TP.HCM: Minh bạch thông tin chương trình bình ổn giá

Kim Dung-Thứ hai, ngày 11/03/2013 12:06 GMT+7

Người dân mua hàng từ xe bán hàng bình ổn giá lưu động (Ảnh: Kim Ngân/SGGP)

TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện chương trình bình ổn giá của cả nước. Từ năm 2002 đến nay, mọi điều kiện và thông tin liên quan đến chương trình đều được các doanh nghiệp thực hiện rất minh bạch.

Chương trình bình ổn giá là biện pháp can thiệp bằng chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước đối với một số nhóm hàng thiết yếu nhằm kiềm chế tăng giá. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều thông tin cho rằng nguồn tiền Nhà nước hỗ trợ cho chương trình này với lãi suất 0% trong vòng 12 tháng thường chỉ chảy vào túi một số doanh nghiệp khéo luồn lách, tạo cơ chế xin cho. Tuy nhiên, thực tế tại TP.HCM - địa phương đầu tiên thực hiện chương trình bình ổn giá, từ năm 2002 đến nay, mọi điều kiện và thông tin liên quan đến chương trình này đều được các doanh nghiệp thực hiện rất minh bạch. Các cơ quan quản lý cũng kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện từ khâu sản xuất đến phân phối.

Được tham gia vào chương trình bình ổn giá tại TP.HCM, có lẽ là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu. Vì bên cạnh được xét vay vốn ưu đãi, thương hiệu của doanh nghiệp cũng được quảng bá. Theo Sở Công thương TP.HCM, chương trình không giới hạn doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn TP.HCM tham gia. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện của chương trình.

Bà Lê Ngọc Đào, PGĐ Sở Công thương TP.HCM, cho biết: “Doanh nghiệp tham gia vào chương trình bình ổn giá phải có năng lực sản xuất, phải có nguồn hàng chi phối được thị trường. Gíá bán được xác định trên cơ cấu nguyên liệu đầu vào, giá luôn thấp hơn so với thị trường từ 5% đến 10%”.

Bên cạnh năng lực sản xuất, chương trình cũng yêu cầu doanh nghiệp tham gia phải có tối thiểu 12 điểm phân phối. Vì có hệ thống phân phối tốt, hàng hóa sẽ dễ đến tay người tiêu dùng, và đây cũng là cơ sở để giảm giá thành sản phẩm. Mặc khác, sản phẩm phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe.

Về giá bán và nguồn hàng cung ứng ra thị trường, Chánh Thanh tra Sở Tài Chính cho rằng, trong năm qua, trong gần 6.000 điểm phân phối hàng bình ổn đã có một số trường hợp vi phạm các yêu cầu này nhưng đã kịp thời chấn chỉnh. Đến nay, chưa có doanh nghiệp nào bị xử phạt do vi phạm các cam kết.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP.HCM nói: “Thông qua việc kiểm tra, chúng tôi đã giám sát việc chấp hành giá của doanh nghiệp. Cũng có một số cửa hàng lợi dụng xen cài hàng khác, chúng tôi đã đề nghị đưa ra khỏi khu vực”.

Hiện tại, TP.HCM có gần 50 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá. Năm 2012, lượng tiền mà TP.HCM hỗ trợ cho chương trình vay ưu đãi chỉ khoảng 270 tỷ đồng, thấp hơn năm trước đó gần 140 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng hàng mà các doanh nghiệp này cung ứng ra thị trường có giá trị trên 6.600 tỷ đồng. Lượng hàng này thường chiếm từ 30% đến 40% thị phần và lên đến trên 50% vào thời điểm Tết nên đủ sức chi phối giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, trong năm 2013 và những năm tiếp theo, chương trình bình ổn sẽ ngày càng mở rộng quy mô, điểm bán, tăng số lượng và chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, sẽ giảm dần lượng tiền hỗ trợ của Nhà nước, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất chứ không hỗ trợ trong khâu lưu thông.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước