Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng container rỗng?

Anh Phương, Nguyễn Tuấn (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 19/01/2021 16:48 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng khan hiếm container rỗng đang tiếp tục làm nhiều nhà xuất khẩu tại Trung Đông và Nam Á đau đầu.

Dư luận cũng đang chỉ ra nhiều bất cập khi ngành sản xuất container trên thế giới hiện nay đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi chiếm tới 85% sản lượng container toàn cầu.

Tình trạng khan hiếm container rỗng được lý giải chủ yếu là do sự xoay vòng container đang bị đình trệ. Cụ thể, thời gian qua các nền kinh tế tại châu Âu hay Mỹ nhập khẩu rất nhiều. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, các nền kinh tế này lại không xuất khẩu được nhiều như trước, đặc biệt là các đơn hàng đi Trung Quốc giảm hẳn.

Container rỗng cứ thế bị ùn ứ tại các cảng Âu Mỹ, điều này khiến giá cước vận tải biển tăng đến 2 - 3 lần, thậm chí có lúc lên đến 7 - 8 lần. Theo Thời báo Kinh tế Ấn Độ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Ấn Độ nay phải chuyển hướng, quay trở lại khai thác thị trường trong nước do không chịu nổi mức chi phí vận tải bị đội lên quá cao, không còn sức cạnh tranh.

Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng container rỗng? - Ảnh 1.

Một cảng biển ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Daily Sabah)

Cái khó trong câu chuyện khan hiếm container rỗng là 85% lượng container trên thế giới hiện do Trung Quốc sản xuất. Trung Quốc cho biết, họ không thể tăng sản lượng container hơn.

Trong khi tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều doanh nghiệp lại đang dè dặt, không dám tham gia vào lĩnh vực này. Theo báo Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), thực tế, lượng container rỗng được Trung Quốc sản xuất thời gian qua đã bị cắt giảm 40%.

Một số doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ hoàn toàn đủ năng lực để sản xuất container rỗng, nhưng yêu cầu chính phủ phải bảo đảm. Trước đây, một số doanh nghiệp nước này bỏ tiền vào đầu tư các dây chuyền sản xuất container, chi phí là 1.200 USD/container, bán ra thị trường giá 1.500 USD, nhưng ngay lập tức ôm lấy thua lỗ, khi Trung Quốc tung container ra thị trường với giá chỉ 800 USD.

Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng container rỗng? - Ảnh 2.

Tình trạng khan hiếm container rỗng được lý giải chủ yếu là do sự xoay vòng container đang bị đình trệ. (Ảnh: Daily Sabah)

Nắm trong tay phần lớn dây chuyền sản xuất container của thế giới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Trung Đông, Nam Á cho rằng Bắc Kinh rõ ràng đang có lợi thế hơn trong bối cảnh khan hiếm container rỗng như hiện nay.

Theo báo Business-Standard (Ấn Độ), một số doanh nghiệp của nước này cho biết, thời gian qua nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng với họ để chuyển sang đặt hàng các doanh nghiệp Trung Quốc. Bởi mức giá vận tải biển bị "đội" cao, trong khi hàng xuất khẩu từ Ấn Độ chi phí cao, thời gian giao hàng không biết đến bao giờ.

Nền kinh tế bị đã đại dịch tàn phá, nay có đơn hàng mà không xuất khẩu được chỉ vì khan hiếm container. Trang mạng Outlook India kêu gọi Chính phủ Ấn Độ cần xem logistics là xương sống cho quá trình hồi phục của nước này và cần khẩn trương hoàn thiện năng lực logistics, không để phải chịu phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh, như bài học khan hiếm container đang cho thấy.

Khủng hoảng container rỗng Khủng hoảng container rỗng

VTV.vn - Nửa năm qua, container trở thành mặt hàng được săn tìm, thậm chí tranh giành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước