Sau "bão" tài chính, đảo Síp còn lại gì?

Trần Hà -Thứ tư, ngày 03/04/2013 11:22 GMT+7

Ảnh: VTV

 Cộng hòa Síp đã được cứu trợ sau những phút khó khăn. Theo các nhà phân tích, quốc đảo này vừa trải qua một trận bão lớn. Mặc dù thoát hiểm, nhưng mất mát lại nhiều, mà cái mất nhiều nhất là niềm tin…

Một chiếc "phao cứu sinh" chở 10 tỷ euro của châu Âu đã được quăng ra vào phút chót. Síp sống sót, nhưng sau "bão" tài chính, đảo Síp xơ xác, cả quốc đảo đều thiếu tiền. Cả hệ thống ngân hàng kiệt quệ. Một ngân hàng đã phải ra đi, mà lại là ngân hàng lớn thứ hai của Síp - ngân hàng Laiki. Nhiều người gửi tiền tại đây sẽ có thể bị mất trắng.

Nữ Luật sư Irine Christodolou nói: "Đâu chỉ có người nước ngoài, người Síp cũng mất nhiều tiền của họ trong ngân hàng. Mọi người cật lực làm việc, để rồi qua một đêm không còn gì cả".

Những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 100.000 euro tại ngân hàng Síp đang bị chia ra thành những mảnh nhỏ, nhưng chẳng hy vọng mảnh nào quay về túi chủ của nó. 40% tiền bị chuyển thành mớ cổ phiếu gần như vô giá trị - cổ phiếu của những ngân hàng đang thoi thóp sống. 60% tiền còn lại chuyển thành một lời hứa mà không ai biết khi nào sẽ được thực hiện. Lời hứa, tiền sẽ trở về túi người gửi khi ngân hàng Síp hoạt động bình thường. Mà "bình thường", dường như đang trở thành một từ xa xỉ với toàn hệ thống ngân hàng Síp vào lúc này.

Ông Antonis Elinas, Giảng viên trường Đại học Síp nói: "Người ta sẽ không còn muốn đặt tiền ở Síp nữa. Sẽ chẳng thể còn một hệ thống ngân hàng Síp nào hoàn hảo như trước nữa, mọi cái đang vỡ vụn và người ta chỉ đang cố hàn gắn từng mảnh nhỏ."

Sau bão, đảo Sip không chìm, nhưng một thiên đường đã biến mất - Thiên đường né thuế của người giàu.

Ivor Bennett, Phóng viên Reuters cho rằng: "Sip vẫn là một điểm du lịch lý tưởng, nhưng chắc chắn đó không còn là một thiên đường tránh thuế nữa. Mặt trời đã tắt ở đây khi người gửi tiền đang điêu đứng với khoản tiền gửi của họ."

Không còn là thiên đường né thuế. Có thể đấy là mục đích của châu Âu muốn làm trong sạch lại hệ thống ngân hàng Síp, nhưng với một nền kinh tế mà tổng tài sản của ngân hàng gấp 7 lần tổng tài sản của cả nền kinh tế thì đây sẽ là một mất mát lớn với Síp, đặc biệt với người dân Síp.

Ông George Polydorou, một người thất nghiệp bày tỏ: "Vài năm trước, tôi đã từng nghĩ là nên ở Anh hay ở Síp. Cuối cùng chọn Síp sinh sống, rồi lấy vợ, sinh con, xây nhà dựng cửa ở hòn đảo này. Bỗng nhiên "bùm" một cái, mọi thứ bay hết cả. Tôi mất việc, vợ tôi bị giảm 60% lương, mà cũng chẳng biết làm gì cả nữa. Lựa chọn duy nhất lúc này là bỏ ra nước ngoài".

Sau bão tài chính, đảo Síp không chìm, nhưng đang mất mát nhiều thứ. Người dân mất niềm tin với một nơi họ đã từng gắn bó, người gửi tiền mất niềm tin với một hệ thống ngân hàng mà họ đã từng coi là thiên đường. Bởi họ biết tiền là của họ, nhưng lại sẽ có thể bị tịch thu, đóng băng, hoặc ít nhất là bị cắt giảm bất cứ lúc nào. Và sẽ chẳng bao giờ được báo trước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước