Lãng phí “đất vàng” từ các nhà ga

Bảo Linh - Đình Hưng (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 14/09/2020 20:13 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt nhà ga từ Bắc tới Nam đều nằm ở vị trí vàng nhưng việc khai thác không hiệu quả. Vậy vướng mắc từ đâu?

Nhiều ga đường sắt không khai thác hiệu quả thương mại

Ga Hà Nội không chỉ đơn thuần là một nhà ga của những chuyến tàu đi và đến, mà nó đã trở thành một công trình lịch sử, gắn liền với những biểu tượng của Hà Nội. Ga Hà Nội cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử với một thời kì hoàng kim của đường sắt.

Hiện xe khách thì tiện, máy bay rẻ, chuyện chọn đi tàu giờ chỉ là phần nhiều cho những trải nghiệm du lịch. Doanh thu của ngành đường sắt vì vậy cũng sụt giảm. Nhưng nếu nhìn vào vị trí của ga Hà Nội đó là mảnh "đất vàng" cho nhiều nhà đầu tư nhòm ngó.

Tuy nhiên, hiện hàng chục triệu m2 đất thuộc các khu ga đường sắt đang nằm trên những vị trí "đắc địa" tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng… không phát huy được hiệu quả thương mại, thậm chí bỏ ngỏ không khai thác thương mại. Lãng phí ước tính hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Vì sao lại có tình trạng như vậy?

Lãng phí “đất vàng” từ các nhà ga - Ảnh 1.

Ga Hà Nội nằm ở vị trí đẹp của nội đô Hà Nội. Ảnh: Dân trí.

Ngành đường sắt chạy tàu hàng năm đều thua lỗ, trong khi những nhà ga nằm trên những khu "đất vàng" lại không khai thác thương mại hiệu quả. Nghịch lý này tiếp tục kéo dài, không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Hai năm nay, khu vực vốn dành cho các ki-ốt thương mại tại ga Hà Nội rất vắng vẻ. Nguyên nhân phần vì khách đi tàu ít hơn, phần vì nếu thuê mặt bằng sẽ phải sửa chữa nhiều, cộng với mức giá thuê mặt bằng thương mại chung tại Hà Nội là khá cao, nên khách hàng đã trả lại ki-ốt cho đơn vị quản lý ga.

Ga Hà Nội có diện tích 20ha, được xây dựng từ năm 1902. Khu nhà có thể khai thác thương mại được đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi nguồn kinh phí dành cho việc sửa chữa nâng cấp rất hạn hẹp.

Ga Giáp Bát cũng nằm ở vị trí đẹp của trục đường lớn trong nội đô Hà Nội. Ga Giáp Bát được xây dựng từ những năm 1970, hiện 3.500m3 nhà kho cũng rơi vào tình cảnh xuống cấp nghiêm trọng. Kinh phí duy tu bảo trì hầu như không có, sửa chữa chỉ mang tính chất tạm thời, chắp vá, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho thuê thương mại.

Hạ tầng đường sắt hiện có quỹ đất khá lớn, với tổng diện tích đất trên 6.000 ha, quản lý 297 nhà ga, kho hàng, bãi hàng. Tuy nhiên, với tình trạng các khu ga đều được xây dựng từ rất lâu và đều đã xuống cấp, không thể đáp ứng nhu cầu cho thuê thương mại thì đường sắt khó có thể có được nguồn kinh phí tái đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ.

Vướng cơ chế dẫn đến lãng phí nguồn lực

Ngành đường sắt hiện được giao quản lý gần 300 nhà ga, kho hàng, bãi hàng. Trong đó, có hàng chục nhà ga có vị trí đắc địa ở các thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Hầu hết các nhà ga là nằm ở trung tâm thành phố, trên trục tuyến phố chính. Đây là một lợi thế, nếu có thể khai thác thương mại sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn lực này lại đang bị bỏ ngỏ, gây lãng phí.

Lãng phí “đất vàng” từ các nhà ga - Ảnh 2.

Ngành đường sắt chạy tàu hàng năm đều thua lỗ, trong khi những nhà ga nằm trên những khu "đất vàng" lại không khai thác thương mại hiệu quả. Ảnh minh họa - Dân trí.

Kinh phí đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quá thấp, chỉ khoảng 2% trong tổng số kinh phí dành cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Chỉ có một khoản rất nhỏ trong 2% được dành để bảo trì cho gần 300 nhà ga. Đây là điểm nghẽn lớn nhất khiến cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp trầm trọng và không khách hàng nào mặn mà thuê mặt bằng khai thác dịch vụ, gây lãng phí nguồn lực.

Một lý do khác khiến ngành đường sắt không khai thác được thế mạnh thương mại tại các nhà ga, kho bãi, bãi hàng… đó chính là việc vướng cơ chế.

Theo tính toán của ngành đường sắt, ga Hà Nội với diện tích 20 ha, nếu được phép đầu tư và cho thuê hạ tầng, mỗi năm sẽ thu được khoảng 1.000 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội sẽ có 100 tỷ tiền thuế giá trị gia tăng, Nhà nước thu ngân sách được 200 tỷ tiền cho thuê hạ tầng (thuê đất 20%), còn lại doanh nghiệp sẽ có khoảng 700 tỷ để tái đầu tư.

Để thoát khỏi nghịch cảnh chạy tàu bù lỗ trong khi bỏ phí cơ sở hạ tầng thương mại cả nghìn tỷ đồng mỗi năm chính là việc sớm tháo gỡ cơ chế cho ngành đường sắt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước