Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị

Tấn Quýnh-Thứ bảy, ngày 05/07/2014 11:41 GMT+7

Cá ngừ là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của cả nước, cùng với tôm và cá tra là ba sản phẩm được chọn để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tại cảng cá Phú Yên, nơi khởi đầu nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam, cá ngừ bán cho các nhà máy đông lạnh giá chỉ là 73.000 đồng/kg. Trong khi đó cá đạt chất lượng sashimi để xuất khẩu tươi sang Nhật, giá bán 195.000 đồng, gấp gần 3 lần.

Giá cá thấp, ngư dân luôn trong tình trạng thấp thỏm lo âu bị lỗ vốn, nhất là khi chi phí một chuyến câu cá ngừ không dưới 150 triệu đồng. Còn các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vừa thừa vừa thiếu nguyên liệu cá ngừ. Thừa đối với cá ngừ kém chất lượng nhưng lại thiếu cá đạt chất lượng xuất khẩu tươi. Nghịch lý đã xảy ra khi kim ngạch xuất khẩu cá ngừ năm 2013 trên 500 triệu USD thì kim ngạch mua nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu để chế biến đã chiếm một nửa.

Từ khai thác đến xuất khẩu cá ngừ thực sự là chuỗi giá trị, thế nhưng thời gian qua, chuỗi này đã bị đứt đoạn. Doanh nghiệp trông chờ ngư dân đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng cá ngừ. Ngược lại, với kiểu mua xô, không có sự minh bạch về chất lượng, giá cả, ngư dân cũng chưa mạnh dạn thay đổi công nghệ. Tất cả những vướng mắc này đang được tháo gỡ với cách tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là vấn đề mới và đã được đặt ra từ lâu. Nhiều ý kiến cho rằng trong khi còn nhiều mặt hạn chế trong khai thác cá ngừ từ quy hoạch đến công nghệ khai thác, bảo quản cũng như tổ chức thị trường thì để phương án tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi thực sự mang lại hiệu quả không phải là điều đơn giản”.

Hiện tại, cả nước có trên 3.500 tàu câu cá ngừ gắn liền với 35.000 lao động làm nghề khai thác. Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị cũng đồng nghĩa nâng cao mức sống của ngư dân và đây cũng chính là mục tiêu mà Chính phủ đang triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân.

Qua điều tra, sản lượng cá ngừ đại dương cho phép khai thác tối đa 19.000 tấn mỗi năm. Trong thời gian sớm nhất sẽ có quy hoạch nghề khai thác cá ngừ đại dương, trên cơ sở đó, các địa phương sẽ điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền. Để sản xuất theo chuỗi giá trị, từ phương án phát triển đội tàu khai thác cá ngừ theo hướng hiện đại cũng như các giải pháp thị trường, xây dựng cơ sở dịch vụ hậu nghề cá… cần được triển khai đồng bộ.

Cá ngừ vẫn được xem là sản phẩm có dư địa rộng cả về trữ lượng khai thác cũng như nhu cầu thị trường. Nếu tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị cũng đồng nghĩa sẽ phát triển ngành kinh tế biển mũi nhọn, nâng cao đời sống của ngư dân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước