Thương hiệu Việt vừa "lớn" đã vội bán

Thư Hiền (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 26/03/2018 14:23 GMT+7

VTV.vn - Với tổng giá trị ước hơn 16 tỷ USD cho 2 năm 2016, 2017, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn của các thương vụ mua bán, sáp nhập. Tuy nhiên, điều này nên hay không?

Thời gian gần đây, những thương vụ DN Việt "bán mình" cho nước ngoài lớn hơn nhiều về giá trị và khá dồn dập. Với tổng giá trị ước trên 16 tỷ USD cho 2 năm liên tiếp 2016 - 2017, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn của các thương vụ mua bán, sáp nhập. Tuy nhiên, một góc nhìn khác về chủ đề này được đề cập qua cụm bài viết trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 26/3 "Thương hiệu Việt chưa lớn đã vội bán".

Thương hiệu Việt vừa lớn đã vội bán - Ảnh 1.

GS Trần Văn Thọ - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ khi được báo Tuổi trẻ phỏng vấn đã cho rằng, cần nghiên cứu hiện tượng nhiều DN vừa lớn, mới vươn lên đã bán cho nước ngoài, bởi nền kinh tế không có thương hiệu lớn, thiếu vắng các doanh nghiệp dân tộc đủ tầm cỡ sẽ rất khó để cạnh tranh và phát triển bền vững. 

Vậy, người trong cuộc có những ý kiến như thế nào trước vấn đề này?

Bà Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, nếu DN có điều kiện phát triển, chưa chắc họ đã bán. 

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, M&A cũng là cơ hội để các DN trong nước có vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, mở rộng thị trường. 

Còn theo ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, có thể DN muốn dừng lại để thu lợi nhuận, cũng có thể do thiếu niềm tin kinh doanh tiếp nên Nhà nước cần phải tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng giữa các thành phần DN.

Báo Tuổi trẻ cũng đăng ý kiến của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright): "Nhiều DN chọn cách bán cho đối tác ngoại lỗi không phải bản thân họ mà có thể còn do cơ chế. Một số DN Việt lớn mạnh nhờ tận dụng vào sự bảo hộ của Nhà nước. Sự bảo hộ ngày càng mất đi, xuất hiện nhiều DN ngoại, thấy nguy cơ không cạnh tranh được nên nhiều doanh nhân quyết định bán".

Thương hiệu Việt vừa lớn đã vội bán - Ảnh 2.

GS Trần Văn Thọ cũng trích ý kiến của Ngài Ibuka Masaru, người sáng lập Công ty Sony, đã nói trong bài diễn văn ngày thành lập công ty năm 1946 như sau: "Phải đem công nghệ đóng góp vào sự phục hưng của Tổ quốc chúng ta" - một câu nói tiêu biểu cho tinh thần yêu nước trong bối cảnh Nhật Bản hoang tàn sau Thế chiến 2. Bởi ông nhận thấy một số doanh nhân Việt còn thiếu trách nhiệm với tiền đồ đất nước. Các doanh nhân phải có lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc thì kinh tế mới phát triển.

Dĩ nhiên, không thể đặt tất cả trách nhiệm lên vai doanh nghiêp. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng để các DN yên tâm đầu tư, phát triển. Khi DN tin tưởng vào tương lai cộng với tinh thần dân tộc, đó là những xúc tác để kinh tế Việt Nam có thể tạo ra được những kỳ tích, chẳng những tiếp tục giữ được thương hiệu mà còn có thể thâu tóm thương hiệu nước ngoài để làm chủ thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Thị trường M&A 2017 chưa ghi nhận nhiều thương vụ lớn Thị trường M&A 2017 chưa ghi nhận nhiều thương vụ lớn Thương hiệu Việt - Xưa và Nay Thương hiệu Việt - Xưa và Nay Những thương hiệu từng 'làm mưa làm gió' trên thị trường Việt Những thương hiệu từng "làm mưa làm gió" trên thị trường Việt

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước