Doanh nghiệp Việt chuyển hướng sang thị trường châu Phi

Diệu Thư-Thứ bảy, ngày 28/06/2014 06:00 GMT+7

Trong kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, công ty Xuân Thiện Ninh Bình đã chọn Cameroon đầu tư dự án thủy điện và nhà máy xi măng.

Theo doanh nghiệp này thì không chỉ Cameroon, mà với số dân hơn 1 tỷ người của các quốc gia, thị trường châu Phi rất được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

Năm 2013, xuất nhập khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 4,29 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2012. Hầu hết các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này là: gạo, thủy sản, cà phê, giày dép, dệt may, máy móc, thiết bị, xe máy và linh kiện…

‘ Thủy sản là một trong nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tiếp cận thị trường châu Phi. Ảnh: báo Công Thương

Không chỉ là thị trường đáp ứng đầu ra cho sản phẩm, châu Phi còn là thị trường cung cấp nhiều nguyên liệu cho Việt Nam. Theo các chuyên gia, so với các thị trường khác, thị trường châu Phi đối với các doanh nghiệp Việt Nam tốc độ tăng trưởng cũng như kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn. Lý do vì khoảng cách địa lý, khả năng am hiểu về thị trường, những rào cản về khung pháp lý, ngôn ngữ, niềm tin giữa các doanh nghiệp chưa được thiết lập. Bên cạnh đó, những hạn chế về thanh toán của hệ thống ngân hàng khiến hai bên không thể giao dịch trực tiếp với nhau mà phải thông qua bên thứ ba, làm cho chi phí tăng cao, thời gian giao dịch kéo dài.

Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt đang nỗ lực tìm kiếm, thay thế dần thị trường truyền thống thì những hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường tiềm năng là hết sức cần thiết, thông qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới. Tuy nhiên, để đẩy mạnh hợp tác thương mại thì cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện thương mại và hệ thống ngân hàng giữa Việt Nam và các nước châu Phi.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước