Hiệu quả từ mô hình mở rộng cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ

VTV Cần Thơ-Thứ tư, ngày 14/05/2014 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa

Để nâng cao lợi nhuận cho nông dân, Tiền Giang đẩy mạnh việc triển khai cánh đồng lớn gắn với giải quyết đầu ra. Hiệu quả từ mô hình này không chỉ dừng lại ở chuyện lợi nhuận, mà còn dần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của nhiều nông hộ để phù hợp với tình hình mới.

Tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, năng suất lúa luôn đạt trên 7,5 tấn/ha, chi phí đầu tư giảm khoảng 30%, đặc biệt lúa hàng hóa của HTX Mỹ Thành thuộc xã Mỹ Thành Nam luôn được bao tiêu 100%. Theo nông dân, khi thực hiện cánh đồng lớn gắn với ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, ngoài giải quyết đầu ra, cái được lớn nhất là người trồng lúa được chuyển giao khoa học kĩ thuật, cập nhật các loại giống mới góp phần nâng cao chất lượng gạo để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Ông Lê Văn Chử, HTX Mỹ Thành cho biết: “So với làm lúa bán ở ngoài thì làm lúa bán cho công ty theo hợp đồng giá rất cao. Lợi nhuận khoảng 45-50%. Nông dân rất phấn khởi”.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, kế hoạch liên kết xây dựng cánh đồng lớn ở những vụ lúa tiếp theo trên địa bàn tỉnh trong năm 2014 là 10.700 ha. Để hạn chế bể hợp đồng, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư vùng nguyên liệu, chia sẻ rủi ro với nông dân. Về phía địa phương, chính quyền cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, Tiền Giang cho biết: “Chúng tôi đưa lúa giống cho nông dân sản xuất trong 4 tháng với lãi suất 0%. Mỗi kg lúa hỗ trợ thêm 10% so với giá thị trường, đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoặc lúa, mua lúa tươi, đem về sấy và lo luôn phần xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam cho biết thêm: “Nếu doanh nghiệp bao tiêu theo hợp đồng cho nhân dân, chúng tôi hỗ trợ bến bãi và các phương tiện vận chuyển thủy bộ nhằm giúp việc thu mua thuận lợi nhất”.

Ngành nông nghiệp ở ĐBSCL cho rằng, nguyên nhân khiến mối gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp khi thực hiện cánh đồng lớn chưa chặt chẽ trong thời gian qua là do lợi nhuận và rủi ro chưa được chia sẻ một cách công bằng.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang nói: "Ngoài các quy định về kho bãi, tài chính, Nhà nước cũng nên quy định doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng cho mình vùng nguyên liệu ít nhất là 1.000 ha. Tới đây, khi Bộ Nông nghiệp ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện QĐ 62 của Thủ tướng Chính phủ nên ban hành hợp đồng chuẩn, còn hiện nay hợp đồng do doanh nghiệp tự soạn nên còn nhiều khó khăn phát sinh”.

Câu chuyện ở HTX Mỹ Thành, tỉnh Tiền Giang sản xuất theo cánh đồng lớn gắn với giải quyết đầu ra đang xóa dần cách làm ăn chụp giật của một bộ phận doanh nghiệp và nông dân. Đây còn là điều kiện thuận lợi để chuyển xuất khẩu gạo từ số lượng sang chất lượng, tăng chuỗi giá trị hạt gạo, nâng cao đời sống của nông dân trồng lúa một cách căn cơ và bền vững.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước