DN Dệt nhuộm yếu thế trước doanh nghiệp FDI

Quỳnh Như-Thứ ba, ngày 15/10/2013 16:15 GMT+7

Cho đến thời điểm này trong khi ngành dệt may chưa có chính sách đầu tư cho doanh nghiệp dệt nhuộm trong nước, các doanh nghiệp FDI đã đón đầu và đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Thái Tuấn là một trong những thương hiệu dệt khá nổi tiếng bấy lâu nay, có thương hiệu, có thị phần, có khách hàng nhưng trước sức ép cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI đang đặt ra cho doanh nghiệp những bài toán đau đầu để chọn cho mình một hướng đi đúng đắn. Đại diện doanh nghiệp cho biết, với những yếu kém vế vốn, công nghệ, quản trị, nếu không sớm vạch ra một hướng đi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay tại sân nhà.

Ông Thái Tuấn Chí, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn Thái Tuấn cho biết: “Có những doanh nghiệp FDI đầu tư trực tiếp, có doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác vì vậy chúng tôi sẽ vạch ra định hướng hợp tác với họ “đi trên vai người khổng lồ”. Còn nếu không hợp tác thì chúng ta phải xác định lại năng lực cốt lõi, tạo nên sự khác biệt để làm lợi thế cạnh tranh”.

‘ Ảnh minh họa

Số lượng doanh nghiệp trong nước đầu tư vào ngành dệt nhuộm như Thái Tuấn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu đầu tư nhiều vào phần may mặc. Trong khi các doanh nghiệp FDI đầu tư khép kín, từ sản xuất nguyên phụ liệu cho đến sản phẩm may mặc.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù không tham gia đàm phán TPP nhưng nhiều doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm của Đài Loan, Trung Quốc đã đầu tư nhiều nhà máy dệt nhuộm lớn tại Việt Nam.

Còn đại diện Hiệp hội dệt may TP.HCM cho rằng, Nhà nước trong vòng đàm phán TPP nên đưa ra một vài điều khoản như hoãn thời gian áp dụng chứng minh về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm dệt may, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước có thêm thời gian để đầu tư và tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu phù hợp.

Dự kiến, đến năm 2025, kim ngạch thương mại dệt may toàn cầu sẽ gấp đôi, đạt khoảng 2.000 tỷ USD so với thời điểm hiện nay. Đây cũng là một trong những cơ sở để đánh giá dệt may vẫn sẽ là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam ít nhất trong 10 năm tới.

Vì vậy, theo các chuyên gia, cần thiết phải có những chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư cho ngành dệt nhuộm, tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong nước, nếu không việc phụ thuộc hoàn toàn vào FDI là điều thấy trước mắt.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước