của tài sản ấy trong vòng một số năm nhất định rồi phải trả lại. Trong thực tế, doanh nghiệp không được sở hữu tài sản này”.

Nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực, bộ ngành khác việc cổ phần hóa đến nay thực hiện cũng còn đang dở dang.

Tương tự, Tổng Công ty Điện lực Vinacomin thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam là một ví dụ khác. Cách đây vài tháng, Tổng công ty này phát hành lần đầu ra công chúng 238 triệu cổ phần nhưng sau đó chỉ bán được khoảng 0,22% số lượng đấu giá.

Ông Phạm Xuân Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty điện lực Vinacomin chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư các dự án mới, dự án điện mới đi vay ngoại tệ, khi tỷ giá thay đổi bị ảnh hưởng rất lớn, 6 tháng đầu năm nay chúng tôi mất khoảng gần 1.000 tỷ. VÌ thế, khi nhà đầu tư xem báo cáo tài chính thấy không có lãi, họ không đầu tư”.

Không có người mua là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp nhà nước khi bán cổ phần. Điều này khiến việc cổ phần hóa của các doanh nghiệp mới chỉ thay được phần vỏ mà chưa cải thiện được phần lõi bên trong.

Theo số liệu của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, số doanh nghiệp Nhà nước mà khối này đang quản lý chiếm 50% số doanh nghiệp phải cổ phần hóa của toàn quốc. Nhưng đến thời điểm hiện nay, khối này mới chỉ thực hiện cổ phần hóa được khoảng hơn 1/3 số lượng doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra.

Theo lộ trình của Chính phủ, từ nay đến cuối năm phải cổ phần hóa xong 196 doanh nghiệp, có nghĩa trung bình 1 ngày phải cổ phần hóa thành công gần 2 doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng câu chuyện về đích trong cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước đang cần một sự đột phá.

Cổ phần hóa DNNN: Cần số lượng hay chất lượng? Cổ phần hóa DNNN: Cần số lượng hay chất lượng?

VTV.vn - Với tiến độ thực hiện cổ phần hóa DNNN đến nay vẫn rất chậm chạp, vấn đề đặt ra là chúng ta cần chất lượng hay số lượng các DNNN được cổ phần hóa?

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước