Một kho cà phê thế chấp 7 ngân hàng?

Hoài Linh-Thứ năm, ngày 05/12/2013 08:09 GMT+7

 Câu chuyện 7 ngân hàng cùng siết nợ 1 kho cà phê là trường hợp điển hình tại tỉnh Bình Dương, bộc lộ rõ nét nhất những bất cập trong hoạt động tín dụng cho vay.

Trong bối cảnh sức khỏe nhiều doanh nghiệp còn yếu, thậm chí không ít doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, thì cũng là lúc bộc lộ rõ nét nhất những bất cập trong hoạt động tín dụng cho vay của ngân hàng. Một số ngân hàng đang đối mặt thách thức, nguy cơ nợ xấu. Và chuyện 7 ngân hàng cùng siết nợ một kho cà phê tại tỉnh Bình Dương là trường hợp điển hình đang được quan tâm.

Ngày hôm nay, phóng viên Bản tin Tài chính kinh doanh đã có mặt, ghi nhận câu chuyện tại hiện trường kho cà phê được đem thế chấp 7 ngân hàng.

Hơn 3.360 tấn cà phê của công ty Trường Ngân được thế chấp để vay vốn tại 7 ngân hàng với số tiền tổng cộng khoảng 700 tỷ đồng. Mất khả năng trả nợ, Ngân hàng OCB đã nhanh chân đưa vụ việc lên Tòa dân sự Quận 4 và Toà án đã có những phán quyết có lợi cho ngân hàng này.

‘ Lực lượng chức năng và đại diện nhiều ngân hàng vây quanh kho cà phê Công ty Trường Ngân. Ảnh: Thanh niên

Giữa năm, khi công ty mất khả năng trả nợ, các ngân hàng đã tìm cách để xử lý tài sản đảm bảo, nhưng sau đó phải tạm gác lại, chờ kết quả điều tra của công an. Ngày 3/12, Cơ quan thi hành án Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bất ngờ tuyên bố cưỡng chế kho hàng, theo Bản án đã có hiệu lực của Tòa án Nhân dân Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, buộc Trường Ngân trả nợ cho Ngân hàng Phương Đông số tiền hơn 93 tỷ đồng trong sự ngỡ ngàng của 6 ngân hàng còn lại.

Đại diện Pháp chế của các ngân hàng cho rằng, lượng cà phê trong kho là tài sản đang trong diện tranh chấp, phải được xử lý trên nguyên tắc đăng ký tài sản đảm bảo với Bộ Tư pháp. Việc Ngân hàng Phương Đông đơn phương cùng Trường Ngân đem vụ việc ra thoả thuận tại Tòa dân sự ngay khi Trường Ngân mất khả năng trả nợ đã ảnh hưởng tới lợi ích của các ngân hàng khác. Vì thực tế là cùng một lượng cà phê, nhưng đã có sự chồng lấn khi đem ra thế chấp tại các ngân hàng.

Theo một phát biểu trước đó của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Ngân, giá trị cà phê còn lại trong kho vào khoảng 100 tỷ đồng, trong khi ước tổng số nợ của 7 ngân hàng lên tới 700 tỷ đồng.

Trong quá trình cưỡng chế thi hành án, Công ty thẩm định chất lượng cà phê do cơ quan Thi hành án Dĩ An, Bình Dương mời đến đã phát hiện rất nhiều trong số những bao cà phê nơi đây chỉ có vỏ và rác. Thực tế này lại một lần nữa đặt ra vấn đề chất lượng trong khâu thẩm định tài sản của các ngân hàng trước khi cho vay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước