Huyện Yên Bình (Yên Bái): Những bước tiến trong phát triển kinh tế

Mai Hoa-Thứ ba, ngày 13/02/2018 13:35 GMT+7

VTV.vn - Trong năm 2017, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Bình có những khởi sắc đáng khích lệ.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, ngay từ đầu năm 2017, huyện Yên Bình đã chủ động xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế trên các lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời tập trung giải quyết tốt các vấn đề đột xuất, phát sinh; chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện năm 2017 và các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tại các kỳ họp. Duy trì nề nếp các phiên họp thường kỳ; cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy bằng các nghị quyết, kết luận nhằm kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trên các lĩnh vực.

Vì vậy, trong năm 2017, kinh tế tiếp tục phát triển, thu ngân sách đạt kết quả cao. Cụ thể, sản xuất nông, lâm nghiệp đạt kết quả khá toàn diện cả về trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản năm 2017 đạt 1.970 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 27.390,7 tấn tăng 3,2% kế hoạch giao, trong đó, sản lượng lúa đạt 22.667,9 tấn, sản lượng ngô đạt 4.722,8 tấn. Các loại cây công nghiệp ngắn ngày và cây rau màu các loại hầu hết đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch diện tích gieo trồng, trồng được 2.640 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,18%.

Huyện Yên Bình (Yên Bái): Những bước tiến trong phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Về chăn nuôi, các chương trình, dự án chăn nuôi được triển khai theo kế hoạch; công tác thú y, kiểm dịch được quan tâm, trong năm trên địa bàn huyện không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 7.696 tấn (tăng 13,2% so với kế hoạch). Các mô hình chăn nuôi hàng hóa, nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà tiếp tục được duy trì, phát triển, đến nay toàn huyện có 914 lồng nuôi cá, tăng 82,8% kế hoạch năm và 230 ha nuôi cá quây lưới; trong đó riêng năm 2017 đã hỗ trợ đóng mới 120 lồng cá, 72,8 ha nuôi cá bằng quây lưới. Sản lượng khai thác thủy sản trên hồ Thác Bà cả năm đạt 4.550 tấn, vượt 1,1% kế hoạch.

Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, chăn nuôi hàng hóa; chuyển đổi giống cây trồng trong đó ưu tiên phát triển trồng quế và cây ăn quả có múi; tập trung phát triển thủy sản trên hồ Thác Bà. Năm 2017 đã triển khai thực hiện hỗ trợ 25 cơ sở chăn nuôi; 120 lồng cá; 60 ha nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà; 80,55 ha cây ăn quả có múi; 67,6 ha quế; 105,9 ha tre măng bát độ.

Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục ổn định và có bước tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện năm 2017 ước đạt 3.066,8 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Huyện cũng đã thực hiện nghiêm túc chủ trương đầu tư theo hướng trọng tâm, không dàn trải; tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình dự án cấp bách, quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; thường xuyên chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ bản, trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các nguồn vốn nhất là những công trình trọng điểm. Trong năm tiếp tục thực hiện và khởi công mới 69 công trình xây dựng dân dụng, giá trị thực hiện đạt 93.218 triệu đồng, trong đó đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 43 công trình; 104 công trình giao thông với tổng số 59,5 km, giá trị thực hiện đạt 92.285,95 triệu đồng, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 71 công trình.

Công tác thu hút đầu tư được đặc biệt quan tâm, đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực để cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, tập trung cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn khảo sát địa điểm triển khai dự án; phối thợp tháo gỡ khó khăn cho công ty may Daeseung Global trong việc tuyển dụng lao động; thi công công trình nước sạch từ thị trấn Yên Bình đến cụm công nghiệp Thịnh Hưng..., đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của huyện, đa dạng hóa hình thức thu hút đầu tư. Năm 2017 có 03 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, nâng tổng số các dự án được cấp chứng nhận đầu tư trên địa bàn lên 52 dự án, toàn huyện có 209 doanh nghiệp, 48 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện ổn định, đến hết năm 2017, trên địa bàn huyện có trên 1.500 hộ hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ được cấp mã số thuế với tổng số vốn kinh doanh trên 250 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2017 ước đạt 2.069,8 tỷ đồng (vượt 5% kế hoạch, tăng 18,2% so với cùng kỳ). Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 23,3 triệu USD (đạt 116,2% kế hoạch, tăng 16,2% so với cùng kỳ).

Lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 15/5/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách nhà nước của tỉnh Yên Bái năm 2017. Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng nguồn thu đi đôi với chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, quản lý các nguồn thu chặt chẽ, công khai, minh bạch; năm 2017 thu ngân sách trên địa bàn huyện được 169,3 tỷ đồng, vượt 17% dự toán tỉnh giao; vượt 11,4% dự toán huyện giao, đảm bảo chi trả tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và các khoản chi theo đúng dự toán.

Những năm gần đây, huyện Yên Bình đã vươn lên, trở thành điển hình trong xây dựng đời sống mới ở tỉnh Yên Bái. Sự chuyển mình của mảnh đất này đã khẳng định tính năng động, sáng tạo, linh hoạt trong chính sách điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ huyện Yên Bình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước