Giải pháp nào nâng cao hiệu quả chỉ dẫn địa lý hàng nông sản?

TCKT-Thứ bảy, ngày 25/10/2014 23:10 GMT+7

Hiện cả nước có hơn 30 mặt hàng nông sản có chỉ dẫn địa lý nhưng chỉ có một số ít tạo nên thương hiệu khi xuất khẩu, còn lại hầu hết đều bị thay bao bì, mất nhãn hiệu.

Hoa hồi Lạng Sơn, một trong những mặt hàng nông sản đầu tiên, được cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2007. Thế nhưng, các bạn hàng nhập khẩu sản phẩm lại chưa quan tâm hoặc chưa chấp nhận điều này. Cách thức tiêu thụ hiện vẫn là xuất khẩu sản phẩm thô là chính và còn lệ thuộc vào một vài thị trường. Hệ quả là hoa hồi Lạng Sơn, dù đã có thương hiệu, nhưng giá trị vẫn chưa được nâng lên.

Một trường hợp tương tự là hạt dẻ Trùng Khánh. Sản phẩm này đã được cấp chỉ dẫn địa lý là 1 trong 10 đặc sản của Việt Nam. Dù sức hấp dẫn của thương hiệu dẻ Trùng Khánh lớn nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà và vai trò của chỉ dẫn địa lý sản phẩm này vẫn nằm trên giấy.

Hoa hồi Lạng Sơn hay hạt dẻ Trùng Khánh là hai trong số các mặt hàng nông sản chưa phát huy được hiệu quả bảo hộ của chỉ dẫn địa lý, trong khi đó, người dân lại chưa được hưởng lợi từ chỉ dẫn địa lý của thương hiệu này.

Lý giải cho việc vì sao chỉ dẫn địa lý chưa phát huy hiệu quả, ông Đào Đức Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn cho biết: "Đối với người nông dân sản xuất với quy mô nhỏ thì việc sử dụng thương hiệu phụ thuộc vào hệ thống phân phối. Khi hệ thống phân phối chưa sử dụng các dấu hiệu chỉ dẫn khiến người nông dân không có cơ sở để gắn chỉ dẫn địa lý lên sản phẩm của mình. Ngoài ra, để sử dụng chỉ dẫn địa lý cần hệ thống quản lý tốt, đặc biệt là quản lý chất lượng và các dấu hiệu về nguồn gốc. Đây là những khó khăn thực tế của Việt Nam hiện nay trong vấn đề sử dụng chỉ dẫn địa lý".

Cũng theo ông Đào Đức Huấn: "Hiện Việt Nam bảo hộ được 39 sản phẩm chỉ dẫn địa lý, trong đó có 36 sản phẩm là nông sản và thực phẩm. Việc sử dụng chỉ dẫn địa lý khá hạn chế. Chỉ một số sản phẩm như nước mắm Phú Quốc, những sản phẩm được bảo hộ đầu tiên tại Việt Nam mới bắt đầu có động thái sử dụng chỉ dẫn địa lý trên thị trường. Những sản phẩm còn lại hầu như rất ít sử dụng các dấu hiệu chỉ dẫn địa lý".

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên cả nước đạt 22,6 tỷ USD, nhiều mặt hàng như cà phê, gạo, chè xuất khẩu tăng cả về số lượng lẫn giá trị. Đó là những con số tích cực cho thấy tiềm năng của nông sản Việt Nam. Tuy xuất khẩu là vậy, song chỉ có một số ít sản phẩm giữ được thương hiệu khi ra trường quốc tế, còn hầu hết là bị thay bao bì, mất nhãn hiệu. Những giá trị thương hiệu, chỉ dẫn địa lý dường như không đóng vai trò và mang lại giá trị cho sản phẩm nông sản.

Giải pháp nào nâng cao hiệu quả chỉ dẫn địa lý giúp hàng nông sản Việt Nam tìm được chỗ đứng và thu nhập của người nông dân được cải thiện? Đây là nội dung được đưa ra phân tích trong chương trình Tạp chí kinh tế tuần này. 

 

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước