Dệt may dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu 2012

Xuân Dung-Thứ năm, ngày 10/01/2013 09:13 GMT+7

Ảnh khai thác

Tập đoàn Dệt may cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đối với hàng dệt may và xơ sợi dệt các loại đạt 17,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2011. Như vậy, đây là năm thứ tư liên tiếp dệt may dẫn đầu trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với nguồn tiền to lớn mà ngành hàng này đang đóng góp cho nền kinh tế, 2 triệu công nhân trong ngành may tiếp tục có việc để làm, góp phần ổn định an sinh xã hội cho đất nước.

Năm 2012 là một năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều co hẹp do nhu cầu tiêu dùng giảm đáng kể. Ví dụ thị trường Mỹ nhập khẩu giảm khoảng 3 tỷ USD, 27 nước châu Âu giảm 24 tỷ USD so với năm 2011.

Một điều đáng ngạc nhiên là sức mua thế giới giảm, nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn tăng, đặc biệt tăng mạnh tại thị trường Hàn Quốc. Bốn thị trường trọng điểm của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đều trên 1 tỷ USD.

Ông Lê Tiến Trường, Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, Việt Nam nằm trong danh sách ưu tiên của các nhà nhập khẩu. “Năm 2012, Dệt may Việt Nam nằm ở thứ tự ưu tiên cao hơn đối với các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Vì thế khi thị trường có xu hướng thu hẹp, họ hẹp ở những quốc gia yếu hơn hay nằm ở đáy danh mục các nhà cung cấp, còn Dệt may Việt Nam đã vươn lên được một vị trí nằm ở nhóm được ưu tiên, vì thế trong bối cảnh này Dệt may Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng”.

Năm 2012 là năm không những eo hẹp về nguồn tài chính đối với các doanh nghiệp dệt may, họ còn phải đối mặt với giá đầu vào tăng cao, biến động tỷ giá, đơn hàng suy giảm… và đặc biệt là áp lực quản trị về giá thành.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, TGĐ Tổng công ty May 10 nhìn nhận: “Biện pháp mà các doanh nghiệp thực hiện thực ra không mới, vấn đề là làm thế nào, đó là tiết giảm mọi chi phí. Những chi phí nào không cần thiết phải tiết giảm dù là nhỏ nhất, nhưng cái gì cần đầu tư mà đầu tư phải bỏ nhiều tiền ra, nhưng đổi lại là có hiệu quả làm tăng năng suất lao động thì nên làm”.

Có lẽ thành công lớn nhất của Dệt may đó là duy trì được công việc và thu nhập cho gần 2 triệu lao động trong cả nước với mức thu nhập gần 5 triệu đồng một người, cải thiện 14% mức lương. Đó là bài toán an sinh lớn nhất mà Dệt may đã làm được.

Dự báo năm 2013, nhu cầu hàng may mặc của thế giới sẽ tăng nhẹ, ngành Dệt may phấn đấu đạt khoảng 19 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước