Tranh luận quanh việc giao chỉ tiêu tạm trữ gạo cho địa phương

Ngọc Anh-Thứ hai, ngày 13/05/2013 11:03 GMT+7

Ảnh: Thanh Niên

Hiện có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc phân bổ chỉ tiêu tạm trữ gạo được giao cho các địa phương thay vì được điều phối bởi VFA như trước đây.

Mặc dù bước vào vụ thu hoạch thứ 2 trong năm, song lượng tồn kho gạo trong các doanh nghiệp hiện vẫn còn tới gần 2 triệu tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thì nguyên nhân của tình trạng này là do sức mua giảm của thị trường thế giới.

Để tháo gỡ khó khăn, mới đâyHiệp hội Lương thực Việt Nam đã kiến nghị Nhà nước tiếp tục chủ trương thu mua tạm trữ gạo, tuy nhiên việc phân bổ chỉ tiêu tạm trữ sẽ được giao về cho các địa phương thay vì được điều phối bởi VFA như trước đây.

Theo nhiều địa phương, việc giao quyền phân bổ chỉ tiêu tạm trữ về cho các địa phương sẽ giúp họ chủ động thực hiện chính sách này theo đúng lịch thu hoạch, đồng thời sẽ tránh được những nghi kỵ về sự thiếu công bằng của VFA khi phân bổ chỉ tiêu tạm trữ cho các doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội.

Tuy nhiên, hiện VFA mới chỉ trả lại quyền phân bổ chỉ tiêu tạm trữ gạo, trong khi vẫn giữ quyền phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo, đặc biệt là với các hợp đồng Chính phủ. Điều này khiến nhiều địa phương lúng túng, bởi các doanh nghiệp không dám tạm trữ khi không biết mình sẽ được xuất khẩu bao nhiêu gạo.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho rằng: “Việc phối hợp giữa Ủy ban tỉnh và VFA cần phải rõ hơn và phải có sự hỗ trợ tác động trong vấn đề đầu ra của các thị trường xuất khẩu. Chúng tôi cho rằng phải có một sự phối hợp và phân định rõ ràng trách nhiệm giữa 2 bên”.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo Việt Nam đã giảm 28 USD/tấn và hiện đang ở mức thấp nhất thế giới. Theo VFA, thực tế này đang đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ khó có thể thu mua lúa cho nông dân trong vụ hè thu sắp tới. Hiệp hội kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục chính sách hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp thu mua tạm trữ gạo cho nông dân.

Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam VFA, ông Trương Thanh Phong cho biết: “Diện tích sản xuất hè thu, thu đông cần giảm đi và chuyển phần diện tích này sang trồng cây màu. Trước mắt chắc chắn phải tạm trữ gạo, giao cho các doanh nghiệp tạm trữ trong vụ hè thu”.

Mặc dù VFA kiến nghị tạm trữ nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp tạm trữ gạo không giúp được gì cho nông dân. Một điều tra mới đây của tổ chức Oxfam cho thấy, trong khi thu nhập của người nông dân hầu như không tăng thì lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tăng từ 7% trong năm 2007 lên hơn 90% trong giai đoạn 2008 – 2010.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện đầu tư sang các mặt hàng phi nông nghiệp như kinh doanh xe máy. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên ngừng chủ trương thu mua tạm trữ bởi đây là cách làm phi thị trường, tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm.

Ông Phan Thế Ruệ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho biết: “Bây giờ đang là tạm trữ lúa, đường, có thể tiếp đó sẽ là tạm trữ cà phê, tiêu, điều… Khi tất cả các loại hoa quả đều tạm trữ không biết Chính phủ phải xử lý thế nào. Nếu Chính phủ không xử lý được sẽ gây ra tình trạng mất công bằng và như thế sẽ không đúng với cam kết WTO”.

Cũng theo báo cáo của Oxfam mới đây, chính sách thu mua tạm trữ gạo trong những năm qua hầu như có rất ít tác động đến việc tiêu thụ lúa của nông dân. Nếu như năm 2006, nông dân thu được 70% tổng lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh lúa gạo thì đến năm 2010 tỷ lệ này chỉ còn 10%.

Mỗi năm, Nhà nước đang phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để các doanh nghiệp thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ gạo. Điều này chứng tỏ gạo Việt Nam hầu như không năm nào không gặp khó khăn trong tiêu thụ. Trong khi đó, ngành nông nghiệp lại không ngừng vận động người dân nâng cao sản lượng thay vì chuyển sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài việc giúp đỡ người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, giảm sản lượng lúa sẽ có ý nghĩa hơn bởi trong tương lai thế giới sẽ ngày càng tiêu thụ ít gạo đi.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước