Nợ xấu - Bài toán vĩ mô của nền kinh tế

Chí Sơn-Thứ hai, ngày 12/11/2012 20:11 GMT+7

Hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu, 70.000 căn hộ đang đắp chiếu, hàng trăm ngàn tấn sắp thép, xi măng tồn kho… Nợ xấu từ đâu ra và phải giải quyết thế nào đang là câu chuyện nóng của nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng, nói một cách dễ hiểu là sự tăng lên của các khoản cho vay. Trong suốt 1 thập kỉ qua, giai đoạn 2000-2010, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam luôn ở mức trung bình trên 32% - mức tăng được coi là quá nóng. Nhưng đường ống chứa những khoản cho vay đang có đường kính là 32 đã bị thắt lại, chỉ còn 1/3 (năm 2011 tín dụng chỉ tăng hơn 10%), thậm chí chỉ còn 1/10 (hết tháng 10/2012, tín dụng chỉ tăng 3,3%).

Khi tín dụng thắt chặt để phục vụ cho mục tiêu kìm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, cộng với sự tụt dốc của kinh tế thế giới, thì chu trình vận động của dòng tiền trong nền kinh tế sẽ xảy ra những hệ lụy. Sự dồn ứ của những khoản vay trước đây là điều dễ nhận thấy, áp lực trả nợ cộng lãi suất càng làm cho các khoản nợ này phình to, nghĩa là nợ xấu cũng ngày càng gia tăng.

Có người gọi, đây là “cục máu đông” làm tắc nghẽn huyết mạch của nền kinh tế. Còn Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đã dí dỏm ví, đây như “dòng sữa mẹ” bị tắc. “Nợ xấu như là người mẹ cho con bú, nhưng bị tắc, mẹ thì đau, con thì đói. Thậm chí nếu tình hình này kéo dài thì có người thậm chí sẽ tử vong. Bởi vậy cần một bàn tay thứ ba can thiệp, nghĩa là chính phủ phải đứng ra để xử lý nợ xấu”.

Tuy nhiên, có ý kiến phản biện cho rằng, việc cho vay là quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nợ xấu phát sinh thì trách nhiệm chính thuộc về 2 đối tượng này mà thôi.

“Nhiều nước khi gặp vấn đề về nợ xấu, họ cũng đã có những tranh luận rất gay gắt về việc xử lý nợ xấu, nhưng rồi cuối cùng chính phủ các nước này vẫn đứng ra để xử lý nợ xấu, vì họ biết rõ ràng nếu để nợ xấu kéo dài đất nước sẽ không có ích lợi gì trong tương lai”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nói.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi phải xử lý nợ xấu. Thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 1999, Thái Lan có mức nợ xấu lên tới 47,7%, Indonesia trên 50%, Hàn Quốc là 17% và Malaysia trên 11,4%. Nợ xấu đã và sẽ vẫn là vấn đề của bất cứ quốc gia nào và chính phủ các nước này cũng đều phải trực tiếp đứng ra xử lý. Và để xử lý nợ xấu cho cả nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã dự trù đề án thành lập một công ty quản lý tài sản tầm cỡ quốc gia.

Ông Đào Quốc Tính, Phó chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Cơ chế hoạt động của Công ty Quản lý tài sản quốc gia là mua bán lại những tài sản của các ngân hàng thương mại, nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về ngân hàng thương mại và người đi vay. Để có được nguồn vốn, công ty này sẽ phải phát hành trái phiếu, sau đó lấy tiền mua các tài sản, rồi lại bán các tài sản đó đi.

Nhưng dù công ty mua bán tài sản quốc gia có được thành lập để xử lý nợ xấu cho nền kinh tế thì không có nghĩa đây sẽ là phép nhiệm màu xóa được hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu hiện nay. 70.000 căn hộ đang đắp chiếu, hàng trăm ngàn tấn sắp thép, xi măng đang tồn kho… cần phải giải pháp đồng bộ thì vấn đề nợ xấu mới được xử lý triệt để.

Ông Đào Quốc Tính, Phó chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng: “Cùng với công ty quản lý tài sản, việc phải có thêm các giải pháp khác để thúc đẩy hàng tồn kho giảm, kích thích tiêu dùng, giảm nợ trong xây dựng cơ bản… nghĩa là các giải pháp vĩ mô khác cũng cần phải được triển khai”.

Như vậy, đường hướng để xử lý vấn đề nợ xấu cho cả nền kinh tế đã được hé mở. Nhưng rõ ràng, khoản nợ đọng trên 200.000 tỷ đồng đang nằm ở bất động sản, ở hàng hóa tồn kho và liên quan đến nhiều ngành, nhiều nghề thì đây thực sự là bài toán vĩ mô của cả nền kinh tế.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước