Giải pháp tháo nghẽn cho nền kinh tế trước sự tác động của dịch bệnh COVID-19

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 21/02/2020 22:12 GMT+7

VTV.vn - Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng trên toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, làm đình trệ sản xuất kinh doanh.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu tác động rất mạnh, rất cần tháo những điểm nghẽn, những vướng mắc của doanh nghiệp để huy động được nguồn lực của toàn xã hội vào phát triển kinh tế, bù đắp cho những ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã có gần 900 doanh nghiệp ngừng hoạt động do tác động của dịch bệnh. Và trong 180.000 doanh nghiệp của 30 tỉnh, thành phố thì đã có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Còn trong 5.000 hợp tác xã, đã có 25 hợp tác xã tạm dừng hoạt động, 5 hợp tác xã giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, có gần 9.000 người lao động bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn vốn, hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc thực hiện thật tốt những chính sách đã đề ra. Có không ít các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các cách thức cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn trì trệ, chậm chễ, kém hiệu quả.

Cùng với quyết tâm thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, chống sự trì trệ, những vướng mắc phát sinh ngay tại thời điểm này cũng cần có các giải pháp linh hoạt và kịp thời từ cơ quan quản lý. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành tài chính nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về thuế và phí cho các doanh nghiệp. Một số chính sách đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực nhưng vẫn chưa đủ mạnh để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện nhiều Hiệp hội ngành hàng đã báo cáo Chính phủ đề nghị sớm có giải pháp giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông; đặc biệt ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch như logistics, dịch vụ, du lịch, chế biến hàng nông lâm thủy sản.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ cũng khiến nguồn thu của ngân sách bị ảnh hưởng. Vì vậy, cũng cần hài hoà các chính sách dài hạn và giải pháp tình thế một cách hợp lý và tìm ra các giải pháp về thuế và phí lâu dài, vừa đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, vừa tạo nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước