Maroc - Thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ở châu Phi

Thu Hiền - Văn Tùy (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ ba, ngày 28/03/2017 10:25 GMT+7

VTV.vn - Nằm bên bờ Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, Vương quốc Maroc là một trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở châu Phi.

Nhân kỉ niệm 56 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Maroc, phóng viên Ban Truyền hình Đối ngoại – Đài THVN, đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Azzeddine Farhane - Đại sứ Vương quốc Maroc tại Việt Nam về quan hệ lịch sử và triển vọng hợp tác song phương hai nước.

Xin cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian cho Đài THVN. Giữa Maroc và Việt Nam có quan hệ lịch sử từ nhiều thập kỉ trước. Ông có thể chia sẻ thêm về mối quan hệ này?

Giữa Maroc và Việt Nam có quan hệ lịch sử bền chặt ngay từ những năm 1940-1950. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam, rất nhiều người lính Maroc chiến đấu trong quân đội Pháp đã buông súng đứng về phía quân đội Việt Nam, và sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đã ở lại khai hoang, trồng trọt, xây dựng gia đình ở Việt Nam. Công trình cổng Maroc do những người hàng binh này xây dựng tại Ba Vì trong những năm tháng đó có ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa rất lớn. Chiếc cổng với kiến trúc đặc trưng baroque, là một biểu tượng của quan hệ hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước. Tôi rất mong muốn công trình này sẽ sớm được ghi nhận như một di sản văn hóa quan trọng của cả Việt Nam và Maroc.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Maroc đã có những bước phát triển như thế nào trong vòng hơn 5 thập kỉ qua?

Đến nay hai nước đã kí kết 16 hiệp định hợp tác. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tại Maroc năm 2004, Việt Nam đã nhanh chóng mở sứ quán ở Maroc năm 2005 và sau đó năm 2006, sứ quán Maroc được chính thức mở tại Việt Nam. Hai nước đã tổ chức 4 cuộc họp ủy ban liên chính phủ và 3 cuộc họp tham vấn chính trị để thống nhất về chính sách và quan điểm hợp tác song phương.

Thưa đại sứ, Việt Nam có vai trò như thế nào trong chính sách của Maroc tại Đông Nam Á và ngược lại, vị trí của Maroc trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Phi nói chung?

Trước tiên tôi xin cảm ơn Việt Nam vì đã ủng hộ Maroc trở thành nước Arab đầu tiên và là nước châu Phi đầu tiên tham gia hiệp ước TAC (Hiệp ước hợp tác hữu nghị của ASEAN).  Như các bạn cũng biết, Maroc là cửa ngõ quan trọng ở châu Phi, còn Việt Nam là cửa ngõ quan trọng ở Đông Nam Á. Chúng tôi rất nỗ lực để xây dựng cầu nối giữa hai nước và hai khu vực.

Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Maroc trong giai đoạn tới?

Hai nước cách khá xa nhau về khoảng cách địa lí, kết quả hợp tác trong thời gian qua chưa xứng với kì vọng của hai bên. Tuy nhiên, triển vọng hợp tác là rất lớn,  Maroc và Việt Nam cùng đầu tư ở châu Phi, nhưng đến nay chưa có liên hệ giữa ngân hàng của hai nước. Ở cương vị đại sứ, tôi muốn góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong các lĩnh  vực ngân hàng, thủy sản, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục và du lịch.

Về trao đổi thương mại, Maroc nhập khẩu thiết bị điện tử, hóa chất, quần áo, giày dép, thủy sản của Việt Nam. Ngược lại chúng tôi mong muốn xuất khẩu phốt phát sang Việt Nam cũng như các thị trường Đông Nam Á khác, cũng như hợp tác với Petro Việt Nam để sản xuất phân bón.

Cho đến nay chúng tôi đã cấp 19 học bổng cho sinh viên Việt Nam, con số này không nhiều, nhưng hy vọng những bạn sinh viên này sẽ là cầu nối góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Ngoài ra, ngày 17/3 vừa rồi Hội hữu nghị Maroc - Việt Nam đã thành lập, chúng tôi hy vọng Hội hữu nghị Việt Nam - Maroc cũng sẽ sớm ra đời, khởi đầu một trang mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Xin cảm ơn Đại sứ về cuộc phỏng vấn này!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước