Economist đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam

PV (Tổng hợp)-Thứ hai, ngày 08/08/2016 06:14 GMT+7

Biểu đồ tốc độ tăng trưởng GDP trên đầu người của Việt Nam và Trung Quốc. (Ảnh: VOV)

VTV.vn - Economist đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, xem đó là một hình mẫu tốt cho những nước đang cố gắng vươn lên cao hơn trên nấc thang phát triển.

Bình luận của Economist viết: Với câu hỏi nền kinh tế của quốc gia châu Á nào đã tăng trưởng vượt bậc trong 25 năm qua, giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói, phần lớn người ta sẽ nghĩ ngay đến Trung Quốc hay Ấn Độ. Thế nhưng đó không phải câu trả lời chính xác, đất nước được đề cập trong bài viết này chính là Việt Nam.

Theo Economist, với dân số hơn 90 triệu dân, Việt Nam đã vươn mình để trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng trên đầu người trung bình hàng năm đạt 6% kể từ năm 1990 - cao thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Nếu nền kinh tế này duy trì được tốc độ tăng trưởng 7% trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ đi theo đúng con đường của những “con hổ” châu Á ngày trước như Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc). Đó quả là một thành tích đáng nể đối với một cuộc gia mà vào những năm 1980 vẫn còn vật lộn với thời kỳ hậu chiến tranh và nền kinh tế nghèo nàn như Ethiopia.

Với kịch bản tăng trưởng 4%, thì kinh tế Việt Nam sẽ đi cùng quỹ đạo với Thailand và Brazil.

The Economist nhận định, Việt Nam có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, tiếp giáp với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, đặc biệt là “trái tim” chế xuất của quốc gia này ở phía nam.

Có được lợi thế cạnh tranh lớn về nguồn nhân lực, Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo và dần trở thành trung tâm sản xuất với chi phí thấp và kết nối với chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam thiếu những lợi thế để trở thành một nền kinh tế mang tầm cỡ châu lục. Bởi vậy, những bài học phát triển của Việt Nam phù hợp với những quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt là các nước lân cận như Lào và Campuchia.

Việt Nam là một ví dụ điển hình về việc phát triển công nghệ. Việt Nam đã chứng minh sự thành công trong mô hình phát triển thử nghiệm về sản xuất dựa trên lao động giá rẻ mặc dù hiện nay tốc độ lan tỏa tự động hóa tại các nhà máy đang dấy lên lo ngại về việc lợi thế nhân công giá rẻ không còn hấp dẫn các ngành sản xuất nữa.

Economist bình luận, chính sách cởi mở đã góp phần quan trọng cho thành công của Việt Nam. Khi chi phí lao động của Trung Quốc tăng cao, nhiều công ty muốn tìm kiếm lựa chọn thay thế ít đắt đỏ hơn, và Việt Nam đã may mắn ở đúng vị trí để đón làn sóng này. Thế nhưng trong khu vực Đông Nam Á, không chỉ Việt Nam có lợi thế đó. Việt Nam thành công hơn, đơn giản là vì đã làm tốt hơn.

Kể từ thập niên 1990, Việt Nam đã đơn giản hóa các quy định thương mại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện tương đương khoảng 150% GDP, cao hơn bất kỳ nước nào khác ở ngưỡng thu nhập tương tự.

Chính phủ Việt Nam cũng đã bỏ quy định buộc các công ty nước ngoài phải mua nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam, trong khi đó Indonesia vẫn áp dụng chính sách này. Rất nhiều công ty nước ngoài đã đổ xô đến Việt Nam và hiện khối này đóng góp khoảng 2/3 kim ngạch xuất nhập khẩu.

Nền kinh tế Việt Nam cũng hết sức linh hoạt. Chính phủ khuyến khích phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa 63 tỉnh, thành phố. TPHCM đi đầu với rất nhiều khu công nghiệp; Đà Nẵng phát triển mạnh ngành nghề cần công nghệ cao còn phía bắc đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất. Vì vậy, kinh tế Việt Nam có khả năng chống đỡ khá tốt các cú sốc từ bên ngoài, như cú sốc từ thị trường bất động sản năm 2011.

Việc người Việt đầu tư mạnh tay cho giáo dục cũng được Economist xem là một nguyên nhân quan trọng. Tạp chí này dẫn chứng, mức chi tiêu cho giáo dục của người Việt Nam cao hơn bất kỳ nước nào ở cùng giai đoạn phát triển. Đồng thời, học sinh Việt Nam cũng đạt được thành tích khá cao. Nhiều dữ kiện cho thấy học sinh Việt Nam 15 tuổi giỏi toán không kém học sinh Đức cùng trang lứa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước