Dòng tiền “nóng” đang chảy vào châu Á: Nguy cơ tiềm ẩn

Quỳnh Anh-Thứ năm, ngày 06/06/2013 09:20 GMT+7

Ông Sanjoy Sen, Giám đốc Khối bán lẻ Ngân hàng ANZ, khu vực Châu Á-TBD. Ảnh: VTV News

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, chính dòng tiền nóng này sẽ gây ra nguy cơ bong bóng tài sản ở các quốc gia châu Á, gây thiệt hại lớn cho các nền kinh tế. Thiệt hại này sẽ không dừng ở các hệ thống ngân hàng, mà còn lan đến hộ gia đình và các doanh nghiệp.

Để tìm hiểu cụ thể về những tác động mà dòng tiền nóng này có thể gây ra, phóng viên bản tin Tài chính Kinh doanh đã có cuộc trao đổi với ông Sanjoy Sen, Giám đốc Khối bán lẻ Ngân hàng ANZ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhân chuyến sang thăm Việt Nam.

Những chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích kinh tế của các quốc gia đang phát triển khiến một dòng tiền nóng chảy về các quốc gia châu Á, điều này có nguy cơ gì đối với các nền kinh tế trong khu vực?

Ông Sanjoy Sen: Trong thế giới kinh doanh hiện nay, đồng tiền sẽ chảy về nơi nào mà có cơ hội kiếm lợi nhuận, vì thế, việc dòng tiền chảy từ thị trường này sang thị trường khác là bình thường. Trong con mắt các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ, họ nhìn thấy cơ hội kiếm tiền ở các quốc gia châu Á là rất lớn, với tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao, dân số trẻ… Bên cạnh đó các đồng tiền tệ của các quốc gia châu Á cũng tăng cao trong thời gian qua, nhà đầu tư thích điều này. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào đây với mong muốn tạo lợi nhuận nhanh, điều này cũng gây ra nguy cơ bong bóng tài sản ở các quốc gia trong khu vực, nhất là những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Vậy Việt Nam có thể làm gì để ngăn chặn nguy cơ này?

Ông Sanjoy Sen: Việt Nam có cơ hội để học từ kinh nghiệm của các quốc gia khác ở châu Á, đặc biệt bong bóng bất động sản rất dễ xảy ra ở lĩnh vực bất động sản. Nếu như bạn còn nhớ, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khiến bong bóng bất động sản Hong Kong vỡ tung, sức tiêu thụ giảm mạnh, đẩy Hong Kong vào suy thoái sâu và giảm phát.

Vì vậy Chính phủ Việt Nam phải kiểm soát dòng tiền chảy vào đúng chỗ, nhằm kích thích phát triển kinh tế chứ không phải đầu cơ. Ví dụ tiền đầu tư nước ngoài để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thay vì đầu tư vào chứng khoán để kiếm tiền nhanh.

Theo ông các quốc gia nào ở châu Á sẽ bị tác động nếu như FED quyết định dừng gói kích thích kinh tế?

Ông Sanjoy Sen: Những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn phải phụ thuộc nhiều vào dòng tiền bên ngoài có nhiều rủi ro nhất, ví dụ như Ấn Độ hay Indonesia. Đây cũng một trong những vấn đề của các quốc gia đang phát triển vì chúng ta dựa quá nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài. Điều này trở nên nguy hiểm khi bỗng một hôm dòng tiền này sẽ rút ra khỏi thị trường, tạo ra sự bất ổn lớn đối với nền kinh tế. Nếu như FED thay đổi chính sách, dòng vốn đảo chiều sẽ khiến các đồng tiền tệ châu Á mất giá, buộc các ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất, ảnh hưởng đến nền kinh tế là rất lớn.

Vì vậy các quốc gia phải tự bảo vệ mình, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vốn nước ngoài bằng cách tự huy động vốn, thông qua thị trường chứng khoán cũng như thị trường trái phiếu, cũng như duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ hài hòa.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước