"Cơn sóng" nào cho chứng khoán?

TTXVN-Chủ nhật, ngày 22/08/2021 06:22 GMT+7

VTV.vn - Giới phân tích từ công ty chứng khoán cho rằng, dòng tiền có thể sẽ sụt giảm đáng kể trong tuần tới khi nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch (từ 16 - 20/8) biến động mạnh, đặc biệt vào 2 phiên cuối tuần. Thanh khoản đạt kỷ lục lịch sử hơn 2 tỷ USD vào phiên VN-Index giảm điểm sâu (20/8), cùng đó khối ngoại cũng có tuần bán ròng rất mạnh.

Nhà đầu tư dần thận trọng hơn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, sau khi vượt mốc 1.370 điểm một cách thuyết phục trong ngày thứ Hai (16/8), chỉ số không biến động nhiều trong 2 phiên tiếp theo mà chủ yếu chỉ dao động trong biên độ hẹp quanh mốc 1.360 điểm.

Cơn sóng nào cho chứng khoán? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch (từ 16 - 20/8) biến động mạnh, đặc biệt vào 2 phiên cuối tuần. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Chỉ số ghi nhận phiên tăng điểm khá bất ngờ trong ngày thứ Năm (19/8) trước khi giảm sâu vào ngày thứ Sáu cuối tuần (20/08), với việc bên bán chiếm ưu thế trong suốt thời gian giao dịch.

Thanh khoản cũng có sự gia tăng nhẹ so với tuần trước, cho thấy tâm lý muốn thoát khỏi thị trường của nhà đầu tư, trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Dù vậy, dòng tiền có thể sẽ sụt giảm đáng kể trong tuần tới khi nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Hiện tại, vùng điểm số quanh 1.300 vẫn đang đóng vai trò hỗ trợ cho xu hướng tích lũy của chỉ số. Bên cạnh đó, việc đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc, thêm vào đó là việc chỉ số VN-Index liên tiếp thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 1.380 điểm cũng khiến tâm lý nhà đầu tư dè chừng hơn.

Do đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận, nhằm bảo toàn thành quả từ đợt tăng điểm vừa qua và quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới trước khi giải ngân trở lại.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán giảm trong phiên cuối tuần (20/8) không khó dự đoán sau khi không vượt được đỉnh ngắn hạn 1.375 điểm, tuy nhiên cường độ giảm thì lại lớn hơn dự kiến rất nhiều.

Phiên giảm mạnh này đã "thổi bay" thành quả trong cả 2 tuần trước. Điều tích cực lúc này là thị trường đã lôi kéo được dòng tiền vào bắt đáy để giúp hãm đà rơi của chỉ số.

Các chỉ báo kỹ thuật ít có tác dụng với những phiên mang tính tâm lý như phiên cuối tuần qua, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin (giao dịch ký quỹ), không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp, MBS khuyến nghị.

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định, sau ba tuần hồi phục liên tiếp, VN-Index đã điều chỉnh trở lại trong tuần qua. Điều đáng chú ý là thanh khoản trong tuần qua tiếp tục tăng cao. Đặc biệt là trong phiên cuối tuần 20/8, thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn đạt mức cao kỷ lục mới. Điều này cho thấy áp lực bán ra trong tuần qua là thực sự mạnh.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã kết thúc sóng hồi phục để bước vào sóng điều chỉnh. Khi kết thúc đợt điều chỉnh này, thị trường sẽ về vùng giá hấp dẫn để tích lũy cổ phiếu trong trung và dài hạn.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo từ 23-28/8, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn với vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.200-1.250 điểm.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư đã chốt lời danh mục ngắn hạn trước đó có thể canh những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.200-1.250 điểm, để giải ngân trở lại. Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn không nên bán tháo trong những phiên giảm, mà nên đợi những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng.

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 16-20/8, VN-Index giảm 27,62 điểm xuống 1.329,43 điểm; trong khi HNX-Index tăng 1,1 điểm lên 338,06 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất, với trung bình khoảng 33.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 18,7% lên 141.420 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 14,2% lên 4.219 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 31,3% lên 25.071 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 21,8% lên 971 triệu cổ phiếu.

Thị trường điều chỉnh khiến cho phần lớn các nhóm ngành chính đều suy giảm. Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất với 6% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu như: BSR giảm 7,3%, PVD giảm 6,2%, PVS giảm 4,6%.

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng với mức giảm 4% giá trị vốn hóa. Các mã tiêu biểu trong ngành như: GAS giảm 5,9%, POW giảm 3,5%.

Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng giảm 2,5% giá trị vốn hóa. Các mã lớn trong nhóm là ACB giảm 5%, BID giảm 4,8%, CTG giảm 4,7%, TCB giảm 3,3%.

Nhóm tài chính giảm 2,5% giá trị vốn hóa; trong đó, các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản như: VHM giảm 9,9%, VIC giảm 1%; cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm là BVH giảm 1,8%...

Các nhóm ngành khác giảm nhẹ trong tuần qua. Cụ thể như: ngành hàng tiêu dùng giảm 1,9% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng giảm 1,8%, công nghệ thông tin giảm 0,8%, công nghiệp giảm 0,2%.

Ở chiều ngược lại, ngành dược phẩm và y tế tăng mạnh nhất với 3,2% giá trị vốn hóa. Các đại diện tăng trong nhóm này là IMP tăng 0,6%, DHG tăng 2,1%, DHT tăng 3,4%.

Ngành nguyên vật liệu tăng 2,3% giá trị vốn hóa, với các trụ cột là NKG tăng 0,5%, HPG tăng 0,7%, HSG tăng 3,3%. Các cổ phiếu ngành hóa chất phân bón có các đại diện DCM tăng 0,9% và DPM tăng 4%.

Về diễn biến khối ngoại, khối này bán ròng mạnh nhất 11 tuần gần đây; trong đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành bị bán nhiều nhất. Cụ thể, tổng khối lượng bán ròng ở mức 105,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 5.406 tỷ đồng.

Đáng chú ý trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng tới 5.667 tỷ đồng, gấp 2,6 lần tuần trước và cũng là mức cao nhất trong 11 tuần qua, tương ứng khối lượng bán ròng là 109 triệu cổ phiếu.

VHM là cổ phiếu có khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 816 tỷ đồng. Tiếp đến, SSI bị bán ròng 796 tỷ đồng. VIC bị bán ròng 647 tỷ đồng và HPG là 432 tỷ đồng.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm trở lại trong tuần qua là khá đồng pha với các thị trường chứng khoán thế giới.

Chứng khoán thế giới đi xuống

Cơn sóng nào cho chứng khoán? - Ảnh 2.

Tuần qua, những lo ngại về số ca nhiễm COVID, số người nhập viện và số ca tử vong tăng mạnh tại Mỹ đã ảnh hưởng đến xu hướng đi lên của thị trường. (Ảnh minh họa: Fox Business)

Tại Mỹ, cả ba chỉ số chứng khoán hiện đều thấp hơn so với cuối tuần trước. Cụ thể, Dow Jones sụt 1,1%, S&P 500 và Nasdaq cũng mất tương ứng 0,6% và 0,7%.

Theo các nhà nghiên cứu tại Capital Economics, sự lây lan của biến thể Delta tiếp tục gây sức ép lên thị trường. Trong tuần qua, những lo ngại về số ca nhiễm COVID, số người nhập viện và số ca tử vong tăng mạnh tại Mỹ đã ảnh hưởng đến xu hướng đi lên của thị trường.

Tại Trung Quốc, giá cổ phiếu của các công ty công nghệ giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong phiên 20/8 và chỉ số Hang Seng của Hong Kong chạm mức thấp nhất trong gần 10 tháng, khi nước này thực hiện các biện pháp kiểm soát làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư.

Giá trị thị trường của các công ty niêm yết tại Hong Kong và Thượng Hải sụt giảm hơn 560 tỷ USD trong một tuần do các quỹ bán ra các cổ phiếu từng được ưu tiên, khi không chắc chắn lĩnh vực nào sẽ được nhằm vào tiếp theo.

Chỉ số Hang Seng giảm 1,8% trong phiên cuối tuần (20/8) và giảm 5,8% trong cả tuần, mức giảm mạnh chưa từng có kể từ các thị trường tài chính hoảng loạn nhất do đại dịch vào tháng 3/2020. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,1%, chốt phiên ở mức thấp trong hơn hai tuần trong phiên 20/8.

Trong tuần này, Trung Quốc đã công bố các quy định nghiêm ngặt hơn về cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, triệu tập các giám đốc của tập đoàn bất động sản Evergrande để cảnh báo họ giảm nợ.

Sau khi ban hành các quy định đối với nhiều lĩnh vực, từ sản xuất thép đến thương mại điện tử và giáo dục, động thái mới đang tác động đến lòng tin của nhà đầu tư rằng thị trường có thể vẫn chưa phục hồi sau nhiều tháng các cổ phiếu bị bán ra.

Ngân hàng, chứng khoán bứt phá, VN-Index hưng phấn tăng mạnh Ngân hàng, chứng khoán bứt phá, VN-Index hưng phấn tăng mạnh

VTV.vn - Sau khi hồi phục ấn tượng trong phiên giao dịch cuối tuần trước, mở cửa phiên sáng nay (16/8), VN-Index vẫn duy trì sự hưng phấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước