Sữa bẩn và lời cảnh báo về mô hình tăng trưởng nóng

TCKT-Chủ nhật, ngày 11/08/2013 16:50 GMT+7

 Các vụ bê bối sữa trong thời gian qua là lời cảnh báo về mô hình tăng trưởng nóng của ngành sữa tại nhiều quốc gia. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, nó có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe con người, uy tín của DN, thậm chí uy tín của cả nền kinh tế.

Thông tin mà người tiêu dùng tuần qua quan tâm đặc biệt đó là việc hãng sữa lớn nhất New Zealand Fonterra tuyên bố 3 lô sản phẩm sữa protein cô đặc của hãng sản xuất hồi tháng 5/2012 đã bị nhiễm loại khuẩn cực độc Clostridium Botulinum có thể gây ngộ độc thần kinh, liệt cơ thậm chí dẫn đến tử vong.

Điều đáng lưu ý là các lô sản phẩm sửa này đã được xuất khẩu để chế biến thành 870 tấn sản phẩm nhiều loại từ sữa công thức trẻ em, nước giải khát, sữa chua đến đồ uống thể thao tại New Zealand và 6 nước khác là Australia, Trung Quốc, Malaysia, Arab, Thái Lan và Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định: “New Zealand là một trong những quốc gia hàng đầu xuất khẩu sữa. Mỗi năm nước này xuất khẩu 8 tỷ USD sữa, khoảng 1/4 tổng kim ngạch của New Zealand. Vụ bê bối sữa tại đây không chỉ ảnh đến chính uy tín của hãng sữa mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cả nền kinh tế New Zealand”.

‘ Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (phải) trong cuộc trao đổi xoay quanh sữa nhiễm độc

Dù đến thời điểm này trên thế giới vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm độc, nhưng thông tin Fortana đã ngay lập tức làm rung động thị trường khiến một loạt quốc gia bị ảnh hưởng phải tiến hành chiến dịch thu hồi sữa. Riêng tại Việt Nam, 11 lô sữa dòng Similac Gain Plus EyeQ của hãng Abbot và một lô sữa dòng Dumex của hãng Danone đang được thu hồi vì dùng nguyên liệu nhiễm khuẩn của hãng Fortana.

Theo ông Vũ Đình Ánh, vụ sữa nhiễm độc tại New Zealand là rủi ro trong quá trình sản xuất tuy nhiên, nó đã tác động tới các công ty sản xuất, nguồn cung sữa trên toàn cầu. Các công ty sữa phải rà soát lại quy trình sản xuất của mình cũng như cần đặt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng của mình. Thứ hai, nó ảnh hưởng đến các nước nhập khẩu sữa đặc biệt là những nước nhập khẩu sữa nhiều như Trung Quốc.

Vụ bê bối sữa nhiễm khuẩn mới nhất của New Zealand đã làm các bậc cha mẹ tại nhiều quốc gia lo lắng về chất lượng các loại sữa cho con em mình. Nó cũng khiến các nhà sản xuất, các nhà quản lý, nhà nhập khẩu một lần nữa phải đặt nặng trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý chất lượng và thúc đẩy các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Sau hàng loạt vụ bê bối liên quan đến sức khỏe đặc biệt là sức khỏe trẻ nhỏ, niềm tin của người tiêu dùng đã bị tác động trong chừng mực nào đó. Tác động lớn nhất trong trường hợp này tuy về mặt thiệt hại kinh tế có thể không lớn nhưng nó tạo ra thay đổi nhất định trên cục diện thị trường sữa toàn cầu”.

Còn đối với ngành công nghiệp sữa tại nhiều quốc gia đây là lời cảnh báo về một mô hình tăng trưởng “quá nóng” mà nếu không kiểm soát chặt chẽ có thể có những tác động tiêu cực lâu dài với sức khỏe con người, uy tín của doanh nghiệp, thậm chí uy tín của cả nền kinh tế.

Để hiểu rõ hơn về những vấn đề xoay quanh vụ bê bối sữa vừa qua, quý khán giả có thể theo dõi cuộc trao đổi giữa phóng viên Đài THVN với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh trong chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước