Năm 2014, dòng vốn FDI "rót" vào miền Trung khả quan

Trung Nghĩa-Thứ sáu, ngày 24/01/2014 08:38 GMT+7

Năm 2013, miền Trung thu hút được 66 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD. Khu vực này được dự báo là tiếp tục có dấu hiệu khả quan trong năm 2014, mặc dù dòng vốn đầu tư không lớn như hai đầu đất nước.

Năm 2013, Đà Nẵng thu hút tới 36 dự án trong danh sách 66 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào miền Trung. Thành phố này hiện là một trong những điểm đến khá hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nếu so sánh về tổng vốn đăng ký thì không lớn, chỉ hơn 50 triệu USD, nhưng số dự án FDI vào Đà Nẵng lại chiếm áp đảo so với toàn vùng. Nhóm ngành chính đầu tư vào đây vẫn là công nghiệp phụ trợ, còn công nghệ cao đang trong giai đoạn khởi động.

Theo số liệu của Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2013, các tỉnh miền Trung thu hút thêm 66 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 1,5 tỷ USD.

Trong đó, nổi bật là Dự án xây dựng Nhà máy Lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác của Công ty TNHH Bus Industrial Center (Liên bang Nga) đầu tư vào tỉnh Bình Định có vốn đầu tư 1 tỷ USD; dự án Khu Công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP) tại Quảng Ngãi…

Đây là cơ sở quan trọng để các nhà chuyên môn nhận định dòng vốn FDI vào miền Trung sẽ tăng trong thời gian tới. Nhưng quan trọng nhất là việc đảm bảo phối hợp vùng, miền và mang tính bền vững cao.

Ông Trịnh Minh Vân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư miền Trung, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoach và Đầu tư cho biết: "Nhật Bản và Hàn Quốc là hai dòng vốn truyền thống, ngoài ra chúng ta cũng có thể hi vọng nhận được dòng vốn các nhà đầu tư từ Thái Lan, Singapore. Hi vọng 2014, khu vực miền Trung sẽ có những đột phá".

Như vậy, tính đến nay, các tỉnh miền Trung đã thu hút được 850 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn gần 25,5 tỷ USD. Con số này đạt khá trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn. Và tốc độ đầu tư dòng vốn FDI trong thời gian tới vào miền Trung được nhận định là tiếp tục khả quan.

Vấn đề là các địa phương cần nhìn nhận lợi thế của mình trong bối cảnh tiềm năng, lợi thế toàn vùng nhằm thu hút đầu tư tốt, đồng thời tạo ra môi trường đầu tư bền vững với những dự án mang lại hiệu quả thực sự.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước