Hạ tầng POS ở Việt Nam đang ở "vùng trũng"

Ngọc Diệp-Thứ tư, ngày 17/04/2013 11:09 GMT+7

Ảnh: VTV

 Ngoài những lý do từ phía người dân và chủ kinh doanh, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chưa được phổ biến hiện nay còn bởi hạ tầng POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ) quá yếu.

Hiện nay trên thế giới, thẻ ATM không chỉ giao dịch trên các máy ATM thuần tuý, mà còn được giao dịch tại rất nhiều nơi như nhà hàng, khách sạn, siêu thị mà ngân hàng có lắp máy. Tuy nhiên vì tâm lý người dân, nhà kinh doanh và còn bởi hoạt động truyền thông chưa tốt, POS dường như còn là khái niệm xa lạ, ngay cả ở các thành phố lớn.

Với thực tế, 1 máy POS tại Việt Nam phục vụ đến 2.000 dân, mục tiêu nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn gặp nhiều cản trở.

Kinh doanh quần áo bán cho dân công sở văn phòng đã lâu năm, khi được ngân hàng mời lắp đặt máy POS miễn phí, chị Nguyễn Thị Yến, cửa hàng quần áo Lê Nguyên đồng ý ngay. Thế nhưng sau hai năm lắp đặt máy, giờ đây khi được hỏi máy POS đâu, chị Yến phải tìm mãi mới thấy chiếc máy. Máy POS của cửa hàng chị giờ bị xếp vào một góc ít ai nhìn thấy. Chị cho biết: “Ít người dùng lắm, 10 khách may ra có 1 khách thanh toán bằng thẻ”.

Trong khi đó, quản lý quán cafe Open Musik Trần Ngọc Linh cho biết, trước đây quán cũng từng lắp đặt máy POS, thế nhưng khi gần như chẳng có ai sử dụng thì chủ quán đã tháo bỏ đi. “Giá trị của mỗi lần thanh toán cũng nhỏ nên thanh toán bằng thẻ cũng chẳng bõ, hầu hết khách chỉ thanh toán bằng tiền mặt thôi”.

Mặc dù nhà hàng Anh Tú đã mở mấy năm nhưng chưa bao giờ có một ngân hàng nào đến đặt vấn đề mở máy POS. Chị Phạm Thị Dung, chủ nhà hàng nói: “Nhà hàng đã hoạt động nhiều năm nay nhưng chưa thấy đơn vị nào đến đặt vấn đề mở máy POS nên tôi chưa biết máy đó như thế nào”.

Các nhà kinh doanh trên đều ở khu vực trung tâm Hà Nội, có đối tượng khách hàng chính là nhân viên văn phòng thường nhận lương qua tài khoản, thế nhưng gần như 100% khách hàng ở đây chỉ thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên theo chia sẻ của đại diện ngân hàng, thói quen chi tiêu tiền mặt của người dân còn xuất phát từ chính các chủ kinh doanh.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng An Bình cho biết: “Đa số các đơn vị chấp nhận thẻ hiện nay đang cố tình đẩy phần phí dịch vụ về phía khách hàng phải chịu, khách hàng bỗng nhiên mất thêm một khoản phí nên họ không thích thanh toán bằng thẻ”.

Cũng theo bà Hiền, nhiều chủ kinh doanh gây khó dễ cho khách hàng muốn thanh toán thẻ còn bởi họ có tâm lý ngại công khai doanh thu bởi muốn né tránh nhiều nghĩa vụ thuế. Ngoài những lý do từ phía tâm lý người dân và chủ kinh doanh, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chưa được phổ biến với nhiều người dân còn bởi hạ tầng POS quá yếu. Tỷ lệ máy POS của nước láng giềng như Thái Lan cũng gấp 12 lần so với Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng Giám đốc công ty CP Dịch vụ thẻ Smartlink: “So với nhiều nước trong khu vực thì hạ tầng POS ở Việt Nam hiện vẫn ở vùng trũng. Ở những nước như Thái Lan hay Trung Quốc, con số này cũng ở mức 6 máy/1000 dân”.

Có thể thấy, khi chủ kinh doanh không thích khách thanh toán thẻ, người dân chưa quen với trả tiền bằng thẻ, ngân hàng dù muốn cũng khó triển khai phát triển hệ thống POS. Tỷ lệ thanh toán qua thẻ ở Việt Nam năm 2012 ở mức chưa đến 10% cũng không quá khó hiểu. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, cần đến sự nỗ lực hơn nữa của nhiều bên liên quan.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước